Những quan điểm quanh vấn đề phạt nặng ngân hàng ép mua bảo hiểm

Những quan điểm quanh vấn đề phạt nặng ngân hàng ép mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau khi đăng tải thông tin về việc “Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp ép khách vay phải mua bảo hiểm”, Đầu tư Chứng khoán liên tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi.

Đa số các ý kiến cho rằng cần ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh, chứ không chỉ dừng lại ở chế độ các ngân hàng “tự xử” như tại công văn này.

“Đã sai là phải bị tuýt còi, mà đã tuýt còi là phải phạt mới có tác dụng. Nếu phát hiện ngân hàng nào ép khác mua bảo hiểm khi vay vốn thì cần phạt thật nặng”, anh Đinh Mạnh Hùng (Ba Đình, Hà Nội) đề xuất.

“Nếu không ra khung hình phạt thì không thể xử lý triệt để được, vẫn làm khó người vay vì không có tiền mới đi vay, chịu mức lãi suất cao cho khoản vay lại còn bị ép mua thêm bảo hiểm, thêm đủ các loại phí. Đề nghị có quy định chế tài rõ để tạo sự minh bạch cho hai bên”, chị Mai Thu Hương khuyến cáo.

“Ngân hàng nhà nước xử lý nghiêm là xử như thế nào? Không nên chỉ dừng ở việc các ngân hàng tự báo cáo lên mà ngân hàng nhà nước phải trực tiếp vào cuộc. Khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm thì trình báo ở đâu?”, ông Trần Kiên (Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, đưa các ngân hàng về đúng với chức năng vốn có của nó. Phải xử lý thẳng tay các ngân hàng nào thời gian qua đã ép khách hàng mua và xử lý hoàn trả số tiền khách hàng đã bị ép mua. Thậm chí công khai danh sách vi phạm và hình thức xử phạt.

Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Trường Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, không nên chỉ dừng ở chế độ các ngân hàng “tự xử” mà Ngân hàng nhà nước phải cử đoàn đi thanh kiểm tra và có đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu cực.

“Phải soạn ngay một văn bản quy định về việc phạt. Mà phạt phải thật nặng chứ phạt dăm ba chục triệu đồng trong khi thu nhập ngân hàng từ kênh này tính ra lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì phạt cũng như không, cũng chỉ như muối bỏ bể”, ông Đán nói.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Long An từng có công văn chấn chỉnh tình trạng "bán bia kèm lạc", trong đó khẳng định thanh tra, kiểm tra chuyện ngân hàng "ép" khách vay mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Khuất Thanh Bình, Quản trị viên Hội chuyên viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ cũng cho rằng cần ra chế tài đủ mạnh. Đáng lưu ý, để có thể phạt được thì cần cắt nghĩa rõ ràng chữ “ép” trong công văn ở đây được hiểu thế nào. Bởi lẽ, có trường hợp ngân hàng không bắt buộc khách vay mua bảo hiểm mà chỉ dùng các biện pháp kỹ thuật, đơn cử như áp lãi suất chênh lệch (giảm trừ lãi suất nếu mua thêm bảo hiểm, mua bảo hiểm thì được vay với lãi suất thấp, mới được giải ngân nhanh).

“Thậm chí có ngân hàng móc nối với nhau, âm thầm đưa người đi vay vào danh sách đen. Không chịu mua bảo hiểm tại ngân hàng này thì chuyển qua ngân hàng khác cũng bị gây khó dễ. Nhìn ngoài không được coi là ép, nhưng thực tế thì là ép. Vậy trong trường hợp này, có bị xử lý không, bị phạt không?”, ông Bình đặt vấn đề.

Ngày 30/10 vừa qua, trong công văn số 7929- NHNN- TTGSHH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống.
Xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Tin bài liên quan