Những tín hiệu vui từ cảng biển miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
Liên tiếp những tàu hàng cập các cảng biển miền Trung đang đem đến những dự cảm tốt lành cho năm 2021.
Cảng Tiên Sa.

Cảng Tiên Sa.

Nhộn nhịp những chuyến hàng

Sau việc đón tấn hàng thứ 11 triệu trong năm 2020, cảng Quy Nhơn (Bình Định) đã tổ chức đón chuyến hàng xông cảng đầu năm 2021. Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, với cột mốc 11 triệu tấn hàng thông qua cảng, lợi nhuận năm 2020 của cảng Quy Nhơn ước đạt 146 tỷ đồng (tăng hơn 21%), trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 404 tỷ đồng.

Ở miền Trung, cạnh tranh về năng lực bốc dỡ hàng hoá sau cảng Quy Nhơn là cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Những ngày đầu năm 2021, cảng này đón tấn hàng đầu tiên được bốc dỡ từ tàu container quốc tịch Marshall Islands, tải trọng 15.000 DWT. Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, năm 2020, tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt 11,4 triệu tấn, sản lượng container đạt 554.000 Teus, tăng 17% so với năm 2019; lợi nhuận đạt 260 tỷ đồng, tăng gần 15%; doanh thu đạt 930 tỷ đồng.

Tại cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), cùng với việc đón tàu hàng mang quốc tịch Panama, trọng tải 22.332 DWT, bốc xếp 18.500 tấn hàng gỗ băm dăm, cảng này tiếp tục đón thêm nhiều chuyến tàu vào “ăn” hàng. Tại Quảng Trị, những tàu hàng liên tục vận chuyển dăm gỗ sang Trung Quốc nhộn nhịp vào ra.

Tại cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), những ngày đầu tháng 1/2021, hàng trăm ngàn tấn hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Ngãi đã được vận chuyển đến các đối tác tại Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất… Ông Lê Văn Trọng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi nhận định, thông qua những chuyến hàng đầu năm, các địa phương miền Trung cũng như doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có năm 2021 nhiều thuận lợi và sớm phục hồi kinh doanh.

Đẩy mạnh logistics

“Yếu tố đột phá góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản lượng hàng hóa qua cảng Quy Nhơn là việc khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng đi Đông Bắc Á, giúp kết nối nguồn hàng xuất khẩu từ khu vực Tây Nguyên đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện tần suất khai thác tuyến này là mỗi tuần một chuyến. Trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng lên 90 ha, gấp 3 lần hiện nay”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết.

Theo ông Trần Lê Tuấn, quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, năm 2021, Công ty đề ra mục tiêu tiếp tục đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị hiện đại, xây dựng khu bãi depot rộng 20 ha tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thành trung tâm logistics của miền Trung và Tây Nguyên.

Nhằm phát huy vai trò trung tâm của thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới cảng Liên Chiểu là cảng vận tải, cảng Tiên Sa sẽ là cảng du lịch. Đây được xem là cơ hội tốt nhất để TP. Đà Nẵng khai thác lợi thế cảng biển trong chiến lược phát triển kinh tế và thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực logistics.

“Hiện nay, nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm logistics như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng... Điều này đang là xu hướng tất yếu khi duyên hải miền Trung đang là “bến đỗ” đầy triển vọng, ngày càng nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Singgapore... đã tới đầu tư”, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng miền Trung đánh giá.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, khu vực này đang phát triển với 20 cảng biển lớn, nhỏ, nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm thị phần nhỏ của cả nước. Các cảng miền Trung mới hoạt động mang tính chất gom hàng, sau đó vận chuyển đến các cảng ở Hải Phòng hoặc TP.HCM để xuất hàng.

Bên cạnh đó, mật độ cảng biển dày đặc, nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Vì vậy, theo TS. Trần Du Lịch, Trung ương và các địa phương cần đầu tư gắn cảng biển với vận tải đa phương thức để hệ thống cảng phát triển bền vững, giúp chi phí logistics được kéo giảm.

Tin bài liên quan