Những người vươn ra từ mắt bão

Những người vươn ra từ mắt bão

Dân tộc Việt Nam có một sức vươn kỳ lạ. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước và sức sáng tạo lại bừng dậy. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hôm nay cũng đang trong tâm thế ấy.Sự hồi sinh từ đầu con sóng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tôi cùng dự một cuộc gặp mặt đầu năm với một số doanh nhân khi biết câu hỏi phỏng vấn dành cho ông là sức vươn của doanh nghiệp Việt Nam trong năm Giáp Ngọ.

Cũng có chủ ý khi đặt đề tài này với ông, bởi cách đây đúng 10 năm, tôi may mắn có dịp chứng kiến ông và những đồng sự của mình tại VCCI trăn trở, hoài thai cho hình tượng đại diện cho cộng đồng nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ, sau khi ông thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trao tặng chiếc cúp Thánh Gióng đầu tiên cho Thủ tướng Phan Văn Khải, người đã khai sinh ra Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) vào năm 2004, ông đã nói đại ý rằng, nếu nói đến doanh nhân Nhật Bản, người ta sẽ nhắc tới chữ tín, với doanh nhân Trung Quốc, có thể đó là tính cộng đồng, còn doanh nhân Việt Nam - đội ngũ còn mới mẻ, non trẻ nhưng lại có sức vươn nổi trội từ những hoàn cảnh đặc biệt - như hình tượng Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của lịch sử Việt Nam.

Chính sức vươn lạ kỳ đó đã tạo nên một đội ngũ doanh nhân Việt Nam của thời kỳ đổi mới, mở cửa với thế giới. Những tên tuổi doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam cho tới thời điểm này như Trương Gia Bình, Mai Kiều Liên, Trần Bá Dương, Cao Ngọc Dung, Phạm Việt Nga, Trần Lệ Nguyên… xuất hiện chính trong giai đoạn này…

Hóa ra, ông Lộc muốn tôi đi cùng trước khi bắt đầu câu chuyện về sức vươn của doanh nhân là vì sự xuất hiện của một doanh nhân - một tên tuổi khá danh tiếng của sự hứng khởi trước đó. Lâu lắm mới thấy vị doanh nhân này xuất hiện tại một nơi đông đúc. Trái ngược với vẻ phấn khích ra mặt như những ngày ăn nên làm ra vài năm trước, ông trầm ngâm ngồi nghe từng bài phát biểu của các chính khách, các chuyên gia kinh tế, của các doanh nhân khác về cơ hội và thách thức của nền kinh tế hội nhập sâu rộng và chủ động trong năm 2014. Nhưng lần này, ông  không né tránh những người quen cũ. “Việc cũ đã gọn gàng. Tôi đang tính đường trở lại”, ông nói.

Vài năm trước, sau khi những khoản nợ với những con số khủng của công ty phát lộ, ông gần như biến mất khỏi những cuộc hội thảo, những cuộc gặp gỡ, giao lưu mà ông luôn xuất hiện trong vai điển hình tiên tiến của sự phát triển mạnh bạo. Rồi nghe tin ông tìm được đối tác nước ngoài, gọi là bán cổ phần nhưng cũng như là một cách gán nợ, gọi điện hỏi, ông phớt lớt: “Tôi dị ứng với truyền thông”.

Hôm nay thì khác. Ông thẳng thắn: “Cả mớ bòng bong mà tôi đã tạo ra khi mở rộng quá nhanh, quá sức may cũng dần gỡ được. Người ngợm chân tay sứt sẹo cả. Nhưng may mà đầu óc giờ đã hanh thông, rõ ràng đường bước. Tôi không sợ nghe hai chữ đầu tư nữa và bắt đầu nhìn thấy những điều sáng sủa”, vị giám đốc chia sẻ về chuyện mà ông gọi là của một doanh nghiệp có lúc tưởng chừng góp mặt vào hơn 60.000 doanh nghiệp tạm ngừng đóng cửa, giải thể, phá sản trong năm 2013… Tuy nhiên, ông vẫn không muốn lộ diện trên mặt báo.

