Những người nghèo nhất thế giới đang phải chịu "một cơn bão hoàn hảo"

Những người nghèo nhất thế giới đang phải chịu "một cơn bão hoàn hảo"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp hầu hết các châu lục.

Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo mới nhất đến vào thời điểm diễn ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc cho thấy có tới 783 triệu người bị đói trong năm ngoái do hậu quả của xung đột, Covid và khí hậu. Chỉ trong tuần trước, giá lúa mì đã tăng 13% và ngô tăng 9% sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Tuy nhiên, lệnh cấm của Ấn Độ có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khó khăn hơn đối với những người nghèo nhất thế giới.

Ẩn đằng sau đó là hiện tượng El Nino đang nổi lên, có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường lương thực vốn đã mong manh và khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Elyssa Ludher, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS–Yusof Ishak cho biết: “Tác động toàn diện đến năng suất nông nghiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng El Nino. Nhưng thách thức là nó đang đến cùng với các sự kiện khí hậu và địa chính trị khác vốn đã gây ra tổn thất sản xuất và gián đoạn nguồn cung… vì vậy nhìn chung, đây là một tình huống đáng lo ngại”.

Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan - tiêu chuẩn châu Á - đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020

Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan - tiêu chuẩn châu Á - đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020

Châu Á - trung tâm của an ninh lương thực

Ở châu Á, mô hình thời tiết El Nino có liên quan đến lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng cao, đây vốn là một tin xấu ở khu vực trồng khoảng 90% lượng gạo trên thế giới. Trong khi Ấn Độ cho đến nay là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, chiếm 40% thị trường toàn cầu, khoảng 15% nguồn cung đến từ Thái Lan và 14% từ Việt Nam.

Các thị trường này xuất khẩu gạo sang các quốc gia khác nhau như Iran, Ả Rập Xê Út, Benin, Nepal và Mỹ, và các chuyên gia cho biết, tình trạng thiếu hụt gạo sẽ có “tác động rất lớn” trên toàn cầu đối với nguồn lương thực sẵn có, khả năng chi trả và tình trạng suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho biết: “Châu Á thực sự là vựa lúa toàn cầu, là trung tâm của vấn đề an ninh lương thực dựa vào lúa gạo. Nếu chúng ta không thể quản lý cả năng suất và chất lượng khi đối mặt với các mối đe dọa khí hậu, chẳng hạn như El Nino, thì điều đó sẽ tạo ra các vấn đề về an ninh lương thực trên toàn cầu”.

Lúa là loại cây trồng đặc biệt nhạy cảm. Trong giai đoạn cây con, nhiệt độ tối ưu là từ 25 - 28°C, sau đó tăng lên từ 28 - 30°C trong quá trình nảy mầm, và bất kỳ sự gia tăng nhiệt độ đáng kể nào, đặc biệt nếu kéo dài đều ảnh hưởng đến năng suất.

Một nghiên cứu của IRRI đã phát hiện ra rằng, cứ mỗi 1°C tăng đột biến ở nhiệt độ trung bình vào ban đêm thì năng suất lúa sẽ giảm 10%. Nhiệt độ tăng cao ở các giai đoạn sau cũng ảnh hưởng đến chất lượng, làm tăng tích tụ tinh bột và bị bạc bụng.

Mặc dù điều này có thể được giảm bớt bằng cách tưới tiêu tốt, El Nino cũng thường ảnh hưởng đến lượng mưa – một mối lo ngại sau khi phần lớn châu Á đã bị ảnh hưởng bởi những đợt nắng nóng thiêu đốt, khiến mùa gieo cấy lúa ở một số quốc gia bị trì hoãn. Mùa gió mùa ở Ấn Độ diễn ra thất thường - nặng hạt ở một số nơi và đặc biệt khô hạn ở những nơi khác - trong khi Thái Lan có lượng mưa ít hơn 28% so với bình thường trong năm nay.

Charles Hart, nhà phân tích kinh doanh nông nghiệp tại BMI Research cho biết: “Gạo nói chung là loại cây trồng cần nhiều nước, vì vậy thời tiết khô hơn bình thường rõ ràng là bất lợi đối với năng suất cây trồng. Việc trồng lúa tương đối tốn nhiều công sức. Ở châu Á, sản xuất gạo không được cơ giới hóa đặc biệt, vì vậy hiệu ứng nhiệt đối với lao động cũng có thể rõ rệt”.

Hiện tượng El Nino

Tác động của hiện tượng El Nino đặc biệt khó chịu đối với sản xuất lúa gạo toàn cầu đã từng được ghi nhận trước đây. Khi El Nino tấn công vào năm 2015, mang theo nhiệt độ thiêu đốt và hạn hán kéo dài đến Đông Nam Á, vụ lúa của khu vực đã bị khô héo.

Thời tiết khắc nghiệt đã làm mất 15 triệu tấn ngũ cốc, chiếm khoảng 1/4 lượng xuất khẩu toàn cầu và đẩy giá tăng 16%. Trên toàn thế giới, tác động của El Nino đối với nông nghiệp và khả năng chi trả đã đẩy 60 triệu người đến tình trạng mất an ninh lương thực.

Các quốc gia đã thực hiện các bước để giảm thiểu hậu quả, các nhà nhập khẩu bao gồm Trung Quốc và Philippines tích cực dự trữ nguồn cung.

Trong khi đó ở Thái Lan, các nhà chức trách đã yêu cầu nông dân chuyển đổi và trồng nhiều sản phẩm chịu hạn hơn thay vì vụ lúa thứ hai trong năm nay để tiết kiệm nước. Và ở Indonesia, nông dân đã cố gắng gieo trồng sớm hơn, hy vọng lúa sẽ sẵn sàng cho thu hoạch trước khi El Nino tàn phá lượng mưa.

