Những tấm thảm “bằng tay”

Những tấm thảm “bằng tay”

Chính quyền địa phương đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình cải cách kinh tế với sự thúc đẩy rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như đây vẫn đang là một cuộc thử nghiệm…

PR kiểu… Huế

Gặp ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ vài ngày sau cơn bão số 11 hoành hành tại các miền Trung, hỏi ông tình hình các doanh nghiệp ở đó và cũng lạm bàn thêm rằng, vùng đất bão theo mùa như dải miền Trung chắc cũng làm chùn chân không ít nhà đầu tư.

“Giời thế, đất thế thì biết làm sao. Nhiều năm trước, cứ bão là chúng tôi kêu khổ. Khổ thật nhưng kêu rồi có giải quyết được gì đâu, trong khi các nhà đầu tư thì ngần ngại. Họ ngại khi thấy hình ảnh trên tivi ngập lụt, đổ vỡ khắp nơi. Giờ thì chúng tôi không kêu nữa, phải làm cách khác”, ông Cao tâm sự.

“Làm khác” như ông Cao nói, là việc năm vừa rồi, UBND tỉnh cùng với các địa phương sáp vào từng doanh nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng, cùng phối hợp lên phương án chống bão ngay từ đầu năm, giảm thiểu những tác động bất lợi mà thiên tai gây ra.

Hay như cách ông trao đổi với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đang quan tâm tới các cơ hội khi Dự án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ xây dựng, thì dự án đã tính tới những tác động của biến đổi khí hậu, những ảnh hưởng mà Huế sẽ phải gánh chịu để đưa ra các phương án chủ động đối phó từ nay tới tận năm 2020, tầm nhìn 2030.

“Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư cũng được thiết lập theo hướng này, nghĩa là hạ tầng đi trước để tạo điều kiện thuận lợi, trong đó có cả bảo vệ cho các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… phát triển theo. Các dự án công nghiệp tận dụng hạ tầng khu công nghiệp có sẵn để tranh thủ tạo nguồn thu cho địa phương, trên cơ sở đó địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng”, ông Cao lý giải khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp vẫn chiếm áp đảo trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2015, cho dù mục tiêu chính mà Thừa Thiên Huế hướng tới là văn hóa, du lịch, dịch vụ…

Không phải là lần đầu Thừa Thiên Huế có cách PR mang tính thời đại như vậy. Hồi cuối năm 2012, Thừa Thiên – Huế cũng đã khiến cả ngành du lịch bất ngờ và thích thú khi đưa vào khai thác sản phẩm du lịch trong mưa Huế (du lịch vào mùa mưa). Cuộc sống vốn chẳng bình yên trong mùa mưa bão của đất Cố đô trở nên ấm áp và đầy hấp dẫn.

Sòng phẳng kiểu Hà Nam

Khi nhà đầu tư Honda đến Hà Nam với cam kết sẽ đưa nhà máy vào hoạt động sau khoảng 1 năm xây dựng, nghĩa là vào năm 2013. Tuy nhiên, tình thế có vẻ không thuận theo tính toán của nhà đầu tư, việc chậm tiến độ hoạt động gần như chắc chắn.

“Khi thấy khả năng chậm tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động, chúng tôi đã chủ động làm việc với chủ đầu tư để tìm hiểu lý do và cùng có giải pháp, và cũng để thông tin với báo chí là mọi việc đều đang rất ổn, nhà đầu tư họ có bài toán kinh tế, thị trường kém mà cứ nhắm mắt vào sản xuất thì không ổn, cũng phải tùy thuộc vào thị trường để tính lợi ích kinh tế”, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nói ngay khi nhận được câu hỏi rằng, hình như Honda tại Hà Nam đang chậm và ông chủ tịch có lo ngại gì không.

Không nhiều vị chủ tịch thẳng thắn và có thể chia sẻ ngay thông tin với báo giới về các nhà đầu tư trên địa bàn như ông Dũng. Kể cả số lượng nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động, số các dự án vừa đăng ký, lĩnh vực nào đang hấp dẫn… hay việc Hà Nam đang ở thế kẹt giữa các địa phương đi trước trong thu hút đầu tư, nhưng lại có lợi thế của người đi sau khi chọn làm vệ tinh để hút công nghiệp hỗ trợ… dường như là mối quan tâm hàng ngày của ông, nên ông nhớ và chia sẻ ngay không cần mở sổ. Nhưng việc “bênh nhà đầu tư”, nhất là dự án của một thương hiệu lớn cũng không phải hiếm gặp.