Thưa ông Vũ Tiến Lộc, sóng gió đã làm vơi đi đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân mà chúng ta đã mất bao năm nay mới tạo dựng được. Những người còn lại cũng không còn nguyên vẹn, liệu có đủ vươn lên?

Tôi nhìn sự trở lại của những doanh nhân sau những bầm dập những điều tích cực. Vẫn tên tuổi đó, hình dáng đó nhưng họ hoàn toàn khác với ông, bà doanh nhân một vài năm trước.

Họ khác vì đã hiểu rõ phần thưởng của người thắng cũng như sự trừng phạt nặng nề của thị trường nếu không tuân thủ đúng các chuẩn mực, những nền tảng của nó. Những doanh nghiệp, doanh nhân không trụ lại được cũng chính bởi sự nghiêm khắc và quyết liệt của thị trường.

Nhưng, sự thay đổi, sự biến mất hay khó khăn của các doanh nghiệp hiện tại đang tạo nên những thay đổi về thước đo, tiêu chí khi nhìn nhận về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Khi xu thế hội nhập đã biến ao nhà thành biển, biến sân nhà thành sân chung, thì để tồn tại và phát triển, doanh nhân Việt Nam không thể giữ thế của người nhìn từ ao ra biển. Sóng gió của biển cả kinh tế thế giới và cả Việt Nam đã buộc những người lái thuyền, người chèo đò phải trở thành thuyền trưởng.

Những doanh nhân bé hạt tiêu hôm nay có thể mạnh mẽ hơn nhiều người khổng lồ một thời ồ ạt trỗi dậy, ông đã từng nói như vậy?

Tôi cũng đã từng trong guồng quay đó. Hào hứng cổ vũ cho sự lớn nhanh như thổi của không ít doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, hào hứng đốt cháy giai đoạn với tham vọng có được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm khu vực và thế giới bằng những dự án tỷ đô, những tài sản tiền tỷ… mà không tỉnh táo nhìn ra nguồn gốc của những khoản tiền tỷ là những dự án, công trình có được do quan hệ, do cơ chế xin - cho… Trên một nền tảng không vững vàng, doanh nghiệp trồi lên nhanh, xuống cũng sụp rất nhanh.

Hiện giờ, khi chứng kiến những vị giám đốc tất tả lo lương, thưởng Tết cho người lao động, hợp đồng cho mùa tới, thậm chí cả những vị đang tính đường rút khỏi những lĩnh vực mà họ đầu tư ào ào theo phong trào…, tôi lại thấy họ mạnh hơn ông giám đốc bóng nhoáng vài năm trước.

Họ chính là người nói nhiều đến năng lực cạnh tranh một cách thực chất tự tin và mạnh mẽ, chứ vài năm trước, doanh nghiệp tăng trưởng vèo vèo nhưng có mấy ai dám nói mạnh về năng lực của mình. Sức vươn chính là từ đây - từ thực lực và sự trở lại với nền tảng là chuẩn mực thị trường.

Khác biệt và tinh tế - lợi thế người đi sau

Trong lần trò chuyện vào đầu năm 2013, ông Lộc đã chia sẻ quan điểm muốn đặt một chiếc đồng hồ đếm ngược tại trụ sở VCCI để nhắc các doanh nghiệp Việt Nam về thời điểm năm 2015.

Đây là thời điểm hiệu lực hoàn toàn của các cam kết trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Cũng thời điểm này, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang được hối thúc thành lập. Hàng rào thuế quan gần như được dỡ bỏ trong nội khối.

Nghĩa là năm 2014 sẽ là thời gian ít ỏi còn lại để các doanh nghiệp Việt Nam sốc lại đội hình. Trong khi để một ngành có được năng lực cạnh tranh đòi hỏi không chỉ nguồn lực, thời gian mà cần cả sự hậu thuẫn mang tính chiến lược của cơ chế, chính sách. Các điều kiện cần và đủ cho sự cải thiện năng lực cạnh tranh vẫn yếu trong khi áp lực cạnh tranh quá mạnh, cộng với nhiều bài học biến cơ hội thành… thách thức sau 7 năm gia nhập WTO  khiến ông Lộc sốt ruột.

