Dự kiến trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp lại room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, đây sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,62%, cao hơn nhiều so với mức 6,68% của năm 2021. Nếu so với mức trần 14% như Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thì dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương với 457.000 tỷ đồng.
Trong khi thị trường chứng khoán thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quyết tâm kiềm chế lạm phát của ông Powell (Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ, Fed), thị trường Việt Nam có khả năng sẽ “dễ thở” hơn đôi chút khi Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng trong đầu tháng 9. Động thái này sẽ phần nào làm dịu “cơn khát vốn” của doanh nghiệp.
Việc chỉ bơm thêm 457.000 tỷ đồng tín dụng sẽ không giải quyết được hoàn toàn nhu cầu vốn của cả nền kinh tế do nhu cầu vay vốn thường tăng mạnh vào cuối năm.
Các ngân hàng được nới room dự kiến bao gồm Vietcombank, MBBank, BIDV, ACB, HDBank, SHB, Sacombank, VIB, VPBank, LPB, OCB, MSB, SeaBank, VietinBank, Eximbank. Trong đó, Vietcombank và MBBank là hai ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhiều nhất do có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao và tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, việc chỉ bơm thêm 457.000 tỷ đồng tín dụng (so với 1,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp) sẽ không giải quyết được hoàn toàn nhu cầu vốn của cả nền kinh tế do nhu cầu vay vốn thường tăng mạnh vào cuối năm. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng trưởng tín dụng vượt 14%, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhờ tăng nguồn cung tiền vào hệ thống. Tuy nhiên, về dài hạn có thể sẽ tạo ra áp lực lạm phát lên toàn nền kinh tế.
Chỉ số VN-Index đã có nhịp hồi hơn 10% tính từ đáy tháng 6, theo ông, những vấn đề lớn nhà đầu tư cần chú ý trong thời gian tới là gì?
Trước hết, về mặt vĩ mô, để đưa ra quyết định đầu tư trong thời gian tới, nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao các thông tin cả trong nước và quốc tế, như diễn biến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cùng các sự kiện liên quan, diễn biến lạm phát và tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn (đặc biệt là Mỹ), chính sách Zero-Covid tại Trung Quốc, tình hình giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Cụ thể hơn, một số sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam là các cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed, hay gần đây là Hội nghị Jackson Hole của Mỹ. Bên cạnh đó là các thông tin, sự kiện cụ thể liên quan tới nhóm ngành mà nhà đầu tư đang theo dõi. Trong giai đoạn tình hình thế giới căng thẳng như hiện tại, không tránh khỏi các sự kiện thiên nga đen. Vì vậy, nhà đầu tư luôn phải có sẵn các phương án quản trị rủi ro cho tài khoản khi những sự kiện không mong muốn xảy ra.
Ngoài ra, từ việc theo dõi, đánh giá vĩ mô và tìm ra được cơ hội ở các nhóm ngành, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao doanh nghiệp, bao gồm cả các yếu tố định lượng và định tính.
Về định lượng, nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, các chỉ số tài chính quan trọng, cơ cấu nợ vay, kế hoạch đầu tư và tăng trưởng.
Quan trọng hơn, nhà đầu tư cần có cái nhìn định tính về doanh nghiệp, cụ thể như chất lượng và đạo đức của ban quản trị công ty, các chính sách tăng vốn, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm thế giới nhiều biến động.
Nếu nhà đầu tư có tiền và tìm kiếm cơ hội giải ngân trung dài hạn, theo ông, nên xem xét những nhóm ngành và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí nào?
Theo dữ liệu của Dragon Capital, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu kể từ năm 2000 đến nay (21 năm) đạt 15,9%/năm, cao hơn so với tỷ suất sinh lời trên thị trường bất động sản 11,9%/năm và vàng là 9%/năm. Việc này thể hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là kênh đầu tư lý tưởng cho những nhà đầu tư nhìn vào dài hạn.
Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc dự đoán diễn biến từng phiên và đầu cơ ngắn hạn là điều không nên làm vì thị trường chứng khoán vốn dĩ là ngẫu nhiên, sẽ rất khó để đoán được thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể tin tưởng trong trung và dài hạn thị trường sẽ đi lên do tiềm năng lớn của nền kinh tế 100 triệu dân đem lại. Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng cũng là bệ đỡ cho thị trường trong trung và dài hạn.
Nhà đầu tư nhỏ thay vì cố lựa chọn từng cổ phiếu đơn lẻ theo tin tức hoặc hội nhóm thì nên tìm hiểu kỹ về kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nghiên cứu kết quả kinh doanh cũng tiêu tốn nhiều thời gian và đòi hỏi kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường để có thể thành công.
Do đó, nhà đầu tư có thể nghiên cứu các phương án đầu tư thụ động thông qua các quỹ ETF, chứng chỉ quỹ, hoặc gửi tiền vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Phương pháp đầu tư này đã được chứng minh là thành công trong dài hạn tại các thị trường đã phát triển.
Theo ông, những tín hiệu nào có thể xem xét để nhận biết xu hướng thị trường đến giai đoạn đảo chiều từ thị trường Gấu sang thị trường Bò?
Thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Vì vậy, yếu tố có thể khiến cho thị trường đảo chiều là việc kỳ vọng của thị trường vào nền kinh tế trở nên lạc quan hơn.
Như vậy, tình hình lạm phát trên toàn cầu phải hạ nhiệt và được kiểm soát ổn định; cuộc xung đột Nga – Ukraine cần giảm căng thẳng, giúp cân bằng giá nhiên liệu toàn cầu; khả năng phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc; chính sách lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Tuy nhiên, sự biến động của thị trường chứng khoán từ xưa đến nay đều rất khó lường và gần như không thể dự báo chính xác. Vì vậy, nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào việc dự báo biến động của thị trường để đưa ra quyết định đầu tư.
Thay vào đó, mỗi người cần tự xác định khẩu vị rủi ro và phương thức đầu tư của bản thân, từ đó đưa ra các phương án xử lý cho mỗi diễn biến khác nhau của thị trường, thay vì đánh cược vào việc thị trường lên hay xuống.