TTIP là một chuỗi các đàm phán với mục tiêu giảm rào cản thương mại đối với các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi quá trình đàm phán TTIP bắt đầu vào tháng 2/2015, các thông tin luôn được giữ bí mật. Do vậy, khi tài liệu về quá trình đám phán bị phát tán, lần đầu tiên người dân châu Âu biết được Uỷ ban châu Âu (EC) đang làm gì trong bóng tối và sự thật khiến họ thất vọng.
Dưới đây là những sự thật mà tài liệu dài 248 trang, khái quát 13 trong số 17 chương của TTIP đã chỉ ra, đe dọa tới sự thành công của hiệp định này.
Dịch vụ y tế quốc gia (NHS)
Một trong các mục tiêu chính của TTIP là mở cửa lĩnh vực y tế công cộng, giáo dục, nước sạch tại EU với các công ty Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc dịch vụ y tế quốc gia (NHS), thường được cung cấp miễn phí, đối diện với nguy cơ bị tư nhân hóa. Trước đó, EC tuyên bố rằng, dịch vụ công cộng sẽ không liên quan tới TTIP, vậy nhưng sự thật từ tài liệu bị công bố cho thấy, đây vẫn là một trong các lĩnh vực được đưa ra thương thảo.
Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và môi trường
TTIP có tham vọng đưa các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và môi trường tại châu Âu về gần hơn với tiêu chuẩn của Mỹ. Tuy nhiên, các quy định này tại Mỹ lỏng lẻo hơn nhiều so với tại EU, chẳng hạn 70% các sản phẩm đã chế biến được bán tại siêu thị Mỹ có chứa thành phần biến đổi gene, còn châu Âu gần như cấm tuyệt đối.
EU hiện cấm sử dụng 1.200 chất đối với hóa mỹ phẩm, trong khi Mỹ chỉ cấm dùng 12 chất. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với an toàn môi trường, khi châu Âu nghiêm khắc hơn Mỹ rất nhiều đối với quy định về các chất độc hại, khí thải ra môi trường.
Quy định về ngân hàng
Theo đàm phán TTIP, cả Mỹ và châu Âu đều sẽ nới lỏng một số quy định đối với hoạt động của ngân hàng. Sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, cả 2 bên đều đã đưa ra những quy tắc nhằm kiểm soát sức mạnh của các nhà băng, tránh tình trạng rơi vào khủng hoảng một lần nữa. Với TTIP, cả EU và Mỹ đều sẽ nới lỏng quy định này, đồng nghĩa với việc trao trả lại quyền lực cho các ngân hàng.
Việc làm
Theo các con số thống kê chính thức, ít nhất 1 triệu việc làm sẽ biến mất trước tác động trực tiếp của TTIP. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi nếu hiệp định này được thực hiện đầy đủ trong tương lai. Việc EU mở cửa toàn bộ nền kinh tế sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này gia tăng nhanh chóng, khi các công việc chuyển dịch sang Mỹ, nơi có tiêu chuẩn và quyền lợi của người lao động thấp hơn.
Dân chủ
Mối đe dọa lớn nhất từ TTIP đối với xã hội đó là việc “tấn công” vào tính dân chủ. Một trong những mục tiêu chính của TTIP là thành lập Cơ quan giải quyết mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và chính quyền (ISDS), cho phép các công ty được kiện chính phủ nếu các chính sách của chính phủ gây ra thiệt hại về lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.
Thử tưởng tượng, các chính sách về sức khỏe cộng đồng do chính phủ của các quốc gia đặt ra sẽ bị đe dọa khi các hãng năng lượng khổng lồ khởi kiện, bởi chính sách này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Với TTIP, các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ được trao cho quyền lực lớn chưa từng có trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay quy định về an toàn môi trường, xã hội… tại châu Âu. Đây chính là mối lo ngại lớn nhất đối với người dân tại EU lúc này.
Ngay sau khi tài liệu trên được công bố, EC đã lên tiếng cho biết, các tài liệu này chỉ phản ánh quá trình đàm phán, không thể hiện bất kỳ một quyết định cuối cùng nào. Theo kế hoạch, quá trình đàm phán sẽ đưa ra một “biên bản cơ bản” vào tháng 7/2016 và tiếp tục thảo luận sâu hơn về một số vấn đề phức tạp trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, với làn sóng phản đối mạnh mẽ hiện tại, các quan chức thuộc EU sẽ rất khó khăn khi đưa ra quyết định cuối cùng.