7 tập đoàn và 12 tổng công ty dự kiến chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban, trong đó có PVN

7 tập đoàn và 12 tổng công ty dự kiến chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban, trong đó có PVN

Những phương thức mang tính đột phá ở “siêu Ủy ban”

(ĐTCK) Sự ra đời của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cho đến thời điểm này, nhiều đầu việc đã được hoàn tất để Ủy ban sớm ra mắt và chính thức hoạt động.

Ngày 8/8/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến tại Phiên họp số 26 về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Nghị định báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét ban hành.

Cho đến thời điểm này, Ủy ban đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hoạt động, gửi các thành viên Tổ công tác có ý kiến tham gia, góp ý; đã tiếp thu hoàn thiện, trình Phó thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cho ý kiến chỉ đạo. Căn cứ Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Ủy ban sẽ tiếp tục hoàn thiện, phê duyệt kế hoạch hoạt động.

Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Ủy ban cũng đã được xây dựng xong để có cơ sở tuyển dụng, bố trí nhân sự phù hợp. Nội dung Đề án bám sát Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cũng như các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ. Các quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị của Ủy ban sẽ được ban hành ngay sau khi có Nghị định của Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục và trách nhiệm chuyển giao, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, tuân thủ các quy định của các luật về vấn đề này.

Quản lý lượng vốn khổng lồ với giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 doanh nghiệp được bàn giao về là trên 820.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp gần 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị vốn nhà nước và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước, bởi vậy, Ủy ban đặc biệt quan tâm công tác nhân sự.

Dự kiến, Ủy ban có 150 biên chế là công chức, triển khai công việc trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Đây cũng là nét mới trong công tác quản lý vốn nhà nước. Theo đó, Ủy ban sẽ xây dựng bộ chỉ số để giám sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp thường xuyên, bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành, lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường.

Việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số này được thực hiện theo lộ trình. Hiện nay, Ủy ban đang thực hiện bước 1 với các chỉ số chung  đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu.

Dự kiến, khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ kết nối để cập nhật tình hình liên tục. Trên cơ sở thực hiện thành công bước 1, dự kiến đến đầu năm 2019, Ủy ban sẽ thực hiện bước 2 với các chỉ số riêng theo ngành, lĩnh vực đối với từng doanh nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ cũng được quan tâm đặc biệt. Hiện nay, Ủy ban đã dự thảo 44 quy chế, bao gồm 7 quy chế nghiệp vụ, 28 quy chế quản trị nội bộ và 9 quy chế, đề án khác về công nghệ thông tin.

Trong hệ thống này, đến nay, Ủy ban đã cơ bản hoàn thành các quy chế nghiệp vụ quan trọng nhất về tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước, quản trị vốn tại doanh nghiệp, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, thẩm định dự án và quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, quản trị rủi ro và quy chế về người đại diện vốn, người quản lý doanh nghiệp. Các đề án, quy chế về bộ máy quản trị nội bộ và nhân sự của Ủy ban cũng đã hoàn thành.

Các quy chế, quy định nghiệp vụ còn lại cũng đang được tập trung hoàn thiện để Ủy ban bắt tay vào triển khai nhiệm vụ ngay sau khi Nghị định được ban hành.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban đã nhiều lần nhấn mạnh, cơ quan này cần phải đổi mới, cải tiến cách thức tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ. Uỷ ban cũng cần phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn.

Từ những mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung đã được triển khai trên thế giới, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng, cần đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, các biện pháp có thể tính đến như xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, hạ tầng công nghệ thông tin, áp dụng cách thức giao chỉ tiêu nhiệm vụ rõ ràng, có đánh giá…

Trên thực tế, đây cũng là những đầu việc lớn đang được Ủy ban tập trung triển khai nhằm sẵn sàng cho ngày chính thức hoạt động.         

Tin bài liên quan