Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định) đang bỏ hoang, lãng phí gần 100 ha đất lúa.

Khu công nghiệp Mỹ Trung (Nam Định) đang bỏ hoang, lãng phí gần 100 ha đất lúa.

Những “tội đồ” tàn phá nền kinh tế - Kỳ II: “Xác sống” nơi đất vàng

Việc nhiều khối tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư kém hiệu quả của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) sau hơn 10 năm vẫn đang bị bỏ hoang, han rỉ, không chỉ tiếp tục gây lãng phí lớn, mà còn đi ngược với chủ trương tái cơ cấu quyết liệt mà Đảng và Nhà nước đề ra. Những thất bại cay đắng trong quá trình tái cơ cấu Vinashin - SBIC cần được nhận diện, rút kinh nghiệm và có cơ chế xử lý hữu hiệu để không phát sinh thêm những khối di căn tàn phá nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin trong nhân dân, nhất là khi số lượng đại dự án thua lỗ lớn được hình thành giai đoạn trước đây cần giải phẫu vẫn còn nhiều.

Kỳ II: “Xác sống” nơi đất vàng

Gần 100 ha đất lúa ba vụ bờ xôi, ruộng mật mà Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh thu hồi của người dân huyện Mỹ Lộc (Nam Định) để làm Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung hiện vẫn bị bỏ hoang, vất vưởng suốt 10 năm qua, thực sự là nỗi cay đắng đối với chính quyền và người dân địa phương.

Xót xa đất vàng

Từ vài năm nay, người dân xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định đã quen với cảnh tượng những đàn trâu, bò béo tròn, tha thẩn gặm cỏ trên khu đất rộng mênh mông trong KCN Mỹ Trung - nơi từng được lãnh đạo tỉnh Nam Định kỳ vọng là thủ phủ ngành cơ khí chế tạo, công nghệ cao của địa phương.

Từ Quốc lộ 10, đoạn qua phường Lộc Hạ (TP. Nam Định) nhìn vào, KCN Mỹ Trung khá bắt mắt với một số nhà máy lớn nằm sát bờ rào, nhưng chỉ cần đi sâu khoảng 30 m, cảnh tượng hoang tàn đập ngay vào mắt. Ngoài một số nhà máy, cơ sở chế biến nông sản co cụm ở phía đường quốc lộ, toàn bộ khuôn viên hơn 80 ha đất thuộc vùng lõi của KCN Mỹ Trung thuộc thôn Thanh Khê, xã Mỹ Trung cỏ dại mọc um tùm. Lác đác vài căn nhà cấp 4 từng là chòi bảo vệ nay bỏ hoang, xiêu vẹo, chắc sẽ sập hẳn sau vài đợt mưa lớn.

Do nhà đầu tư chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên người dân quanh vùng đã tự bít đoạn kênh thoát nước để tránh lây ô nhiễm ra khu dân cư, khiến KCN Mỹ Trung thường xuyên úng lụt. Sức sống duy nhất tại 80 ha đất thương phẩm dở dang trong KCN Mỹ Trung hiện là tấm băng rôn tuyển lao động dệt may cho một nhà máy ở KCN Hòa Xá vừa được ai đó căng vội trên bờ rào ao cá của một hộ dân “nhảy dù” lấn chiếm.

Ở KCN Mỹ Trung lúc này, nhiều vị trí đất bỏ hoang bị người dân địa phương ngang nhiên xẻ thịt để đào ao thả cá hoặc quây rào trồng cây ngắn ngày. Nhiều hộ còn táo tợn đem cả xe tải ra xúc cát trong KCN về san nền nhà. Chính quyền địa phương và Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định lúc đầu còn tích cực bảo vệ, sau chẳng thấy người của chủ đầu tư ra hỗ trợ cùng nên thôi dần, mặc cho tài sản bị hao hụt, mất mát.

Hiện toàn bộ cán bộ của Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh), nơi có 51% vốn góp của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC, đơn vị được giao làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung giờ chỉ còn đúng 6 người, bao gồm 4 bảo vệ, 1 Tổng giám đốc và 1 Chủ tịch HĐQT do người của SBIC kiêm nhiệm. Trong số 6 người, chỉ có 4 người lao động trực tiếp, nên chỉ đủ sức trông coi trụ sở 3 tầng cũng gần như bị bỏ hoang, ít người lui tới.

