Hiện Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới.

Hiện Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới.

Những thị trường ôtô lớn nhất thế giới

Thị trường ôtô toàn cầu đã vượt qua một cột mốc quan trọng trong năm 2010, khi số ôtô được sử dụng trên toàn thế giới đạt 1 tỷ chiếc. Năm nay, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, doanh số thị trường ôtô thế giới vẫn tăng 5% trong nửa đầu năm - theo số liệu của ngân hàng Scotiabank.

Trong khi doanh số tiêu thụ xe tại các thị trường phát triển giảm tốc, thì tốc độ tăng trưởng tại các thị trường mới nổi tiếp tục được đẩy nhanh. Chẳng hạn, tại Nga, trong tháng 7 vừa qua, thị trường ôtô tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước.

 

Sự khác biệt này đã tạo ra những thay đổi lớn trong xếp hạng 10 thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Cùng với đó, sức mạnh của ngành công nghiệp ôtô ở các nước cũng có sự thay đổi mạnh mẽ theo.

 

Chẳng hạn, hãng xe Tata của Ấn Độ giờ nắm quyền sở hữu thương hiệu Jaguar Land Rover, hay hãng Geely của Trung Quốc đã trở thành chủ nhân mới của Volvo. Xe hơi của Trung Quốc và Ấn Độ giờ đã xuất hiện ở những thị trường xa xôi như Brazil .

 

Dựa trên số liệu từ hãng tư vấn J.D. Power and Associates, hãng tin CNBC đã liệt kê danh sách 10 thị trường ôtô lớn nhất thế giới dựa trên doanh số xe hạng nhẹ dự báo cho năm 2011.

 

10. Italy

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 2 triệu xe

Doanh số năm 2010: 2,1 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: -6%

 

Italy là quê hương của vài trong số những thương hiệu xe nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian 2001-2005, ngành công nghiệp ôtô của nước này đã trải qua một thời kỳ suy giảm mạnh. Đến nay, ngành công nghiệp ôtô của Italy lại gặp vô số thách thức do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đem lại. Là hãng xe lớn nhất của Italy, Fiat có mức tăng trưởng doanh số tệ nhất trong số 6 hãng xe châu Âu dẫn đầu về doanh số trong 6 tháng đầu năm nay.

 

9. Anh quốc

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 2,2 triệu xe

Doanh số năm 2010: 2,2 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: -1.8%

 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã gây ra những ảnh hưởng tai hại cho ngành công nghiệp ôtô của xứ sương mù, tới nay vẫn chưa khắc phục được, cho dù Anh được xem là một quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp ôtô toàn cầu với những thương hiệu đình đám như Rolls Royce, Bently, Jaguar và Rover. Trong mấy năm gần đây, nhiều thương hiệu xe lớn của Anh đã bị nước ngoài thâu tóm, như Bently bị Volkswagen mua lại năm 1998, Rolls Royce hiện đang nằm dưới sự điều hành của BMW, trong khi Jaguar và Land Rover đã bị hãng Tata của Ấn Độ mua lại năm 2008 sau một thời gian thuộc quyền sở hữu của Ford.

 

8. Nga

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 2,4 triệu xe

Doanh số năm 2010: 1,9 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 20%

 

Từ đầu năm tới nay, Nga là thị trường ôtô tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số ôtô ở nước này tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, đưa Nga vượt Anh trở thành thị trường ôtô lớn thứ ba ở châu Âu. Thậm chí, đã có những dự báo cho rằng, Nga sẽ sớm vượt Pháp và Đức để trở thành thị trường ôtô lớn nhất châu Âu.

 

Năm 2010, chương trình thưởng dập xe cũ của Chính phủ Nga đã có tác động tích cực đối với thị trường ôtô nước này. Hãng xe lớn nhất của Nga hiện là AvtoVAZ, còn chiếc xe bán chạy nhất ở nước này là Lada Riva, với gần 140.000 chiếc được tiêu thụ vào năm ngoái.

 

7. Pháp

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 2,6 triệu xe

Doanh số năm 2010: 2,6 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 0,8%

 

Pháp là quốc gia sản xuất ôtô lớn thứ nhì châu Âu. Ngành công nghiệp xe hơi là một động lực tăng trưởng của quốc gia này. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, doanh số xe ở Pháp liên tục suy giảm do GDP đi ngang. Hai hãng xe lớn nhất của Pháp hiện là PSA Peugeot Citroen và Renault, chiếm trên một nửa thị trường xe nội địa nước này.

 

6. Ấn Độ

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 2,9 triệu xe

Doanh số năm 2010: 2,7 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 7%

 

J.D. Power and Associates dự báo, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường ôtô lớn thứ ba thế giới vào năm 2020, với mức doanh số dự tính lên tới 11 triệu xe. Trong năm 2010, Ấn Độ là một trong những thị trường xe tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với doanh số tăng 31%. Hiện các hãng xe Ấn vẫn thống trị thị trường xe nước này, bất chấp nỗ lực của các đối thủ ngoại như Ford, GM và Nissan. Chiếc xe bán chạy nhất ở Ấn Độ năm 2010 lại là chiếc Alto, sản phẩm của liên doanh giữa hãng xe Ấn Maruti và hãng Suzuki của Nhật.

