Với một biệt thự thoáng 4 mặt, thiết kế công năng đương nhiên sẽ phải có nhiều cửa. Vậy, những phương vị không tốt có nên thiết kế kiến trúc để mở cửa hay không, bởi nếu không mở cửa, thì về mặt kiến trúc, sẽ không đảm bảo tính mỹ thuật?
Đứng về mặt kiến trúc, khi thiết kế phối cảnh công trình để tạo nên một công trình đẹp, những phương vị nào cần mở cửa đương nhiên vẫn phải thiết kế cửa. Cửa thì có cửa mở để tiếp khí và ánh sáng, cũng có cửa khi không mở, thì không tiếp khí và ánh sáng, như cửa gỗ đặc, có cửa kính không mở, thì chỉ nhận ánh sáng chứ không tiếp khí.
Xét về phong thủy, về nguyên tắc, cửa ở phương vị vượng thì chúng ta mở cửa thường xuyên để tiếp được khí và ánh sáng bên ngoài vào nhà, còn phương vị nào không vượng, chúng ta để các hệ vách kính cố định, hoặc có cánh mở, nhưng không mở thoáng ra, hoặc thiết kế xây dựng bằng cửa gỗ đặc để tạo kiến trúc đẹp cho công trình. Phương vị hay cung vượng ở đây tính đơn giản thì theo bát trạch, phức tạp hơn thì tính theo 24 sơn và 72 long.
Trong phong thủy có một trường phái gọi là luận về khí, gọi là một trường phái, nhưng thực chất chỉ là một phần của phong thủy địa lý. Khi mở hệ cửa đi và cửa sổ sẽ có không khí lưu thông qua, vì vậy xem phong thủy cửa phụ thuộc vào phong thủy tính về khí, do đó mới tính kích thước theo Lỗ ban để cửa được tốt về phong thủy hơn.
Ngoài việc có giá trị về thực tế, tức giúp công trình lưu thông khí tốt, cấp khí tươi cho ngôi nhà, không có những khu vực đọng khí tù, giúp cho con người trong đó không bị bí bách và tránh được các bệnh hô hấp do các hệ vi khuẩn tồn đọng gây ra, thì cửa còn có sự ảnh hưởng không hề nhỏ trong phong thủy, giúp tăng giảm thịnh suy cho công trình, góp phần trong sự tốt xấu về sức khỏe, ảnh hưởng làm tăng giảm tài vận của cả nhà.
Nếu xếp phong thủy về khí như một trường phái, thì luận về khí trong phong thủy như thế nào, thưa kiến trúc sư?
Về mặt phong thủy, khí được chia ra thành thực khí và hư khí. Hệ cửa mà có ánh sáng và không khí cùng đi qua được, thì cửa đó là cửa tiếp được thực khí và có độ ảnh hưởng theo phong thủy là 100%. Hệ vách kính cố định hoặc cửa sổ bằng kính đóng lại, lúc này chỉ có ánh sáng đi qua, không khí không đi qua được thì được gọi là hư khí. Tác dụng về phong thủy của hư khí chỉ bằng chưa đến 50% của thực khí. Cửa có cánh đặc, ánh sáng và không khí không đi qua được, chỉ có tác dụng về kiến trúc và không mở, thì không ảnh hưởng phong thủy về khí.
Khí còn được chia ra chia ra tĩnh và động. Thực khí là khí động, hư khí là khí tĩnh. Khi thiết kế về nội thất, những nơi đặt quạt, điều hòa được xếp vào những phương vị có khí động. Còn những khu vực, không gian không có quạt, điều hòa hay cửa mở thì thuộc về phương vị có khí tĩnh.
Biệt thự với 4 mặt thoáng
Do đó, khi tính toán phong thủy nội thất, những phương vị tốt người ta mới tạo khí động, điều này giúp cho người ở trong đó thoải mái về tinh thần và tốt cho sức khỏe. Những phương vị xấu mà tạo khí động, thì tâm con người bất an, dễ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe. Điều này cũng giải thích tại sao có những phòng ngủ đặt sai vị trí điều hòa và quạt, người ta luôn ốm và ngủ không ngon.