“Công ty mấy năm nay không có nguồn thu, nhân lực ly tán nên biết là mất của, nhưng cũng chả còn sức mà trông giữ,” ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Hoàng Anh chua chát nói.

Năm nay mới 26 tuổi, ông Nguyễn Hoàng Anh chính là con trai của ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty Hoàng Anh đang thụ án tù 16 năm vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thay bố giữ chân giám đốc Công ty Hoàng Anh từ 5 - 6 năm nay, nhưng thi thoảng ông Hoàng Anh mới chạy về Nam Định do doanh nghiệp khốn khổ này cũng không có việc gì cần đến sự hiện diện của vị giám đốc trẻ này cả.

Theo ông Hoàng Anh, công việc chính yếu nhất lúc này của đơn vị là theo dõi công nợ thì đã khoán cả cho ông Nho hay Tho gì đó – người của SBIC đang giữ chân Chủ tịch HĐQT tại Công ty Hoàng Anh.

Từ hy vọng thành điểm nóng

Theo UBND tỉnh Nam Định, “trái đắng” mang tên KCN Mỹ Trung “gieo mầm” từ năm 2006 khi tỉnh quyết định giao Công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung, rộng hơn 150 ha, tổng mức đầu tư 358,6 tỷ đồng.

Ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết, để có đất giao cho Công ty Hoàng Anh, UBND tỉnh Nam Định đã tiến hành thu hồi 140 ha đất lúa ba vụ tại phường Lộc Hạ, TP. Nam Định và xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngoài KCN Mỹ Trung, trong giai đoạn từ năm 2005 - 2011, Công ty Hoàng Anh đã làm chủ đầu tư 10 dự án trên địa bàn tỉnh Nam Định, với tổng mức đầu tư được duyệt hơn 7.550 tỷ đồng, tổng diện tích gần 4,26 triệu m2. Hầu hết các dự án này đều đã tạm dừng do đầu tư không hiệu quả, rất khó khăn trong việc thu hồi chi phí đầu tư.    

Ngoài diện tích đất nông nghiệp nói trên, tỉnh Nam Định còn phải di dời cả một làng với gần 100 hộ dân nằm chính giữa KCN Mỹ Trung. Công cuộc vận động đền bù giải phóng mặt bằng vật vã suốt 3 - 4 năm. Để vận động người dân bàn giao mặt bằng, ngoài chi phí đền bù của nhà đầu tư, tỉnh Nam Định đã phải xây dựng 1 khu tái định cư tập trung đồng bộ cùng với cam kết sẽ nhận toàn bộ con em người dân mất nhà, mất đất nông nghiệp vào làm việc trong các nhà máy, công ty trong KCN Mỹ Trung.

Trên thực tế, sau khi được UBND tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư, Công ty Hoàng Anh đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây tường bao, triển khai xây dựng một số hạng mục đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước. Một số đơn vị của tỉnh cũng đã thực hiện cấp điện, nước sạch, hạ tầng thông tin liên lạc... phục vụ hoạt động của KCN Mỹ Trung.

Theo ông Hoan, thời gian đầu, KCN Mỹ Trung cũng đã thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất, xây dựng nhà máy trên diện tích hơn 26 ha, trong đó có 2 doanh nghiệp đến từ Hồng Kông, Nhật Bản. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính và để thực hiện tái cơ cấu Vinashin, chủ đầu tư đã dừng Dự án vào năm 2010. Phần diện tích đất thương phẩm từng là đất bờ xôi, ruộng mật còn lại tại KCN Mỹ Trung rộng 80 ha bị chủ đầu tư để hoang từ đó đến nay.

“Đây là sự lãng phí rất lớn, bởi tỉnh Nam Định đang rất thiếu quỹ đất để phát triển các KCN tập trung”, ông Hoan nói.