Nhưng sự phân nhánh có thể kéo dài hơn năm nay. Nếu hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt nung nóng đất, nó có thể làm cho năng suất của vụ gieo trồng tiếp theo kém hơn, trong khi một vụ mùa thất bát có thể ảnh hưởng đến khả năng mua thêm hạt giống và phân bón của nông dân – một số người thậm chí có thể phải bán đất để trả nợ.

“Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hiện tượng El Nino mạnh mẽ có thể gây ra hậu quả trong nhiều năm, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nó”, nhà phân tích Charles Hart cho biết.

Những nỗ lực để phát triển các giống lúa chịu hạn và chịu nhiệt cũng đang được tiến hành. Ở Bangladesh, IRRI là tổ chức đi đầu trong việc lai tạo các giống lúa mới trong nhiều thập kỷ đang triển khai thử nghiệm một loại hạt giống chịu được nhiệt độ cao hơn. Cho đến nay kết quả rất hứa hẹn, cho năng suất cao hơn 4,6 đến 4,8 cup (1 cup gạo = 200 gam) so với các giống khác trong thời tiết nóng.

Tiến sĩ Sreenivasulu cho biết: “Vì vậy, chúng tôi muốn định vị các giống này trên khắp châu Á, trong khi nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm, việc triển khai có thể sẽ không kịp thời để chống chọi với El Nino sắp tới. Nhưng tần suất của các cú sốc khí hậu ngày càng tăng, không chỉ El Nino, vì vậy chúng tôi thực sự cần các biện pháp can thiệp mới để đảm bảo canh tác lúa gạo bền vững”.

Lúa là cây trồng chính trị

Các chuyên gia cho rằng, sẽ mất vài tháng trước khi mức độ nghiêm trọng của El Nino và sự phân nhánh đối với nguồn cung gạo và các hoạt động nông nghiệp khác sẽ xuất hiện. Hiện tại, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ gây ra một cú sốc lớn hơn đối với chuỗi lương thực toàn cầu.

Giá gạo tại Ấn Độ đã tăng 11% trong 12 tháng qua và gạo trắng non-basmati chiếm khoảng 1/4 lượng xuất khẩu của nước này. Đây là nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước trước cuộc bầu cử vào năm tới.

Kết hợp với các hạn chế khác đối với gạo tấm đã được áp dụng, 40% xuất khẩu của Ấn Độ tương đương với 10 triệu tấn gạo hiện đang “ngoại tuyến”. Con số đó tương đương với gần 1/5 thị trường quốc tế, đạt 55,4 triệu tấn vào năm 2022.

Cũng có những lo ngại về vụ thu hoạch nội địa của Ấn Độ; diện tích trồng lúa vụ hè giảm 26% so với một năm trước sau khi gió mùa ảnh hưởng nặng nề đến một số vùng, còn những vùng khác thì không.

Shirley Mustafa, nhà kinh tế của FAO cho biết: “Gạo được gọi là cây trồng chính trị, cụ thể là vì sự can thiệp của chính phủ vào thị trường lương thực toàn cầu là phổ biến. Việc sản xuất sẽ giảm cùng với El Nino không phải là điều chắc chắn…, nhưng sự can thiệp của chính phủ để chuẩn bị cho nó hoặc cho các yếu tố khác, có thể có tác động đáng kể đến nguồn cung và khả năng chi trả”.

Theo phân tích từ BMI Research, quyết định của Ấn Độ sẽ có “tác động quan trọng” đối với xu hướng lúa gạo toàn cầu, đặc biệt là sau khi sản lượng thâm hụt vào năm 2022/2023.

Báo cáo của BMI Research cho biết: “Cùng với những rủi ro từ phía cung liên quan đến El Nino, chúng tôi cho rằng lệnh cấm xuất khẩu sẽ gây áp lực tăng giá”.

“Cơn bão hoàn hảo” cho những người nghèo nhất thế giới

Ấn Độ cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia và vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất khác có thể lấp đầy khoảng trống do chính sách của Ấn Độ tạo ra hay không.

Theo nhà phân tích Charles Hart, mặc dù lượng gạo tồn kho toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới – một số người đã ước tính lượng gạo dự trữ ở mức thấp nhất trong 6 năm qua, khoảng 170 triệu tấn vào cuối năm nay – nhưng đó không hẳn là vấn đề lớn nhất.

Thay vào đó, giá gạo tăng đồng nghĩa với việc nhiều người “sẽ không có khả năng chi trả” cho những mặt hàng thiết yếu đó, đẩy họ đến chỗ đói và tác động đặc biệt nặng nề đến cả các nước châu Phi và các nhà nhập khẩu lớn như Malaysia, Philippines và Indonesia.

Điều này sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn khi thỏa thuận thương mại Biển Đen giữa Nga và Ukraine bị phá vỡ, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì và ngô và thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các loại ngũ cốc thay thế.

Năm ngoái, giá gạo tăng do nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón hạn chế - Nga và Ukraine cũng là những nhà sản xuất chính - đã đẩy vùng Sừng châu Phi đến gần nạn đói.

David Ubilava, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Sydney cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một cơn bão hoàn hảo. Sự can thiệp này ở Ấn Độ xảy ra trùng với một vấn đề khác ở khu vực Biển Đen, ảnh hưởng đến lúa mì, một loại lương thực chính khác… và hiện tượng El Nino đang phát triển này".

“Khi giá của các mặt hàng thiết yếu tăng lên, điều đó chỉ khiến cuộc sống của mọi người trở nên tồi tệ hơn”, ông cho biết.

Tin bài liên quan