Vòng quanh bốn mặt của Chung cư E6 Quỳnh Mai mặt đường Kim Ngưu, Hà Nội, có thể đếm được tròn 40 quán hàng kinh doanh. Trong đó có gần chục quán bia hơi, từng đó quán cơm bụi, vài quán karaoke, cắt gội, bán bình gas kiêm bếp nấu, sửa xe máy kèm bán xăng dầu… Chưa kể cả chục DN gia đình, văn phòng luật sư chăng biển rải rác từ tầng 2 đến tầng 5.
Chuyện này quá bình thường và chẳng cứ ở Hà Nội. Tầng 1 chung cư ở đâu không có chuyện phân lô, chia quầy kinh doanh thượng vàng, hạ cám? Nhưng rất có thể, bắt đầu từ ngày 30/11 này, chủ các cửa hàng trên sẽ bị phạt từ 50 - 60 triệu đồng vì vi phạm Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản…
Cụ thể hơn, Điều 55 của nghị định này quy định rõ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư sau đây: Kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường; Sửa chữa xe máy; kinh doanh gia súc, gia cầm; Kinh doanh gas hoặc các vật liệu nổ, dễ cháy… Chưa kể, Điều 57 còn có khoản phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thương mại tại công sở (?).
Thông thường, Nghị định sẽ cần chờ thông tư hướng dẫn để đi vào thực thi. Và tất cả những ai quan tâm đều đang chờ sự ra đời của văn bản này, để xem những điều khoản của nó có thể “cụ thể hóa” được những quyết định xử phạt quá khó kia.
Nói là “những ai quan tâm”, vì dường như các chủ cửa hàng ở chung cư - đối tượng chính bị chế tài, lại chẳng hề hay biết. Và khi được “nói lại cho rõ”, họ đi từ ngạc nhiên, bực tức đến… im lặng.
Cái im lặng đương nhiên không phải là sự đồng tình!
Có thể khi dự thảo văn bản này, cơ quan soạn thảo đã tính đến những mục tiêu khá nhân văn như bứt những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm kiểu quán bar, hàng gas… ra xa đời sống cư dân đô thị. Và thực tế cũng đã có những vụ hỏa hoạn thương tâm từ việc sang chiết gas trái phép trong khu dân cư, hay cư dân nhiều tòa chung cư từng đinh tai nhức óc vì tiếng gào thét của các ca sĩ không chuyên đến từ quán karaoke tầng 1.
Nhưng nếu vì sự bức xúc ấy mà gộp tất cả vào rồi phạt tiền thì quả là rất khó. Không phải khó cho cơ quan soạn thảo và cũng không hẳn là đối với những người trong diện… chế tài. Tiếng thở than chắc chắn sẽ đến từ đội ngũ những người thừa hành.
Quả là rất khó phạt, dù nếu thu được thì số tiền là không hề nhỏ nếu đem nhân với tỷ lệ các quán hàng và nhân tiếp với số lượng chung cư hiện có.
Nhưng chính số tiền không hề nhỏ ấy cộng với việc phạt rồi cho tồn tại đã nảy sinh mối nghi ngờ. Sự nghi ngờ đã được ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nói thẳng khi trao đổi với báo chí. Rằng “với hình thức phạt tiền, ngay sau đó các cửa hàng vẫn hoạt động, phải chăng đó là việc nghĩ cách phạt để huy động thêm tiền từ DN, người dân”???
Còn trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Lê Minh Toàn, Giám đốc điều hành Công ty Luật Lê Minh thì suy đoán, rất có thể đó là một dạng “chạy sô” cho hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo.
Nguyên do bởi việc nợ đọng văn bản đã quá nhiều!?
Cơ sở cho suy đoán này là thời gian qua xuất hiện một loạt văn bản, dự thảo văn bản nếu đi vào thực tế thì quá khó cho người thừa hành, cũng như quá bức xúc đối với người dân. Đó là điều khoản (sau đó đã rút lại) cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Hay Nghị định 145/2013 cấm cả việc cài nơ, cài hoa của tổ chức, DN dịp khai trương, khánh thành…
Nói về Thông tư hướng dẫn Nghị định 121, một chuyên viên ngành xây dựng sau khi cho biết sẽ được ban hành trong tháng 11 này (để kịp tiến độ), đã khẳng định thêm rằng, “sẽ không áp dụng đối với những trường hợp vi phạm trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực”.
Nhưng câu chuyện không hồi tố này dường như cũng không ổn khi nhìn tương quan với quyền kinh doanh hợp pháp, quyền định đoạt và sử dụng tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội!
Thế nên, cái khó không phải là ban hành chính sách mà phải làm sao để cho chính sách ấy có hiệu lực thực thi và một vòng đời không quá ngắn ngủi!