1. Đầu những năm 2000, khi kinh doanh đa cấp mới xuất hiện tại Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ một buổi sáng, người qua lại trên phố Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội) đều tò mò nhìn đám đông mấy chục người tụ tập trên vỉa hè. Hỏi ra thì hay họ từ rất nhiều tỉnh khác ở miền Bắc đổ về đây để chờ mua thuốc của một công ty đa cấp.
Giờ, loại hình kinh doanh này không còn xa lạ với người dân, nhưng vào ngày đó, khi di động mới xuất hiện, internet còn đắt đỏ, việc tra cứu thông tin hạn chế, người ta không khỏi bàn tán về một loại thuốc thần kỳ nào đó từ Mỹ có khả năng chữa khỏi vô số bệnh.
Không những thế, công ty bán sản phẩm này còn đem đến cơ hội kiếm tiền tuyệt vời cho khách hàng, chỉ cần giới thiệu thêm khách hàng, vị khách hàng ban đầu sẽ được hưởng hoa hồng.
Các giao dịch nằm ngoài hành lang pháp lý được thực hiện hôm nay có thể để lại hậu quả đau lòng cho nhiều năm sau, thậm chí cả hậu quả trách nhiệm hình sự.
Thậm chí khách hàng mới giới thiệu thêm khách hàng mới nữa thì người ban đầu vẫn có hoa hồng, tức là ngồi không cũng có tiền chảy vào túi. Do công ty chỉ có địa chỉ ở kho hàng nên mới tạo thành cảnh chầu chực chờ mua sản phẩm, khiến người qua đường ai cũng ngoái nhìn.
Nếu không vì gần đây, kinh doanh đa cấp thường xuyên gắn liền với những vụ việc tai tiếng thì chắc hẳn những tên tuổi đầu tiên như Vision, Natural Beauty đã được ghi công là đơn vị tiên phong đưa cách thức kinh doanh mới mẻ này vào Việt Nam. Khi ấy, không có quy định nào về loại hình kinh doanh này.
Chỉ khi dư luận xã hội lên tiếng về nguy cơ lừa đảo, mất tiền, chất lượng sản phẩm, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) mới bắt tay vào soạn thảo văn bản pháp quy đầu tiêu về loại hình kinh doanh đa cấp.
MB24 - muaban24 là sự kết hợp giữa thương mại điện tử và kinh doanh đa cấp. Khi vụ án xảy ra, người ta chứng kiến cảnh có người nghèo làm nghề bơm vá xe ở một huyện miền núi xa xôi đã vay mượn 5 triệu đồng để mua một gian hàng ảo, với kỳ vọng gian hàng sẽ sinh lời, đem lại khoản lãi hàng tháng.
Tất nhiên, người dân nghèo có hạn chế nhận thức nhất định, nhưng việc kinh doanh không phép, đưa “mồi” hàng chục nghìn tài khoản ảo để thổi phồng quy mô, trả tiền ảo vào các tài khoản và rút tiền thật để tiêu xài cá nhân là vi phạm pháp luật.
2. Trên con đường kinh doanh, có nhiều trường hợp ghi nhận sự sáng tạo của doanh nghiệp từ phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ, chăm sóc khách hàng, phương thức kinh doanh… và điều này đem đến thành công khiến nhiều người phải mơ ước.
Rất nhiều sản phẩm, dịch vụ được đưa ra thị trường khi chưa có quy định nào điều chỉnh. Điều đó không có gì khó hiểu, bởi luật pháp là để điều chỉnh các quan hệ xã hội và do đó nó ra đời sau khi các quan hệ xã hội hình thành.
Mặc dù pháp luật có nguyên tắc không hồi tố, tức không xem xét các hành vi được thực hiện trước khi có luật, nhưng nếu có thiệt hại xảy ra thì quy kết trách nhiệm là không tránh khỏi. Luật sư Trần Minh Hải (Công ty Luật BASICO) từng cảnh báo rằng, các giao dịch nằm ngoài hành lang pháp lý được thực hiện hôm nay có thể để lại hậu quả đau lòng cho nhiều năm sau, thậm chí cả hậu quả trách nhiệm hình sự.
Cách đây không lâu, một CEO nổi tiếng của ngành ngân hàng đã bị bắt tạm giam, truy tố, điều tra, xét xử trong đại án nghiêm trọng. Vị tổng giám đốc này, với cương vị thành viên HĐQT đã bỏ phiếu đồng ý một số chủ trương của ngân hàng và ở cương vị Tổng giám đốc đã triển khai chủ trương đó.
Trong tình hình ngân hàng đang thừa vốn và không thể giảm lãi suất huy động, thách thức đối với ban lãnh đạo, ban điều hành là phải có giải pháp để đảm bảo tiền gửi của khách hàng phải sinh lời, nếu không sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Giải pháp được đưa ra là ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác.