Vậy tại sao cung xấu theo Bát trạch vẫn đặt giường ngủ?
4 cung tốt xấu hay 4 cung tốt là phân chia theo Đông Tứ Trạch hay Tây Tứ Trạch là của Phong thủy Bát Trạch. Gia đình nào cũng sẽ có cả người Đông Tứ mệnh và Tây Tứ mệnh. Ngoài ra, còn phải tính phương vị của giường tốt theo 24 sơn - 72 long và tốt theo Ngũ hành bản mệnh theo Tứ trụ, ai hợp vị trí giường nào thì chỉ định ngủ ở phương vị đó. Vị trí giường ngủ phải tốt theo tất cả các trường phái.
Phòng vệ sinh có một phần diện tích đè lên một phần phòng bếp có xấu không?
Nói đến phong thủy phòng bếp có 2 vị trí quan trọng là bếp và chậu rửa. Vị trí đặt bếp không được đặt dưới phòng vệ sinh và dưới giường ngủ, quay về hướng tốt theo Phong thủy Bát trạch và bếp là hỏa trấn đặt chuẩn theo 24 sơn hướng và 72 long là bếp tốt.
Thực tế, có nhiều nhà phòng bếp và ăn gộp làm một, diện tích rộng, nên ranh giới phòng vệ sinh trên phòng bếp ăn, nhưng không trên bếp thì không ảnh hưởng. Thông thường, phòng bếp sẽ dưới phòng ngủ, thì vị trí bếp không đặt dưới vị trí giường là được. Như ở nhà mặt phố hiện nay, bếp ở tầng 1, ở trên là phòng ngủ là đương nhiên.
Còn vị trí chậu rửa bát có dùng nước thường xuyên và chất liệu là inox, nên được xếp vào loại Thủy trấn và Kim chấn, có đặt dưới phòng vệ sinh hay giường ngủ cũng không hại gì. Quan trọng là phải tính theo 24 sơn hướng và 72 long.
Trong thiết kế biệt thự, yếu tố phong thủy nào có vai trò nhất, thưa kiến trúc sư?
Theo như bài toán phong thủy riêng ngôi nhà, thế của ngôi nhà và phong thủy ngoại cục quyết định 50%, cửa ra vào 10%, bếp 10%, giường ngủ 10% và ban thờ theo phong thủy Dương 10%. Cộng tổng là 90%, còn lại là 10% chia đều cho cầu thang bộ - thang máy - vệ sinh - bể phốt - bể nước - bồn nước mái… Bài toán này áp dụng nhiều cho nhà mặt phố phân chia lô.
Còn đối với biệt thự hoặc nhà vườn, thì 50% là phong thủy sắp đặt nội cục ở trong ngôi nhà, còn phong thủy ngoại cục chiếm 50% bao gồm: hồ cá, đài phun nước, hòn non bộ, đắp đồi, trồng cây… Cho nên, án ngữ và trấn phong thủy cho biệt thự không những phải tính ở trong nhà, mà còn trấn ngũ hành cả bên ngoài sân vườn.
Trong quá trình thiết kế kiến trúc phong thủy, tôi không phân tích quá chi ly theo Huyền không, bởi kiến thức nền và lý luận rất dài, người chưa nghiên cứu cũng không thể hiểu rạch ròi được. Chúng ta chỉ làm rõ thiết kế kiến trúc áp dụng theo phong thủy sẽ như nào thôi. Hơn nữa, các lý luận về phong thủy cũng đã có nhiều bài viết trước phân tích đầy đủ.
Với các bài vừa qua, là tổng quát toàn bộ những ứng dụng và lý luận, vận dụng vào thiết kế kiến trúc cho một ngôi biệt thự xanh, giúp cho các độc giả hiểu hơn về quá trình thiết kế kiến trúc phong thủy phải tuân thủ những bước gì và khác thiết kế kiến trúc nhà thông thường ra sao.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com