 

Năm 2008, hãng Tata Motors của Ấn khiến cả thế giới chú ý khi tung ra chiếc xe rẻ nhất thế giới Nano với giá 2.500 USD, nhưng đến nay, chiếc xe này xem ra thất bại. Trong tháng 8 vừa qua, chỉ có 1.200 chiếc Nano được tiêu thụ.

 

5. Đức

 

Dự báo doanh số năm 2011: 3,4 triệu xe

Doanh số năm 2010: 3,1 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 10%

 

Đức là thị trường ôtô lớn nhất châu Âu, đồng thời được coi là nơi khai sinh của ngành công nghiệp ôtô. Động cơ được thiết kế bởi hai người Đức có tên Karl Benz và Nikolaus Otto vào cuối thập niên 1870 đã tạo cơ sở cho sự ra đời của ôtô hiện đại. Quốc gia này còn là quê hương của những thương hiệu xe hạng sang hàng đầu thế giới như Mercedes, BMW, Porsche và Audi.

 

Chiếc xe bán chạy nhất tại Đức năm 2010 là chiếc Golf của Volkswagen, với mức doanh số 195.293 chiếc. Khoảng 1/3 số xe được tiêu thụ tại Đức là xe của Volkswagen. Mấy năm gần đây, các hãng xe Đức phát triển mạnh ở các thị trường mới nổi, trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Volkswagen.

 

4. Brazil

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 3,5 triệu xe

Doanh số năm 2010: 3,3 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 5%

 

Năm 2010, Brazil đã vượt qua Đức để trở thành thị trường ôtô lớn thứ tư thế giới, nhờ mức tăng trưởng doanh số 10%. Quốc gia này được đánh giá là một thị trường xe đầy tiềm năng nhờ dân số 192 triệu người, với tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh. Hiện Brazil đang có 30 triệu xe ôtô lưu hành. Hiện hãng Fiat của Italy đang là hãng xe lớn nhất ở Brazil, chiếm 23% doanh số của toàn thị trường, theo sát bởi hãng Volkswagen của Đức với 22,7%.

 

3. Nhật Bản

Những thị trường ôtô lớn nhất thế giới ảnh 8

Dự báo doanh số năm 2011: 3,9 triệu xe

Doanh số năm 2010: 4,8 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: -19%

 

Là một cường quốc xe hơi, Nhật Bản là nước sản xuất nhiều ôtô nhất thế giới cho tới khi danh hiệu này bị Trung Quốc đoạt mất vào năm 2009. Tuy nhiên, Nhật vẫn là quốc gia với những hãng xe lớn nhất thế giới như Toyota , Honda, Nissan, Mazda và Mitsubishi. Thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3 đã khiến sản lượng và doanh số xe của thị trường Nhật giảm chóng mặt. Các hãng xe Nhật thống trị thị trường nội địa. Chiếc xe bán chạy nhất ở nước này năm 2010 là chiếc Prius của Toyota .

 

2. Mỹ

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 12,6 triệu xe

Doanh số năm 2010: 11,5 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 8.7%

 

Mỹ là thị trường xe lớn nhất thế giới cho tới năm 2009, khi danh hiệu này rơi vào tay Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, 2 trong số 3 “đại gia” xe hơi Mỹ là GM và Chrysler đã lâm cảnh phá sản. Doanh số thị trường ôtô Mỹ năm 2009 rớt xuống mức thấp nhất trong 27 năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh lên mức 11,5 triệu xe trong năm 2010 và dự báo lên 12,6 triệu xe trong năm nay. Nhìn chung, người Mỹ vẫn khá trung thành với những chiếc xe ngốn xăng, có kích thước lớn. Chiếc xe bán chạy nhất ở Mỹ trong năm ngoái là chiếc Camry của Toyota, với 337.000 chiếc được tiêu thụ, kế đó là chiếc F-Series của Ford với doanh số 313.000 chiếc.

 

1. Trung Quốc

 

 

Dự báo doanh số năm 2011: 17,7 triệu xe

Doanh số năm 2010: 17,2 triệu xe

Tốc độ tăng trưởng ước tính: 3%

 

Năm 2009, doanh số thị trường ôtô Trung Quốc tăng 46%, đưa nước này thành thị trường xe lớn nhất thế giới. Năm 2010, doanh số thị trường ôtô của Trung Quốc tăng 32%, giúp nước này duy trì vị trí số 1, trên thị trường Mỹ. Các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh như miễn giảm thuế, trợ cấp mua xe cho khu vực nông thôn… đã có tác dụng lớn đối với thị trường này.

 

Bên cạnh các hãng xe ngoại, các thương hiệu xe nội của Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh như Geely, Chery và Dongfang. Chiếc xe bán chạy nhất ở Trung Quốc năm 2010 là chiếc Wuling Sunshine, với doanh số 750.000 chiếc. Đây là chiếc xe bán tải giá 5.000 USD, sản phẩm liên doanh giữa GM, Shanghai Automotive Industry Corporation (SAIC) và Wuling Automobile. Chiếc xe về nhì là chếc Chana Minibus, sản phẩm của Changan Auto.