Những “ông lớn” đuối sức trong HNX30

Những “ông lớn” đuối sức trong HNX30

(ĐTCK) Dù là những "hạt giống" trên sàn HNX, nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm HNX30 vác trên vai những khoản nợ khổng lồ, cùng kết quả kinh doanh bết bát.

Ngày 9/7/2012, chỉ số HNX30 chính thức được Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa vào vận hành, bổ sung vào hệ thống chỉ số chỉ báo và chỉ số đầu tư hiện có, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ hỗ trợ việc lựa chọn đầu tư.

Về nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn những cổ phiếu vào rổ tính HNX30 là cổ phiếu có tính thanh khoản cao và mức độ vốn hóa thị trường cao trên HNX. Tuy nhiên, đối với thị trường cũng như các nhà đầu tư, nhóm cổ phiếu này không chỉ dừng lại ở tiêu chí lựa chọn trên, mà còn là đại diện cho những cổ phiếu tốt nhất trên sàn. Vậy những cổ phiếu này có thực sự như kỳ vọng của nhà đầu tư?

 

Nợ lớn

Báo cáo tài chính (BCTC) quý III và 9 tháng đầu năm của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh của Công ty đã có nhiều cải thiện. Cụ thể, quý III/2013, VCG đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 78 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 94 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VCG đạt 8.423 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận trước thuế đạt 222 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm 2013, 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành vượt 50% kế hoạch doanh thu, nhưng mới hoàn thành 53,5% kế hoạch lợi nhuận.

Ngoài ra, tính đến ngày 30/9/2013, chỉ số khả năng thanh toán nhanh của Công ty vẫn ở mức thấp do hàng tồn kho lớn, chiếm gần 44% cơ cấu tài sản ngắn hạn. Trong khi đó, khoản mục nợ phải trả của VCG ở mức cao, lên tới 18.913 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 12.565 tỷ đồng.

Những “ông lớn” đuối sức trong HNX30 ảnh 1

Nguồn: BCTC của các DN tại thời điểm 30/9/2013

Tương tự, với CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR), tính đến cuối quý III/2013, lượng hàng tồn kho lên tới 3.241 tỷ đồng, chiếm 75% cơ cấu tài sản ngắn hạn, trong đó chủ yếu ở dạng chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang, tới 3.219 tỷ đồng, thành phẩm hàng hoá chỉ có gần 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCR đang phải chịu áp lực về chi phí lãi vay với khoản nợ phải trả gần 3.691 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn (3.249 tỷ đồng).

Ngoài nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản yếu, một số yếu tố khác khiến các doanh nghiệp trên lâm vào tình cảnh khó khăn là do đầu tư dàn trải, nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động kém hiệu quả...

Cũng bị ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xi măng cũng không mấy sáng sủa, trong đó có CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) -  một DN trong HNX30. BCTC quý III/2013 của Công ty vừa công bố cho thấy, trong quý III, BCC lỗ 13,78 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 37,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khối lượng hàng tồn kho giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm, ở mức 452 tỷ đồng. Đặc biệt, tính đến ngày 30/9/2013, BCC có tổng nợ phải trả lên tới 4.666 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 2.111 tỷ đồng, vượt xa so với tài sản ngắn hạn là 1.209 tỷ đồng.

Với CTCP Than Núi Béo (NBC), đến cuối quý III/2013, doanh nghiệp này có khoản nợ ngắn hạn là 530,5 tỷ đồng, lớn hơn tài sản ngắn hạn là 428 tỷ đồng.

 

Và lỗ nhiều

Một số doanh nghiệp khác có mặt trong HNX30, nhưng lại có kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, ăn mòn dần vào vốn chủ sở hữu.

Đơn cử, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đạt 20,8 tỷ đồng doanh thu trong quý III/2013, chủ yếu là doanh thu hoạt động môi giới, doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán và doanh thu khác. Mức doanh thu này không đủ bù đắp cho khoản chi phí hoạt động và chi phí quản lý doanh nghiệp, khiến SHS lỗ hơn 9 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 342,4 tỷ đồng, khiến vốn chủ chỉ còn 779 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.

Quay trở lại với VCG, mặc dù tình hình kinh doanh đã bắt đầu được cải thiện, nhưng tính đến cuối tháng 9/2013, Công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế 309,6 tỷ đồng.

Hiện VCG đang trong quá trình tái cơ cấu, thoái dần vốn ở các công ty con để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính. Trong quý IV này, VCG đã ký hợp đồng chuyển nhượng 70% vốn cổ phần của CTCP Xi măng Cẩm Phả, đồng thời ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) để triển khai Dự án StarCity Center tại lô đất HH Khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội).

Dự kiến, hai thương vụ này sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý IV, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của VCG.

Hai doanh nghiệp khác trong HNX30 có lỗ lũy kế là CTCP Đầu tư Tài chính quốc tế và phát triển doanh nghiệp (IDJ) và CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL). Tính đến cuối tháng 9/2013, IDJ lỗ lũy kế 10,7 tỷ đồng, PVL lỗ lũy kế là 18 tỷ đồng.

 

>>HNX 30 là bước đầu của một bộ chỉ số

>>PV2 sẽ thay thế FLC trong rổ HNX30

>>HNX 30, chỉ số của thanh khoản và chuyển biến về chất