Uống bia rượu là lựa chọn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, Irish Times cho rằng ở góc độ cộng đồng, tiêu thụ lượng lớn đồ uống có cồn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe, xã hội và kinh tế.
Các Chính phủ đều nhận ra họ không thể chỉ dựa vào ý thức cá nhân để giảm thiểu những hậu quả, chi phí và ảnh hưởng từ tiêu thụ quá mức đồ uống có cồn.
Cấm quảng cáo sản phẩm này đang là một xu hướng trên thế giới. Hàng chục quốc gia tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ đã áp dụng biện pháp này.
Tháng 7/2012, Nga cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên TV, radio, Internet, phương tiện giao thông công cộng và biển quảng cáo ngoài trời.
Với báo in, lệnh cấm này được áp dụng chậm hơn nửa năm. Trong thời gian chuyển tiếp, họ cũng chỉ được đặt quảng cáo ở các trang trong. Dù vậy, các cửa hàng và kios vẫn có thể quảng cáo, BBC cho biết.
Lệnh cấm khi đó được đánh giá mạnh tay, nhưng cần thiết. Việc này nhằm giải quyết tình trạng người Nga tiêu thụ đồ uống có cồn gấp đôi mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Lệnh cấm này, cùng việc kinh tế Nga sau đó đi xuống, đã khiến thị trường bia nước này lao dốc năm 2013.
Trong khi đó, tại Pháp, theo luật Evin năm 1991, các quảng cáo về đồ uống có cồn (nồng độ trên 1,2%) không được phép xuất hiện trên TV hay rạp chiếu phim.
Với các hình thức khác, quảng cáo phải đi kèm thông điệp lạm dụng đồ uống có cồn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Quảng cáo không được nhằm đến giới trẻ.
Các công ty sản xuất cũng bị cấm tài trợ các sự kiện thể thao hoặc văn hóa, theo France24. Việc này đã khiến hãng bia Mỹ - Anheuser Busch không thể tài trợ cho France 98, dù đã vận động hành lang rất tích cực với Chính phủ Pháp.
Tại Thái Lan, việc quảng cáo được quy định trong Đạo luật Kiểm soát Đồ uống có cồn năm 2008. Theo đó, quảng cáo có thể bị cấm nếu trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến lợi ích hoặc khuyến khích tiêu thụ.
Sản phẩm hoặc nhãn sản phẩm cũng không được để lộ. Người vi phạm có thể bị phạt đến một năm tù hoặc nộp phạt hơn 14.000 USD, theo Xinhua. Năm 2015, nước này còn ra quyết định cấm bán đồ uống có cồn trong 5 ngày lễ tôn giáo tại Thái Lan.
Giới chức Iceland cũng cấm quảng cáo đồ uống có cồn, đồng thời nâng giới hạn tuổi được mua sản phẩm này lên 20. Ấn Độ cấm quảng cáo, nhưng không cấm tài trợ.
Còn tại Na Uy, lệnh cấm trên truyền hình đã tồn tại từ năm 1972 và hiện sản phẩm này bị cấm quảng cáo, tài trợ trên mọi kênh. Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 ra quy định tương tự. Thụy Điển, Lithuana cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Các biện pháp trên đã được chứng minh là có tác dụng. Tiêu thụ đồ uống có cồn của Pháp đã giảm 25% kể từ khi áp dụng. Na Uy và Iceland cũng giảm được nhanh và đáng kể việc uống bia rượu của người trẻ. Tại Iceland, tỷ lệ say xỉn giảm tới 90% trong 15 năm.
Dù vậy, tùy tình hình thực tế, các chính sách trên sau này vẫn có thể được sửa đổi cho phù hợp. Đầu tháng 4 năm nay, Nga cho biết sẽ nới lỏng lệnh cấm quảng cáo, cho đến hết World Cup mà họ là nước chủ nhà.
Nga dự tính chi khoảng 20 tỷ USD cho sự kiện này. Vì vậy, nới lỏng sẽ giúp họ hưởng lợi từ chi phí marketing mạnh tay của hãng bia AB InBev – nhà tài trợ bia chính thức của giải đấu.
Sự thay đổi này cho phép bia và đồ uống có bia được quảng cáo trên TV và báo in, miễn là nội dung liên quan đến thể thao. Các đối thủ của AB InBev, như Heineken hay Carlsberg cũng được dự báo hưởng lợi.
"Động thái trên sẽ thu hút thêm doanh thu tài trợ để hỗ trợ việc tổ chức và phát triển các sự kiện thể thao tại Nga", Thượng viện Nga cho biết.
Còn tại Pháp, một số quy định trong luật Evin cũng đã thay đổi, như được phép quảng cáo trên các biển quảng cáo ngoài trời, thậm chí tại một số điểm thi đấu thể thao.
Tháng 6/2015, Quốc hội nước này cũng đã bỏ phiếu thông qua một số sửa đổi khác. Những người ủng hộ cho rằng lệnh cấm đã đe dọa “văn hóa rượu vang lâu đời” của nước này. Họ muốn giới truyền thông được quyền “thông tin” về rượu vang cho công chúng, với lý do đây là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch và người mua nước ngoài.
Sửa đổi này nằm trong nhóm chính sách được thiết kế để kích thích nền kinh tế. Dù vậy, đến tháng 8, Hội đồng Hiến pháp – cơ quan có quyền cao nhất về hiến pháp tại đây – đã bác bỏ các sửa đổi trên, với lý do "không phù hợp".
Liên quan đến hoạt động quảng cáo, tiếp thị bia, rượu tại Việt Nam, dự án luật phòng, chống tác hại rượu, bia của Bộ Y tế mới đây được xem là sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong ngành.Theo đó, dự thảo đề xuất cấm khuyến mại rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; cấm dùng rượu bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cấm cung cấp rượu bia miễn phí.
Đồng thời, nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu rượu bia từ 15 độ trở lên. Loại dưới 15 độ thì cấm quảng cáo trên phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, kênh truyền hình, phim... có đối tượng người xem là trẻ em. Cấm quảng cáo bia trên mạng xã hội.
Dự thảo luật cũng đưa ra 3 phương án về thời gian cấm bán rượu, bia. Phương án 1 là chỉ được bán rượu, bia vào 11-14h và 17-22h hàng ngày; trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia 6-22h hằng ngày, trừ khu vực bay quốc tế và tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Bộ Y tế cũng đề xuất các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đóng góp để lập Quỹ nâng cao sức khỏe (từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá) nhằm có kinh phí cho các hoạt động phòng chống tác hại của rượu bia.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp rượu bia không đồng tình với đề xuất lập quỹ này; đồng thời cho rằng sản lượng rượu bia thời gian qua giảm, đang có xu hướng chững lại chứ không tăng.