1. Sợ thay đổi
Trên CNBC, chuyên gia định hướng sự nghiệp - Jenny Blake cho biết khi con người bị chi phối bởi nỗi sợ và kiểu tư duy lối mòn, họ sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được. Đây là sai lầm lớn nhất khiến sự nghiệp của bạn "giậm chân tại chỗ".
2. Tập trung quá nhiều vào việc kiếm tìm "đam mê"
Người ta đôi khi bị ám ảnh quá mức về việc phải tìm thấy tiếng gọi đam mê cho cuộc đời mình. Blake cho rằng chúng ta nên tự rũ bỏ gánh nặng đó: "Áp lực phải tìm thấy cho mình một mục tiêu theo đuổi thường gây ra những mệt mỏi không cần thiết".
3. Kỹ năng viết email kém
Đây là kỹ năng rất quan trọng đối với sự nghiệp của bạn và cần được luyện tập thường xuyên. Những nhân viên có kỹ năng viết email tốt luôn được trọng dụng, Julie Sweet - CEO khu vực Bắc Mỹ của công ty dịch vụ Accenture cho biết.
4. Chỉ quan tâm tới tiền
Dù là đang đàm phán về chế độ đãi ngộ hay yêu cầu được tăng lương, đừng chỉ hỏi về tiền bạc. Đây là lời khuyên của chiến lược gia Keld Jensen. Thay vào đó, hãy đề cập đến những vấn đề khác như thời gian làm việc linh hoạt hay nghỉ phép dài. Khi ấy, yêu cầu của bạn sẽ dễ được chấp nhận hơn.
5. Để người khác chi phối bạn
Carla Harris - Phó chủ tịch Morgan Stanley là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất phố Wall. Bà từng bị những người xung quanh nghi ngờ về năng lực của mình, khuyên không nên nộp đơn vào Harvard và đừng tham gia ngành tài chính. Tuy nhiên, bà vẫn quyết tâm đi ngược lại và thành công. "Hãy tập trung vào mục tiêu và đừng để người khác điều khiển bạn", Harris cho biết.
6. Dằn vặt vì mắc sai lầm
Diễn viên hài Jay Leno cho rằng mỗi sai lầm trong sự nghiệp của bạn đều là một bài học đắt giá. Những doanh nhân xuất chúng như Richard Branson cũng đồng tình rằng sai lầm là cơ hội tuyệt vời cho bạn học hỏi.
7. Để đời tư ảnh hưởng tới công việc
Brian Wong - CEO 25 tuổi của Kiip cho rằng rất nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Dù cuộc sống cá nhân của bạn gặp nhiều rắc rối tới đâu đi chăng nữa, hãy để hết chúng ở nhà. "Dù bị người yêu đá, bạn thân phản bội hay mất thẻ tín dụng, hãy cứ đến công ty và tỏ ra như không có chuyện gì xảy ra", anh nói.
8. Nói dối trong hồ sơ xin việc
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nhiều người vẫn mắc phải sai lầm này. Theo các chuyên gia, một vài chi tiết phóng đại về kinh nghiệm làm việc cũng sẽ để lại hậu quả lớn sau này.
9. Nghĩ rằng mình đã mất cơ hội thành công
Không phải ai cũng thành công ngay từ khi còn trẻ. Trên thực tế, đó là quá trình cố gắng suốt cả cuộc đời. Nếu bạn cho rằng cơ hội thành công của mình đã ở phía sau, hãy suy nghĩ lại. Lloyd Blankfein - CEO của Goldman Sachs cho biết rất nhiều người tin rằng "Nếu như chưa từng bỏ học để khởi nghiệp, bạn đã quá muộn để làm điều gì đó vĩ đại". Ông cho rằng tuổi tác không phải là vấn đề nếu bạn chịu cố gắng hết mình.