Lễ thông xe tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh, Gia Lai (Việt Nam) - Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Ảnh: Chí Dũng

Lễ thông xe tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh, Gia Lai (Việt Nam) - Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Ảnh: Chí Dũng

Những tuyến đường kết nối Việt Nam - Campuchia

Hàng loạt công trình hạ tầng kết nối Việt Nam và Campuchia được đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã góp phần gia tăng hoạt động giao thương giữa hai quốc gia láng giềng gần gũi.

Thêm cửa ngõ giao thông

Lễ thông xe vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai (Việt Nam) - Oyadav, tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) theo Hiệp định, Nghị định thư vận tải đường bộ song phương ký năm 1998 và năm 2005 tổ chức vào giữa tuần này được coi là một sự kiện quan trọng trong hoạt động của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Sự kiện này càng thêm ý nghĩa khi được tổ chức ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Vương quốc Campuchia từ ngày 20 - 22/7/2017, đồng thời là một trong chuỗi các sự kiện chào mừng 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2017) và Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2017.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo thoả thuận giữa hai nước, số lượng phương tiện thương mại (chở hành khách và hàng hoá) được phép qua lại hai bên là 500 xe và thực hiện qua 7 cặp cửa khẩu, trong đó có cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Oyadav vừa được thông xe.

Tuy nhiên, trước đây, do điều kiện cơ sở vật chất tại một số cửa khẩu chưa đảm bảo (trong đó có cặp cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Oyadav), phương tiện thương mại liên vận mới chỉ qua lại được 5/7 cặp cửa khẩu gồm: Mộc Bài (Tây Ninh) - Bà Vẹt (Svay Riêng), Xa Mát (Tây Ninh) - Trapeng Phlong (Kongpong Cham), Tịnh Biên (An Giang) - Phnom Den (Takeo), Hà Tiên (Kiên Giang) - Prek Chak (Campot) và Hoa Lư (Bình Phước) - Trapaeng Sre (Kratie).

Đối với hạ tầng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Oyadav, Việt Nam đã hỗ trợ Campuchia vốn tín dụng ưu đãi để hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường 78 tại Campuchia (đi vào khai thác từ tháng 2/2007) và đoạn nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu Lệ Thanh - Oyadav (khánh thành và đưa vào khai thác tháng 12/2015 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng dịp với Lễ khánh thành cột mốc 30).

“Đến nay, với việc kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - Oyadav đã hoàn thiện, hai bên thống nhất tổ chức thông xe vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu này, nhằm cho phép phương tiện vận tải thương mại của mỗi nước được đi qua nước kia, khai thông vận tải và thương mại giữa hai nước, góp phần làm giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch và mọi mặt của đời sống của nhân dân hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Cần phải nói thêm rằng, Việt Nam có lợi thế nằm trên đường vận chuyển của các tuyến đường bộ quốc tế, vận tải xuyên biên giới càng có vai trò đặc biệt. Do đó, việc cụ thể hóa các hiệp định phát triển vận tải xuyên biên giới đã ký cần được các bộ, ngành hữu quan tăng cường thực thi.

Hiện tại, Việt Nam đã có kế hoạch nâng cấp Quốc lộ 19 từ Gia Lai về Bình Định bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án này sẽ giúp hàng hóa, nông lâm sản từ Campuchia về cảng Quy Nhơn, các khu, cụm công nghiệp tại Tây Nguyên và các khu vực sẽ gần hơn.

Tăng tính kết nối

Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Dự án Đầu tư xây dựng cầu Long Bình - Chrey Thom nối tỉnh An Giang (Việt Nam) với Kandal (Campuchia) có tổng chiều dài cầu và tuyến đường hai đầu cầu là 5.668 m sau 3 năm xây dựng.

Tổng mức đầu tư của dự án là 38,39 triệu USD, trong  đó, kinh phí thực hiện phía bờ phía Campuchia là 20,59 triệu USD gồm chi phí xây lắp, tư vấn và dự phòng. Dự án được phía Campuchia sử dụng 18,76 triệu USD vốn vay ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, các khoản chi phí còn lại sử dụng vốn ngân sách Campuchia. Đây là công trình giao thông lớn thứ hai tại Campuchia được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam (công trình thứ nhất là Quốc lộ 78).

Được biết, Dự án cầu Long Bình - Chrey Thom sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất nối thủ đô Phnom Pênh (Campuchia) tới biên giới Việt Nam có chiều dài khoảng 70 km, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng như góp phần xóa đói giảm nghèo ở những khu vực biên giới còn nhiều khó khăn.

Một dự án hạ tầng quy mô lớn rất đáng chú ý đang được các cơ quan hữu quan hai nước đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị là tuyến cao tốc Phnom Penh - TP.HCM. Hiện tại, phía Campuchia đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Tuyến cao tốc Phnom Pênh - Bavet, với nguồn viện trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD này được dự kiến khởi công vào cuối năm 2019.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết, việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có thời gian hoàn tất không chậm hơn quý III/2017. Theo đó,  tuyến cao tốc dài 55 km này sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư là 15.885 tỷ đồng. Trong giai đoạn I, tuyến đường sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, với tổng mức đầu tư 10.346 tỷ đồng.

Nếu được hoàn thành vào năm 2020, tuyến đường sẽ đảm nhận vai trò là một trong những hành lang phát triển kinh tế, trục đô thị hóa quan trọng của  vùng và tuyến giao thông cao tốc xuyên Á kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu và các đô thị của Việt Nam, Campuchia với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN.

Tin bài liên quan