Giờ ông còn muốn đặt chiếc đồng hồ mang tính cảnh báo đỏ nữa không?

Không, vì trong tay từng doanh nghiệp, doanh nhân đều đã có chiếc đồng của mình. Chiếc đồng hồ này không chỉ mang tính cảnh báo, mà còn là quyết định sự sống còn của từng doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp hành động và hành động.

So với nỗi lo ngại của một số chuyên gia kinh tế khi nhìn về cơ hội và thách thức của hội nhập, có vẻ như ông thuộc nhóm người lạc quan?

Tôi rất muốn kể về những lễ ký kết đối tác chiến lược, những kế hoạch bắt tay với đối tác lớn tầm khu vực và toàn cầu, thậm chí cũng có sự vượt lên của các doanh nghiệp nội trong cuộc chơi này.

Nghe nói Alphanam đang bàn chuyện với nhà đầu tư Israel để làm nông nghiệp công nghệ cao, Phú Thái cũng lên kế hoạch bắt tay với tỷ phú Thái Lan để chỉnh lại chiến lược phân phối, mở rộng và nâng cao năng lực những cái mình đang có… Rồi nhiều doanh nghiệp đã lên xong kế hoạch chuyển giao, đào tạo người kế nhiệm…

Nhiều doanh nghiệp đã sốt sắng tìm kiếm cơ hội mới không chỉ với AFTA, ACFTA, mà còn với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA VN-EU) dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2014 này. Họ thấy dư địa lớn cho những người đi sau khi bắt tay với các đối tác của thế giới.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức tham gia cuộc chơi với các chuẩn mực cao nhất của nền kinh tế thị trường. Nhưng theo tôi, doanh nghiệp lớn lên nhờ quan hệ, chụp giựt, đầu cơ, những doanh nghiệp với tư duy ao làng, chăm chăm giữ miếng bánh của mình không hợp với cuộc chơi này. Sự ra đi của những doanh nghiệp này cũng hợp lẽ.

Nhưng thực tâm, doanh nghiệp Việt vẫn đang ở thế yếu trong cuộc chơi này?

Sau một thời gian tăng trưởng nhanh, thấy thế giới to lớn, hiện đại, chúng ta cũng muốn to lớn, hiện đại, nhưng cuộc chạy đua về công nghệ, về quy mô thời gian qua đã cho các doanh nghiệp một bài học rằng, nếu cùng chạy như họ, khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam và thế giới sẽ càng doãng rộng.

Con đường thu hẹp nhanh nhất, sức vươn mạnh nhất của người đi sau chỉ có thể đến từ sự khác biệt. Không phải ngẫu nhiên mà thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ lại dành tới 1/3 để nói về nông nghiệp. Lợi thế của xã hội Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam là nông nghiệp. Vấn đề là cách làm. Tại sao lại cứ muốn doanh nghiệp hóa hộ nông dân, công nghiệp hóa nông thôn mà không tạo cơ chế để hiện đại hóa, văn minh hóa nông nghiệp, nông thôn… Cách làm đúng, cả người nông dân, cả doanh nghiệp đều có lợi khi những chuyển dịch trong đầu tư vào nông nghiệp có thể sẽ bắt đầu ngay trong năm 2014, khi TPP được ký kết…

Trong những sự khác biệt, con đường chưa ai đi mà ông Lộc cho rằng là điểm mạnh của kinh tế Việt Nam, có một điều khá lý thú khi ông nói về tình trạng chưa đi quá sâu vào nền kinh tế hiện đại của Việt Nam. Chính giai đoạn này, những sự tinh tế của văn hóa truyền thống trong từng con người, từng vùng đất, từng sản phẩm vẫn đậm đà nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Bởi vậy, khi ông đặt vấn đề rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thuyết phục thế giới bằng sự khác biệt về văn hóa, xã hội, về bề dày truyền thống của mình một cách tinh tế qua các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến, sản phẩm làng nghề, sản phẩm du lịch; có thể áp dụng công nghệ mới gắn với sự tinh tế của sản phẩm mang địa danh Việt Nam để ghi tên trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu…, tôi tin là có thể.

Trên thế giới, đã có những nền kinh tế đi vào hội nhập không phải bằng thương hiệu quốc gia, không bằng những tập đoàn lớn mà bằng kỹ năng, kỹ thuật, bằng sự không thể thay thế. “Hãy để thế giới mỗi sáng dậy nhớ mùi cà phê của Trung Nguyên, bằng đôi dép của Bitis, bằng lụa Thái Tuấn…”, ông nói.

Nơi neo giữ hồn cốt

Lịch sử luôn có những dấu ấn đặc biệt. Năm 2014 sẽ là một năm mang nhiều dấn ấn trong những trang sử còn rất ngắn gọn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định trong Hiến pháp. Năm kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nếu như mọi dự liệu của các chuyên gia kinh tế trở thành hiện thực, thì năm nay cũng là năm cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sánh vai cùng các cường quốc lớn nhất trong sân chơi TPP… Cùng với những quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế, quan điểm Nhà nước kiến tạo phát triển xuyên suốt từ người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang nắm trong tay nhiều cơ hội lớn…

Ông Lộc muốn chia sẻ nhiều về sự chính danh của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp. Không phải vì ông là một trong số ít đại biểu Quốc hội kiên trì nhất với đề xuất đưa doanh nhân vào nội dung của khoản 3, Điều 51, Hiến pháp sửa đổi, mà ông thực tâm tin rằng, từ đây, sẽ có ánh đèn hải đăng dẫn hướng cho con thuyền doanh nghiệp…

Còn nhớ, vào khoảng năm 2004, cũng trong một buổi phỏng vấn về những cơ sở để VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Chính phủ chọn ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Lộc đã kể về hành trình đi tìm định nghĩa doanh nhân trong lịch sử và từ điển Việt Nam, để rồi phát hiện ra rằng, cả một thời gian dài, hai chữ doanh nhân không những không tồn tại trong đời sống chính trị, xã hội Việt Nam, mà còn bị quên lãng trong cả từ điển tiếng Việt.

Chính danh trong Hiến pháp chắc chắn là là một dấu mốc quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam?

Không chỉ vậy, với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt, doanh nghiệp, doanh nhân đã được hiến định trong Hiến pháp. Điều này là vô cùng quý giá.

Nên VCCI mới kiên trì với những công việc đặc biệt như đề xuất  một ngày dành riêng cho doanh nhân, một Nghị quyết của Đảng về doanh nhân. Hình như trên thế giới không có quốc gia nào làm thế?

Lịch sử phát triển của Việt Nam với những đặc thù riêng.  Trong quá trình đó, các thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã phải trải qua nhiều bước thăng trầm. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp, chỉ được coi là con buôn, con phe trong nền kinh tế kế hoạch hóa… Trong quá trình đổi mới kinh tế, không phải ngay từ ngày đầu, doanh nhân đã được xác định vị trí đúng đắn là đội quân xung kích trong phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, sự hiến định doanh nhân trong Hiến pháp chính là sự neo giữ vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cũng như nhiều lần phỏng vấn trước về sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt, ông Lộc đọc lại bức thư 200 chữ của Hồ Chủ tịch gửi giới công thương trong ngày 13/10/1945. Thư viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Từ mốc dấu đó đến khi doanh nhân có một ngày cho riêng mình là 59 năm, đến khi doanh nghiệp, doanh nhân được chính danh trong Hiến pháp là 69 năm… Và chặng đường vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn đang tiếp tục tạo nên những bước phát triển mới cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan