Tái cơ cấu ngân hàng năm 2017 có phần chững lại, song từ đầu năm đến nay lại có chuyển biến. Ông đánh giá thế nào về tái cơ cấu ngân hàng thời gian qua?
Thực tế, năm 2017 là năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung xây dựng thể chế để có thể đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Thành tựu lớn nhất là Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được thông qua. Đây là những văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, có ý nghĩa rất lớn đối với tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, tháng 7/2017, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu giai đoạn I, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn II (2016 - 2020).
Rõ ràng, NHNN đã có những bước đi pháp lý rất cần thiết để chuẩn bị cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, có thể thấy rằng, từ chỗ đứng trước bờ vực phá sản, đổ vỡ, bức tranh hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên sáng sủa hơn.
Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng nhỏ đã tìm đối tác sáp nhập. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Đây là tín hiệu tốt. Từ cuối năm 2017 đến nay, những ngân hàng yếu kém, có nợ xấu lớn cuối cùng của hệ thống đang được tích cực xử lý.
Tất nhiên, trong quá trình hoạt động, có thể có những ngân hàng sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn do rủi ro thị trường, do những người đứng đầu quản trị sai, phải trả giá… Song về cơ bản, những ngân hàng yếu kém cuối cùng của hệ thống đang dần được xử lý dứt điểm.
Sau gần 10 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Với tiến độ như hiện nay, liệu chúng ta có thể “dọn” được 600.000 tỷ đồng nợ xấu trong 5 năm như mục tiêu đề ra, thưa ông?
Cái được lớn nhất của Nghị quyết 42/2017/QH14 là đã tạo được sự bình đẳng giữa người đi vay và người cho vay, xóa tan tâm lý tiền ngân hàng là tiền chính phủ như trước.
Bên cạnh đó, việc thu giữ một số tài sản đảm bảo lớn sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 đi vào cuộc sống cũng giúp dư luận hiểu thêm về quyền lợi người cho vay, từ đó đảm bảo an toàn hệ thống tiền gửi, song vẫn đảm bảo quyền của người bị thu giữ tài sản.
Do mới triển khai chưa đầy 1 năm, nên xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy vậy, với sự thay đổi căn bản trong nhận thức về hoạt động kinh tế liên quan đến ngân hàng, tôi cho rằng, nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn thời gian tới, đồng thời giúp ý thức trả nợ tốt hơn trong tương lai.
Tháng 7 tới, NHNN sẽ sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, chỉ ra những vướng mắc để tháo gỡ. Hy vọng, trong vòng 5 năm Nghị quyết có hiệu lực, 600.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được xử lý triệt để.