Theo hồ sơ của SBIC, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung được UBND tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/12/2006 với tiến độ thực hiện từ năm 2006 - 2007, sau đó điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện đến hết năm 2012. Để có vốn triển khai dự án này, Công ty Hoàng Anh đã vay Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy - VFC (một công ty con thuộc Vinashin) 10 triệu USD từ nguồn trái phiếu quốc tế 700 triệu USD và khoảng 40 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Nam Định (BIDV Nam Định).

Điều đáng nói là KCN Mỹ Trung đã được cấp tới 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chỉ có 5 giấy với tổng diện tích 71,4 ha được Công ty Hoàng Anh thế chấp cho VFC; 1 giấy có diện tích 5 ha đem thế chấp cho BIDV Nam Định. Toàn bộ 7 giấy chứng nhận còn lại của hơn 80 ha đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cấp cho Công ty Hoàng Anh lẽ ra phải thế chấp cho VFC, nhưng hiện lưu lạc ở đâu thì SBIC hoàn toàn không nắm được.

Do đầu tư dở dang nên KCN Mỹ Trung không thể mang lại nguồn thu như kỳ vọng cho Công ty Hoàng Anh. Đại diện SBIC xác nhận, từ 10 năm nay, KCN Mỹ Trung không phát sinh nguồn thu nên không những không thể trả nợ đúng hạn, công nợ của Công ty Hoàng Anh với VFC đã lên tới 23,335 triệu USD (tương đương 560 tỷ đồng), trong đó, nợ lãi tạm tính đến ngày 31/7/2018 là 13,726 triệu USD.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty Hoàng Anh và SBIC đã tìm cách chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần KCN Mỹ Trung cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng không thực hiện được. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 194, Luật Đất đai, Dự án không đủ điều kiện để thực hiện việc chuyển nhượng do chưa hoàn thành các công trình hạ tầng theo giấy chứng nhận đầu tư (thiếu hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, hệ thống giao thông nội bộ).

Sau gần 10 năm bê trễ, Dự án cũng đã hội đủ các tiêu chí tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai, bị Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai mà không được bồi thường. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất trên KCN Mỹ Trung của Công ty Hoàng Anh sẽ bị vô hiệu.

Để tránh bị UBND tỉnh Nam Định thu hồi trắng, vào tháng 6/2017, Công ty Hoàng Anh đã phải chấp nhận buông Dự án khi có đơn tự nguyện chấm dứt hoạt động của Dự án và trả lại đất để có thể nhận được các khoản hỗ trợ về tài sản trên đất. Đúng một tháng sau, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 41/QĐ - BQLCKCN thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Hoàng Anh.

“Về mặt pháp lý, KCN Mỹ Trung giờ không còn của chúng tôi và SBIC nữa. Trong khi đó, cũng giống như cụm Điện - Thép Cái Lân đều phải vay lại khoản trái phiếu quốc tế từ VFC bằng USD với lãi suất lên tới 6 - 7,5%/năm, nên nợ lãi của Công ty Hoàng Anh đang gia tăng rất nhanh”, ông Hoàng Anh lo lắng.

Điều đáng nói là ngay cả khi ban hành quyết định thu hồi Dự án, Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định cũng không thể đưa nhà đầu tư mới vào thay thế. Phần do toàn bộ giấy chứng nhận sử dụng đất đang được Công ty Hoàng Anh thế chấp tại các tổ chức tín dụng, nhưng quan trọng hơn, việc xử lý các khoản nợ của VFC phải đặt trong tổng thể Đề án Tái cơ cấu Vinashin - SBIC được Bộ Chính trị phê duyệt năm 2013 với yêu cầu không được gây tổn tại cho ngân sách - vấn đề dường như vượt quá tầm của cả Bộ Giao thông - Vận tải và tỉnh Nam Định.

“Chúng tôi mong có lối thoát chính để sớm chấm dứt tình trạng sống dở, chết dở tại KCN Mỹ Trung. Mười năm nay, trong bất cứ kỳ họp nào của HĐND tỉnh Nam Định, vấn đề KCN Mỹ Trung luôn bị cử tri chất vấn gay gắt. Nếu tiếp tục kéo dài, nguy cơ phát sinh thành điểm nóng về an ninh trật tự là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Hoan cho biết.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan