Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ tư trên thế giới, nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều thứ hai, chỉ sau Italy. Điều gì đã khiến đất nước này nhanh chóng sa lầy trong cuộc chiến với dịch bệnh?
Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 25/3 cho biết, nước này ghi nhận thêm 6.673 ca nhiễm mới nCoV, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 56.188. Với số người tử vong đỉnh điểm lên đến 738 người/ngày, Tây Ban Nha hiện chiếm ngôi đầu, vượt qua Italy về số người tử vong trong ngày. Đây có lẽ là thời điểm đen tối và đau thương nhất trong lịch sử của nước này.
Ngày 26/3 nước này thông báo rằng, có thêm 655 người thiệt mạng vì Covid-19 trong 24 giờ, nâng tổng số người chết vì bệnh dịch tại nước châu Âu lên 4.089.
Những số liệu trên đủ xếp Tây Ban Nha vào nhóm những điểm nóng nhất về đại dịch Covid-19, một danh hiệu hoàn toàn không lấy gì làm tự hào, bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc rồi dần chuyển qua Iran và Ý. Khi đại dịch đã bùng phát ở phương Tây, nơi luôn tự tin với nền y học phát triển hàng đầu, thì bất kỳ khu vực nào sau đó cũng có thể trở thành điểm nóng tiếp theo.
Vậy, Tây Ban Nha đã mắc những sai lầm gì khi để xảy ra tình trạng tồi tệ như vậy?
Tây Ban Nha có đủ thông tin để nắm bắt được tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, Iran và nhất là Italy, quốc gia chỉ cách khoảng 640 km trên Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Tây Ban Nha không thể đổ lỗi cho khoảng cách địa lý gần gũi này được. Bởi Pháp, Thụy Sỹ, Áo và Slovenia, những nước giáp ranh với Italy, đều kiểm soát tình hình tốt hơn rất nhiều, còn Tây Ban Nha thì không.
Sự chủ quan của Tây Ban Nha có lẽ bắt đầu từ đây. Chính phủ nước này đã nghĩ đại dịch chỉ bùng phát ở những nước xung quanh Italy mà thôi. Sự tự tin được thể hiện rõ khi Tiến sỹ Fernando Simón, Giám đốc Trung tâm điều phối cảnh báo sức khỏe Bộ Y tế Tây Ban Nha dự đoán hôm 9/2: "Tây Ban Nha sẽ chỉ có ít ca lây nhiễm". Kết quả, 6 tuần sau khác hẳn.
Ngày 19/2, khoảng 2.500 người người hâm mộ đội bóng Valencia (Tây Ban Nha) cùng hơn 40.000 người hâm hộ đội bóng Atalanta (Italy) đã có mặt trên sân Bergamo trong một trận đấu thuộc khuôn khổ giải Champions League.
Sự kiện này có lẽ là khởi nguyên của sự xâm chiếm virus corona tới Italy và Tây Ban Nha. Thị trưởng thành phố Bergamo ông Giorgio Gori miêu tả, trận bóng này như một "quả bom sinh học" khiến virus bùng phát tại vùng Lombardy.
Bởi lẽ chỉ 3 ngày sau trận đấu, Italy đã lần đầu tiên công bố số người chết vì dương tính với virus corona.
Còn ở Tây Ban Nha, các cầu thủ, người hâm mộ và nhà báo thể thao của Valencia là một trong những người đầu tiên bị nhiễm nCoV.
Các thành viên của đơn vị Quân đội Khẩn cấp đợi xe chở xác tới ướp lạnh tại Madrid. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, lý do chính của việc lây lan virus nhanh chóng tại Tây Ban Nha là do sự "vô tư" của người dân xứ này. Bất chấp những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh, trong cái nắng nhẹ của những ngày xuân mát mẻ các quán bar, cà phê vỉa hè tại Madrid tràn ngập hình ảnh vui vẻ của người dân. Là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, những người này thoải mái trò chuyện, ôm hôn và trao nhau những nụ hôn nồng cháy.
Ngày 8/3, chỉ một tuần trước khi đất nước đóng cửa, các sự kiện thể thao, hội nghị chính trị và các cuộc mít tình lớn để kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn diễn ra như thường. Ngày 12/3, khoảng 3.000 người hâm mộ câu lạc bộ Atlético Madrid đã cùng nhau bay sang Liverpool (Anh) để theo dõi một trận đấu khác của Champions League.
Những sự hồn nhiên, vô tư của đám đông người dân đã gây ra thảm họa lây lan nCoV theo cấp số nhân mà không gì có thể ngăn cản lại được.
Dịch bệnh Covid-19 cũng chỉ ra những lỗ hổng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Tây Ban Nha. Những thiết bị y tế thiết yếu trong cuộc chiến chống dịch bệnh như máy thở, quần áo bảo hộ y tế và bộ xét nghiệm virus đều thiếu trầm trọng, gần như đều phải nhận viện trợ từ nước khác. Đóng góp nhiều viện trợ cho Tây Ban Nha đã biến Trung Quốc, từ "nhân vật phản diện" thành vị cứu tinh hoàn hảo.
Phần lớn số hàng được vận chuyển thông qua cộng đồng người nhập cư gốc Hoa, những người trước đó phải trốn tránh do vấn nạn phân biệt chủng tộc.
Các viện dưỡng lão vừa phải hoạt động có lợi nhuận, đồng thời mức giá đưa ra mọi người dân có thể chi trả được - tương đương mức lương hưu cơ bản khoảng 9.000 EUR. Kết quả là, sự thiếu thốn nhân lực, thiếu sự chuẩn bị đã dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống. Người già bị bỏ mặc, với tỷ lệ tử vong lên tới 20%. Khi quân đội được cử đến tiếp viện thì đã quá muộn màng.
Tây Ban Nha có hệ thống y tế tốt nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống bệnh viện tại đây. Gần như toàn bộ giường bệnh của nước này đều được cung cấp bởi hai nước Áo và Đức với số lượng đáp ứng chỉ đủ cho 1/3 tổng dân số. Mặc dù tỷ lệ này vẫn là khá cao so với Anh, New Zealand hoặc Mỹ.
Phản ứng chậm chạp và vụng về của bộ máy Chính phủ Tây Ban Nha, đứng đầu là Thủ tướng Pedro Sánchez cũng là một phần khiến virus lây lan chóng. Sự lỏng lẻo, thiếu cương quyết được thể hiện khi ông ban bố tình trạng khẩn cấp. Người đứng đầu quốc gia mất 24h để áp dụng mệnh lệnh. Điều này khiến cho người dân Madrid và các thành phố khác có đủ thời gian để di tản khắp nơi trên đất nước.
Thảm họa hơn nữa là khi chính quyền Madrid đóng cửa trường học để tránh lây lan bệnh dịch nhưng lại không mạnh tay cấm những địa điểm ăn chơi nhảy múa. Sự thiếu nhất quán này đã khiến người dân Tây Ban Nha coi đây như một dịp nghỉ lễ. Họ hoàn toàn không hề cách ly ở nhà mà đi đến những nơi đông người như quán bar, công viên, nhiều gia đình còn tổ chức đi tắm biển. Đây có lẽ là đòn chí tử đối với mọi nỗ lực kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.
Cảnh sát đứng trước một nhà băng được trưng dụng thành nhà xác tạm thời ở Madrid vào ngày 24/3. Ảnh: AP.
Các biện pháp cứng rắn kết hợp cùng đội ngũ cảnh sát đã được chính phủ Tây Ban Nha sử dụng với hy vọng sẽ giảm bớt được thiệt hại gây ra bởi đại dịch khi lệnh phong tỏa hết hạn vào ngày 11/4. Nhưng còn phải mất rất nhiều thời gian nữa cuộc sống người dân nơi đây mới có thể trở lại bình thường.
Khi đại dịch kết thúc, kinh tế Tây Ban Nha sẽ vô cùng mong manh. Trong cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đã tăng vọt lên 27%, nợ công tăng cao, tình trạng suy thoái kinh tế của quốc gia này là tồi tệ nhất ở châu Âu. Điều này dự báo là sẽ tiếp tục lặp lại trong năm nay.
Các biện pháp đã đc đưa ra từ 1 thập kỷ trước như thắt chặt ngân sách, cắt giảm việc làm và lương sẽ không còn được thông qua. Nhà kinh tế học Toni Roldán đã tính toán Tây Ban Nha sẽ phải cần một khoản vay khoảng 200 tỷ EUR từ quỹ bình ổn kinh châu Âu để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên điều này là trong tương lai. Trước mắt, Tây Ban Nha cần phải thắng cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Một viễn cảnh mịt mù đang chờ đợi đất nước này ở phía trước.