Có vẻ như đoán được ý nghĩ này, ông chủ tịch Hà Nam thể hiện rõ quan điểm, đầu tư là cũng có lợi trên nguyên tắc sòng phẳng. “Chúng tôi kêu gọi đầu tư không phải để phát triển một Hà Nam chung chung mà phải đem lại sự thay đổi trong cuộc sống của từng người dân Hà Nam, nên sự sòng phẳng về lợi ích của nhà đầu tư phải dựa trên lợi ích của người dân Hà Nam”, ông nói và kể lại câu chuyện chỉ trong 1 năm, 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Hà Nam chuyển lỗ thành lãi.

“Năm 2010 – 2011, khi nghi án chuyển giá trong hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu nổ ra, chúng tôi ngay lập tức gọi các chủ doanh nghiệp báo lỗ lên làm việc. Có rất nhiều nội dung phải bàn, nhưng kết luận, tôi đã nói với họ rằng, người dân họ tin rằng, khi họ giao đất cho các nhà đầu tư, đất đai sẽ làm ra nhiều tiền hơn, chứ không phải để nghe tin doanh nghiệp lỗ liên tục như vậy”, ông kể.

Tư duy biến bất lợi thành đặc sản

Không khí Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc hồi giữa tháng 12 năm ngoái trở nên nóng hơn trước câu hỏi của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rằng, “Tây Bắc là vùng khó khăn trong thu hút đầu tư. Những lúc kinh tế thăng hoa, dòng vốn đầu tư ào ào, khuyến khích hết khung còn chẳng thu hút được huống hồ bây giờ. Nếu cứ bàn khuyến khích nữa, ưu đãi nữa thì vốn có đến với Tây Bắc không?”, ông Thiên thẳng thắn.

Cũng phải nói thêm, trước khi ông Thiên đăng đàn, lợi thế và khó khăn của vùng Tây Bắc trong thu hút đầu tư cũng đã được phân tích, mổ xẻ rất kỹ lưỡng. Nào là tài nguyên khoáng sản, rừng và trồng rừng, du lịch, kinh tế cửa khẩu… Trong khi đó, bất lợi cũng được chỉ rõ, trong đó có điểm nổi trội là địa hình chia cắt, đồi núi, giao thông Tây Bắc còn rất khó khăn, là một trong những trở ngại đối với các nhà đầu tư.

Đương nhiên, khi đã mổ xẻ được bất lợi thì giải pháp để khỏa lấp cũng rất cấp bách. Chỉ có điều, khoản kinh phí để khỏa lấp yếu kém này thường lớn và chủ yếu được lấy từ ngân sách…

 “Thử làm một phép toán, nếu một mặt các tỉnh này tiếp tục gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực được cho là thế mạnh như khai khoáng, nghĩa là tần xuất các xe vận tải hạng nặng sẽ tiếp tục tăng, đường tiếp tục bị cày xới, tiến lại đổ vào sửa…Với vòng quay này thì khoản tiền thu từ khai khoáng có bù lại khoản phải bỏ ra để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông thường xuyên không. Đó là chưa kể tới những chi phí môi trường”, ông Thiên nói và đặt câu hỏi mở với các lãnh đạo các tỉnh rằng, có thể phát triển Tây Bắc mà không cần phải dựa quá nhiều vào giao thông không?

Trong kế hoạch thu hút đầu tư vào Tây Bắc “kiểu Trần Đình Thiên”, bất lợi về hạ tầng sẽ được giảm tải khi không chọn lĩnh vực khai khoáng là tiềm năng, khi đó, nhu cầu về hạ tầng giao thông thuận tiện giảm đi, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng sẽ đỡ căng thẳng hơn. “Bù lại, Tây Bắc có núi, có rừng, thì tiếp cận thu hút đầu tư phải theo kiểu của núi, của rừng, đó là các đặc sản nông nghiệp xứ lạnh, như rau và hoa như Đà Lạt đã và đang thành công, đó là sản phẩm cây thuốc mà người dân vùng này vẫn coi là gia truyền… So sánh lợi thế này với các vùng miền xuôi, Tây Bắc sẽ thắng”, ông Thiên nói.

Có thể kế hoạch PR kiểu Trần Đình Thiên còn có nhiều điều phải bàn, song cách mà ông thuyết phục những người đang muốn tìm giải pháp cho vùng đất vốn chứa đựng trong mình nhiều tầng đất đá của lịch sử phải suy nghĩ, những vùng đất chứa trong mình nhiều di sản chỉ có thể đến tương lai chính bằng di sản và quá khứ hào hùng của chính mình.

Tôi muốn nhắc lại một phát hiện khá thú vị của Báo cáo Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương năm 2013 khi đánh giá về tiêu chí thu hút đầu tư rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến có trường hợp một nhà đầu tư này đến Việt Nam vì hoạt động xúc tiến đầu tư của một tỉnh, nhưng kết quả lại chọn cơ hội ở một nơi khác là vì sự thiếu khác biệt hóa, thiếu bản sắc và không chuyên tâm.

Thời của những thảm đỏ sản xuất đại trà đã qua…