Ông Anwar Ibrahim. Ảnh: BBC

Ông Anwar Ibrahim. Ảnh: BBC

Những thách thức chờ đợi tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

0:00 / 0:00
0:00
Ông Anwar Ibrahim đảm nhận chức vụ Thủ tướng Malaysia vào thời điểm đầy thách thức, khi nền kinh tế suy giảm và đất nước bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử.

Ông Anwar Ibrahim, 75 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Malaysia vào chiều 24/11 (giờ địa phương), trước sự chứng kiến của nhà vua Malaysia. Ông Anwar đã trở thành thủ tướng thứ 10 của Malaysia, sau thời gian nước này chìm trong bế tắc chính trị khi không liên minh nào giành được đa số tại quốc hội.

Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, những thách thức lớn mà ông Anwar sẽ phải giải quyết là tình trạng lạm phát tăng cao và tăng trưởng chậm lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời xoa dịu căng thẳng sắc tộc trong nước.

Ngoài ra, ông Anwar cần đảm bảo sẽ duy trì vững vàng vị trí thủ tướng của mình. Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng ở một đất nước đã thay 3 thủ tướng chỉ trong 4 năm.

Tan Teng Boo, Giám đốc điều hành của Capital Dynamics Asset Management tại Kuala Lumpur, cho rằng cuộc bầu cử tại Malaysia đã mở ra “nhiều căng thẳng về tôn giáo và chủng tộc”, và nhiệm vụ lớn nhất của ông Anwar là “đảm bảo rằng những căng thẳng này không bùng phát”.

Dưới đây là một số thách thức mà tân Thủ tướng Anwar và chính phủ của ông sẽ đối mặt trong thời gian tới.

Thành lập nội các mới

Thách thức đầu tiên đối với tân Thủ tướng Malaysia là việc chia sẻ quyền lực trong chính phủ mới. Ông Anwar sẽ phải xoa dịu đa số người dân và Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) trong khi giữ cho các đồng minh trong liên minh truyền thống hài lòng. Điều này có thể khiến việc thành lập nội các mới trở nên khó khăn khi ông Anwar tìm cách đảm bảo các bên khác nhau đều có vai trò trong chính phủ.

“Nội các mới của Malaysia không nên quá lớn như nội các trước đó. Ông Anwar cần một nội các hiệu quả và đáng tin cậy”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trường Đại học Malaya Awang Azman Awang Pawi, nói.

Nhà lãnh đạo UMNO Ismail Sabri Yaakob hoặc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein cũng có thể được đề cử làm phó thủ tướng trong chính phủ của ông Anwar.

Theo Reuters, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim ngày 25/11 bắt đầu các cuộc thảo luận về việc thành lập nội các mới.

Đảng Hành động Dân chủ (DAP), nắm giữ số lượng nghị sĩ lớn nhất trong liên minh của ông Anwar và nhận được sự ủng hộ của các nhóm thiểu số, có thể lùi bước trong các cuộc thảo luận nội các để đảm bảo sự thống nhất. Trong thời gian ngắn nắm quyền trong chính phủ liên bang, DAP đã kiểm soát các danh mục tài chính và vận tải.

Chống tham nhũng

Trước đây trong chính phủ cũ, liên minh Pakatan Harapan của Anwar đã tăng cường đẩy lùi tham nhũng, điều tra các nhà lãnh đạo của UMNO. Liên minh đã tổ chức các cuộc điều tra về Quỹ đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB), dẫn đến việc cựu Thủ tướng Najib Razak phải nhận án tù 12 năm vào năm 2022 vì tội tham nhũng.

Việc UMNO có khả năng được đưa vào chính quyền mới có thể sẽ thúc đẩy sự ân xá của Hoàng gia Malaysia cho ông Najib, điều có thể khiến các cử tri và đồng minh của ông Anwar tức giận. Bên cạnh đó, bất kỳ sự minh oan nào cho Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, sẽ gây ra những rắc rối tương tự.

Thỏa hiệp về cải cách

Ông Anwar có thể phải thỏa hiệp với tuyên ngôn của liên minh và cam kết cải cách khi ông tìm cách duy trì một chính phủ đoàn kết. Mặc dù tân thủ tướng sẽ không gặp trở ngại trong việc thực hiện những cam kết liên quan đến phúc lợi, nhưng cam kết xóa bỏ phân biệt chủng tộc và tôn giáo có thể sẽ không hề dễ dàng thực hiện.

Vực dậy nền kinh tế

Nền kinh tế Malaysia dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn từ 4-5% vào năm 2023, so với mức hơn 7% trong năm 2022. Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Điều này có thể khiến ông Anwar chấp nhận những khoản viện trợ lớn hơn của UMNO để giúp đỡ người nghèo.

“Ông Anwar cần phải tập trung vào nền kinh tế và kết cấu xã hội. Đồng thời, cần có sự chú ý nhiều hơn đến mạng lưới an sinh xã hội và các điểm yếu của các cộng đồng khác nhau”, Bridget Welsh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nottingham Malaysia, cho biết.

UMNO cam kết đảm bảo mỗi hộ gia đình kiếm được hơn 2.200 ringgit (490 USD) mỗi tháng, nghĩa là chính phủ sẽ tăng thu nhập để đảm bảo họ đạt đến ngưỡng đó. Nếu chính phủ của ông Anwar thực hiện các biện pháp như vậy, họ có thể trì hoãn kế hoạch củng cố chính sách tài khóa.

Chính phủ mới của Malaysia sẽ phải sớm lập ngân sách năm 2023. Vẫn chưa rõ liệu chính quyền của ông Anwar có thực hiện các điều chỉnh đối với kế hoạch chi tiêu được trình bày vào tháng 10 hay không.

Đối mặt với đảng Hồi giáo

Với tư cách là đảng đối lập lớn nhất, đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) có thể sẽ vận động để hạn chế việc bán rượu công khai ở Malaysia và đóng cửa các cơ sở đánh bạc. Điều này có thể gây áp lực lên chương trình nghị sự của ông Anwar và buộc chính quyền của ông đưa ra nhiều chính sách trong lĩnh vực giáo dục và chính sách công.

Mục tiêu đã đưa ra từ lâu của PAS là biến Malaysia thành một quốc gia Hồi giáo. Trong nhiều năm, đảng này đã gây áp lực lên chính phủ liên bang để cho phép thực thi luật Hồi giáo nghiêm ngặt ở các bang miền Đông Kelantan và Terengganu. Với số ghế nhiều nhất trong Quốc hội, PAS có thể liên kết với đảng của cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin và thậm chí thúc đẩy một số nghị sĩ UMNO thực hiện nỗ lực giành lại quyền lực.

Dù đứng trước nhiều thách thức, các chuyên gia vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tân thủ tướng Malaysia.

“Ông Anwar được bổ nhiệm vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử Malaysia. Luôn được coi là người đàn ông có thể đoàn kết tất cả các phe phái mâu thuẫn, thật phù hợp khi ông được bổ nhiệm trong một thời kỳ đầy chia rẽ”, nhà phân tích James Chai tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak nói.

Tin bài liên quan