Chuyện sẽ êm đẹp nếu khoản tiền gửi được tất toán và ngân hàng nhận được lãi suất như kỳ vọng. Báo cáo hoạt động năm đó của ngân hàng sẽ ghi nhận nỗ lực, giải pháp của ban lãnh đạo, ban điều hành. Nhưng khi xảy ra vụ án lừa đảo tại ngân hàng nhận tiền gửi và khoản tiền không thể thu hồi, trách nhiệm của các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc đã được đặt ra.
3. Một câu chuyện khác, giao dịch margin được chính thức hóa vào cuối năm 2011 khi Ủy ban Chứng khoán ban hành Quyết định 637 kèm theo quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán. Nhưng thực tế, ngay từ khi thị trường chứng khoán bùng nổ trong giai đoạn 2006 – 2007, thị trường đã có nhu cầu về giao dịch margin. Vấn đề là khi đó chưa có hành lang pháp lý cho giao dịch ký quỹ.
Vậy thì, trong một thị trường biến động từng phút và đang ở chuỗi tăng liên tiếp nhiều ngày, khi các mã cổ phiếu đều kịch trần và VN-Index đang trên 1.000 điểm, các công ty chứng khoán sẽ phải lựa chọn hoặc là cung cấp cho khách hàng các giao dịch ký quỹ “trá hình” bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc là chờ cơ quan nhà nước ban hành quy định đầy đủ mới đưa dịch vụ tới khách hàng?
Đương nhiên, hàng loạt các công ty chứng khoán đã ồ ạt cung cấp giao dịch ký quỹ, bởi bất kỳ công ty nào không đáp ứng nhu cầu, khách hàng sẽ sẵn sàng quay lưng.
Ở góc độ nào đó, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, được khách hàng đón nhận là nỗ lực sáng tạo của cá nhân lãnh đạo và tập thể doanh nghiệp. Thông thường trước khi đưa ra thị trường, hàng hóa dịch vụ đó đều được các bộ phận trong doanh nghiệp mổ xẻ từ nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm, khách hàng mục tiêu… thậm chí cả rủi ro pháp lý.
Nhưng không phải lúc nào những nghiên cứu đánh giá đó cũng là đủ. Với hợp đồng hợp tác đầu tư cũng vậy. Khi quy chế margin được ban hành, một câu hỏi lớn với thị trường là ứng xử ra sao với những hợp đồng đã ký kết? Nhưng rồi câu chuyện không dừng lại đó.
Về nội dung, đây là giao dịch ký quỹ, nhưng với hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, đây là sự hợp tác kinh doanh giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư, hai bên sẽ cùng phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm. Như vậy, nếu cổ phiếu đó giảm giá và nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người", công ty chứng khoán phải chấp nhận khoản lỗ này như là kết quả của một hoạt động đầu tư hơn là cho vay.
Thực tế, đã có trường hợp một công ty chứng khoán ráo riết đòi tiền nợ của nhà đầu tư từ các hợp đồng này và tính chuyện khởi kiện. Nhưng hầu như không có kết quả, bởi nhà đầu tư và luật sư bám vào căn cứ hợp đồng hợp tác kinh doanh, lời ăn lỗ chịu và không thừa nhận vay nợ công ty chứng khoán. Nhiều công ty chứng khoán khác phải ôm cục nợ lớn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư này và mất nhiều năm chưa thể xử lý hết.
Khi thiệt hại xảy ra, trách nhiệm nặng nề hơn đã được cáo buộc. Chẳng hạn trường hợp tổng giám đốc một công ty chứng khoán bị cáo buộc đã thực hiện các hợp đồng trái thẩm quyền hay trường hợp tổng giám đốc công ty chứng khoán bị quy kết sử dụng tài sản trái phép khi dùng tiền hợp tác đầu tư vào mục đích khác…
Dưới sức ép của nhu cầu khách hàng, kết quả kinh doanh, sự sáng tạo trong hoạt động doanh nghiệp vô cùng đa dạng. Đôi khi sáng kiến ngày hôm nay để lại rủi ro không ngờ cho sau này. Vấn đề là rất khó đánh giá, cân nhắc giữa cơ hội kinh doanh và rủi ro pháp lý.
Khi thị trường có nhu cầu, nếu chậm chân, doanh nghiệp có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh và hầu như không thể tìm lại vị trí trước đây, thậm chí còn biến mất khỏi thị trường. Rủi ro pháp lý, nếu chưa có thiệt hại có thể không sao. Nhưng nếu đã có thiệt hại, trách nhiệm của người ra quyết định, người thực hiện chắc chắn sẽ bị xem xét. Và khi này hậu quả có thể rất nặng nề, đến mức hình sự…