Tại tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, tại Kỳ họp bất thường diễn ra trong tháng 1/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ.
“Theo đánh giá của Quốc hội và Chính phủ, Luật Đất đai năm 2024 là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024 có thể coi như một hình mẫu trong công tác phối hợp và quy trình xây dựng pháp luật”, bà Huyền cho biết.
Đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng với nhiều quy định mới nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững.
Có thể kể đến các quyết sách quan trọng như: tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu; mở rộng hạn mức và đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Một trong những điểm nổi bật, mang tính đột phá về đất nông nghiệp đó là cho phép các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và tăng giới hạn, hạn mức giao đất, tích tụ tập trung đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, điều này đã giải quyết được hai vấn đề: Thứ nhất là gia tăng khả năng kêu gọi nhà đầu tư, gọi vốn, “bơm vốn” vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tăng tính hấp dẫn của đất nông nghiệp. Thứ hai, nông dân cũng có thể kích cầu, tăng năng lực thông qua tích tụ, tập trung đất đai, khắc phục tình trạng manh mún về ruộng đất.
Các đại biểu đánh giá cao quy định tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Ngoài ra, nếu như có những khu đất nông nghiệp được Nhà nước cho phép chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ, đất ở thì phải nằm trong quy hoạch được duyệt của cấp có thẩm quyền. Như vậy, việc thu gom mua đất nông nghiệp rồi chờ chuyển đổi mục đích, phân lô bán nền là rất khó khả thi.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, những thay đổi của Luật Đất đai gia tăng cơ hội tiếp cận đầu tư theo nguyên tắc thị trường, quan trọng nhất là trả lại đúng giá trị của đất nông nghiệp, giúp sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích.
Các đại biểu cũng đề nghị cần nhanh chóng xây dựng các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 liên quan đến đất nông nghiệp, bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong thực hiện.
Theo dự kiến, ngày hôm nay (7/3), tại Nhà Quốc hội sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
“Với Luật Đất đai năm 2024, việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng và trước ngày Luật có hiệu lực, đó là ngày 1/1/2025 là yếu tố quan trọng để những quy định góp phần tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc, khó khăn liên quan đến chính sách đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng”, bà Huyền cho biết.