Trong 11 nhóm ngành của các doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), các doanh nghiệp ngành xây dựng dường như ăn nên làm ra nhất. Số liệu của HNX cho thấy, trên 237 doanh nghiệp niêm yết đã nộp báo cáo tài chính, trong đó nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng đạt lợi nhuận năm 2017 tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó. Mức lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành năm 2017 đạt 3.455 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là 1.705 tỷ đồng.
Lợi nhuận của ngành bất động sản có mức tăng trưởng lớn thứ hai, đạt 48,2%, từ mức 1.084 tỷ đồng lên 1.607 tỷ đồng. Ngành ngân hàng có mức lợi nhuận tăng trung bình 31%, đạt 5.563 tỷ đồng.
Asian Bankers, tạp chí quốc tế uy tín chuyên về ngân hàng, tài chính gần đây đã đưa ra nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động tích cực, thể hiện ở tỷ suất tăng trưởng tài sản của Việt Nam cao nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Còn về lợi nhuận, các ngân hàng nội địa đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng 37,4%.
Đặc biệt, khá nhiều chỉ số được ghi nhận cho thấy xu hướng phát triển bền vững. Đơn cử, tỷ lệ tiết kiệm/huy động tăng trưởng bùng nổ, lên tới 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016; trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 18%.
Mặc dù thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ lệ chi phối, nhưng trong cơ cấu doanh thu của một số ngân hàng, phí dịch vụ đã gia tăng tỷ trọng đáng kể, tới xấp xỉ 20%. Cũng nhờ huy động tốt và cải thiện tích cực trong hoạt động của các doanh nghiệp mà thanh khoản của hệ thống duy trì ở mức cao.
Có quan điểm khá tương đồng về những con số trên, khi công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2018, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report đánh giá cao ngành bán lẻ.
Trong Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, đây là ngành có tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 3 năm từ 2013 – 2016 với mức tăng gần 30% so với giai đoạn 2012 – 2015, nằm trong Top 3 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, viễn thông, tin học, công nghệ thông tin và cơ khí giữ vững vị thế tăng trưởng với CAGR bình quân ở mức cao trên 50%. Dẫn đầu thị trường với số doanh nghiệp đông nhất toàn bảng năm nay là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản – chiếm 29% tổng số doanh nghiệp.
Đánh giá về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong 3 năm tiếp theo, Vietnam Report cho rằng, Top 5 ngành triển vọng nhất được các doanh nghiệp đánh giá là nông nghiệp sạch, công nghệ thông tin, công nghệ sạch, bán lẻ, du lịch - khách sạn.
Một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế thể hiện rõ nét niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là hơn 70% doanh nghiệp phản hồi sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong năm nay.
Các doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là yếu tố đóng góp nhiều nhất đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FAST500 cho rằng chính tiềm năng phát triển của thị trường trong nước, thị trường khu vực cùng với những cải thiện từ môi trường đầu tư, kinh doanh và thủ tục chính sách đã tạo nên thuận lợi cho tăng trưởng của doanh nghiệp trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường hiện có, phát triển các dòng sản phẩm mới và phát triển các phân khúc thị trường mới cũng là những yếu tố được doanh nghiệp chú trọng và đã đạt hiệu quả đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu của HNX cũng như quan sát hoạt động của các doanh nghiệp có thể thấy sự phân hóa ngày càng lớn. Trong cùng một nhóm ngành triển vọng nhưng có nhiều doanh nghiệp lỗ, thậm chí lỗ nhiều hơn so với năm trước đó. Cụ thể, có 39 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ là 1.320 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp trong ngành bất động sản có tổng lỗ tăng 127,2 tỷ đồng
Các ngành khai khoáng và dầu khí có tổng lỗ tăng 418,1 tỷ đồng; công nghiệp tổng lỗ tăng 199,9 tỷ đồng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tổng lỗ tăng 45,7 tỷ đồng.
Thực tế này cho thấy, tiềm năng thị trường rộng mở, nhưng áp lực cạnh tranh đang ngày gay gắt hơn. Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh là một thách thức rất lớn.
Các doanh nghiệp FAST500 cho rằng, hai nhóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất phải “kiêng dè” trong năm nay là các doanh nghiệp nội địa lớn đứng đầu (50% phản hồi) và các tập đoàn đa quốc gia từ các nước phát triển đang tích cực gia nhập thị trường Việt Nam (41,2% phản hồi).