Sau 3 tháng điều chỉnh liên tục với mức giảm đến 19,7% trong quý II, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lấy lại cân bằng và phát đi tín hiệu tích cực từ tuần cuối tháng 7. Tín hiệu đầu tiên có thể nhìn thấy là chỉ số VN-Index vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm cùng với thanh khoản cải thiện trong một số phiên gần đây. Tuy nhiên, với lớp nhà đầu tư trót “đu đỉnh” và trải qua quãng thời gian nhiều biến động, việc theo dõi và quyết định “xuống tiền” vẫn còn nhiều ngần ngại.
Đầu tư trong môi trường lãi suất tăng
Nhà đầu tư trong nước tiếp tục phải lo lắng về các rủi ro bên ngoài, bao gồm lạm phát tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và suy thoái toàn cầu. Tất cả những rủi ro này có thể tác động không tích cực tới thị trường Việt Nam và dẫn tới những hệ quả như kim ngạch xuất khẩu giảm sút, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND và nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát cao.
Song hành cùng áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng đang có dấu hiệu rục rịch tăng sau 2 năm ở mức thấp kỷ lục. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã tăng trung bình 0,5 - 1%/năm so với đầu năm cho các kỳ hạn 6 -12 tháng. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đã cao ngang mức trước dịch Covid-19, lên 3,54%/năm.
Kiềm chế lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và thắt chặt chính sách tiền tệ (nâng lãi suất điều hành) là cách thức ngân hàng trung ương áp dụng nhằm đạt được mục tiêu trên.
Diễn biến Vn-Index và lãi suất huy động. Nguồn: IMF. |
Ông Trần Lê Minh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Dragon Capital chia sẻ: “Thực tế từ năm 2012 - 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 8 lần điều chỉnh lãi suất thị trường mở (OMO), chúng tôi kỳ vọng lãi suất trên thị trường mở sẽ khoảng 4,5%/năm vào cuối năm nay, khi đó chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng và lãi suất đi vay cũng tăng theo”.
Theo ông Minh, bối cảnh như vậy sẽ không ủng hộ cho sự phát triển của thị trường cổ phiếu và “chúng ta phải chấp nhận một thực tế là trải qua giai đoạn tương đối trầm lắng của thị trường”.
Trong bối cảnh còn nhiều rủi ro rình rập và môi trường lãi suất cao, việc lựa chọn được nhóm ngành ít chịu tác động, thậm chí hưởng lợi khi lãi suất tăng là điều nhà đầu tư luôn mong muốn để hạn chế rủi ro đầu tư.
Những nhóm ngành được “gọi tên” nửa cuối năm
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, một số ngành có lượng tiền ròng lớn có thể hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất tăng, trong đó, ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất.
Một số nhóm ngành hưởng lợi khi lãi suất tăng. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: FiinPro Agriseco ước tính. |
Với khối bảo hiểm nhân thọ, hiện trên sàn có duy nhất một doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH). Mặt bằng lãi suất cao giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 10 năm) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, qua đó, giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp về phân tích độ nhạy, lãi suất chiết khấu tăng 0,25% làm giảm tới 1.000 tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học của BVH, qua đó, làm tăng 800 tỷ đồng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.
Với bảo hiểm phi nhân thọ, quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay chiếm khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm gần 70%, trong khi trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời đầu tư của nhóm này sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Agriseco ước tính, nếu lãi suất tăng 1%/năm sẽ giúp lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%.
Một số ngành khác được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất tăng do nắm giữ lượng tiền mặt lớn, ít vay nợ như thiết bị, dịch vụ và phân phối dầu khí; bia và đồ uống; sản xuất dầu khí; vận tải…
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng nhờ duy trì được lượng tiền và tiền gửi ổn định khi có các khoản doanh thu chưa thực hiện lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nắm giữ quỹ đất sẵn sàng cho thuê.
Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, nửa cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ vào nhu cầu đất công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa và giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8 - 20% so với cùng kỳ, tùy khu vực.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp, mã BCM) dự kiến tăng 239% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ chuyển nhượng 18,9 ha đất thương mại tại Thành phố mới Bình Dương cho CapitalLand.
Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty IDICO (mã IDC) dự kiến tăng 266% so với cùng kỳ nhờ thay đổi phương pháp hạch toán từ ghi nhận đều sang ghi nhận một lần tại Khu công nghiệp Phú Mỹ mở rộng và cho thuê mới tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh. Nếu thương vụ mua bán 30 ha tại Khu đô thị Tràng Cát thành công, lợi nhuận ròng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) trong 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Với ngành ngân hàng, nhóm có tỷ trọng lớn nhất thị trường, một số yếu tố mới xuất hiện được đánh giá tạo lực hỗ trợ. Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định bức tranh của ngành này là lạc quan sau khi kết quả kinh doanh quý II/2022 được công bố. Kỳ vọng room tín dụng sẽ được mở rộng sau khi tín dụng trong 6 tháng qua ở các ngân hàng thương mại gần như đã chạm trần.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước nới room trong thời gian tới cũng là tín hiệu cho thấy một cách rõ nét chính sách điều tiết tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có những động thái nhằm kìm hãm lạm phát.
Cùng chung quan điểm, SSI đánh giá tích cực trong ngắn hạn đối với ngành ngân hàng, khi các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao trong 6 tháng cuối năm 2022, do Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng (nếu điều kiện thích hợp) và NIM ổn định so với năm 2021.
Trong khi đó, rủi ro từ nợ tái cấu trúc do Covid-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Tổng dư nợ các khoản vay tái cơ cấu do Covid-19 vào cuối tháng 4 là 198.000 tỷ đồng (chiếm 1,8% tổng tín dụng, giảm 24% so với đầu năm). VCB và BID thậm chí còn cho thấy dư nợ các khoản vay tái cơ cấu đã giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ chung của ngành, với mức giảm lần lượt là 62% và 31% so với đầu năm.
SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng ở mức 38 - 39%.
Ngoài ra, sau nhiều đợt sụt giảm mạnh, một số cổ phiếu đã có chiết khấu lớn (so với đỉnh tháng 1/2022) đến mức khó có khả năng giảm mạnh hơn nữa là bộ ba chứng khoán (-50%), bất động sản (-30%), thép (-60%). Do đó, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho những nhà đầu tư dài hạn vì thời điểm này, các cổ phiếu tiềm năng đã có mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với trước.
Về chiến lược hành động, đây đã là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn với tỷ suất sinh lời hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh và điều chỉnh cũng là cơ hội để lướt sóng. Tuy nhiên, trong giai đoạn biến động nhà đầu tư nên chỉ nên giải ngân khi cơ hội đã thực sự hấp dẫn, hướng tới các cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh khả quan, tích lũy dần về danh mục cân bằng giữa tăng trưởng và giá trị.