Những sự kiện, thông tin đáng chú ý trong tuần từ 19/10 - 25/10

Những sự kiện, thông tin đáng chú ý trong tuần từ 19/10 - 25/10

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam, tọa đàm công bố báo cáo vĩ mô quý III của VEPR, hay Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Nigeria... nằm trong số những sự kiện diễn ra trong tuần này mà nhà đầu tư chứng khoán không nên bỏ qua.  

Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam

Trong ba ngày từ 18-20/10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần thứ hai liên tiếp, một thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Chuyến thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức.

Ngoài dòng vốn đầu tư trực tiếp với nhiều dự án lớn, những năm qua, dòng vốn gián tiếp của Nhật Bản tích cực vào thị trường Việt Nam thông qua M&A.

Khai mạc kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 khóa XIV

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ được khai mạc vào ngày 20/10/2020. Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày. Cụ thể, đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-27/10); đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2-17/11).

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…

Quốc hội cũng xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước gồm: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, bao gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đoàn tàu của tuyến metro số 3 của Hà Nôi đã cập cảng

Đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu của tuyến metro số 3 của Hà Nội đã về tới Cảng Hải Phòng vào 18/10 và được tiếp nhận trong những ngày tới.

Tuyến metro số 3 của Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) có chiều dài 12,5 km. Tuyến metro này sẽ vận chuyển 8.600 hành khách mỗi giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách mỗi giờ. Công việc xây dựng tuyến metro số 3 năm nay đã tiến triển đúng theo lịch trình dự kiến. Việc chạy thử tĩnh và động đầu tiên có thể bắt đầu vào đầu năm 2021 đối với phần đường sắt trên cao, trong khi đó các công việc tiếp tục được thực hiện đối với phần ngầm dưới đất.

Theo dự kiến, tuyến metro số 3 tiếp tục đi ngầm dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam thành phố tới quận Hoàng Mai. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục dự án hiện tại. Dự án đi vào hoạt động sẽ giải tỏa ách tắc giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.

Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III

Ngày 21/10, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020. Báo cáo kinh tế vĩ mô hàng quý của VEPR được công bố liên tục từ đầu năm 2016, nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam.

Trong quý III, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tiếp tục có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới mặc dù dịch Covid-19 xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7/2020. CPI bình quân tăng ở mức thấp. Nhìn chung, so với các nước khác, kinh tế Việt Nam ổn định hơn nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, và do các đối tác thương mại chính có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Hội thảo có phần trình bày và phản biện của PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR; TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, VEPR; TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế cao cấp; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV… Cuộc tọa đàm sẽ cung cấp góc nhìn chuyên sâu về tình hình kinh tế trong nước, khó khăn và cơ hội của các nhóm ngành.

Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam - Nigeria

Ngày 22/10, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Nigeria phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Lagos (Nigeria) sẽ tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm thời trang Việt Nam – Nigeria 2020.

Hội nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu trong tình hình mới, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nigeria trong lĩnh vực dệt may, giày dép, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù, phụ kiện thời trang… Dự kiến sẽ có khoảng 130 doanh nghiệp Việt Nam và Nigeria tham gia sự kiện giao thương này.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm sút. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 100,5 triệu USD, tăng 12,4%, trong đó hàng dệt may đạt 29,28 triệu USD, tăng 9%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 5,2 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp may trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Nigeria, khắc phục đà sụt giảm của các thị trường xuất khẩu truyền thống.

Tin bài liên quan