Những ngân hàng sập bẫy "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Những ngân hàng sập bẫy "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Với lòng tham lãi suất, nhiều ngân hàng đã gửi hàng nghìn tỷ vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để ăn lãi chênh lệch theo dụ dỗ của Huỳnh Thị Huyền Như. Hậu quả là các ngân hàng bị lừa hàng nghìn tỷ đồng.

Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như, siêu lừa gần 4000 tỷ đồng cùng 22 đồng phạm với 2 tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Cùng với những thủ đoạn xảo quyệt của Như cùng đồng bọn thì chính lòng tham lãi suất chênh lệch đã khiến nhiều ngân hàng vi phạm pháp luật, gửi hàng nghìn tỷ vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) theo dụ dỗ của Huỳnh Thị Huyền Như dẫn đến hiệu quả bị lừa mất hàng nghìn tỷ đồng.

Sự việc bắt  đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng VietinBank Chi nhánh TPHCM, Như đã vay hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam và An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Như không có khả năng thanh toán.

 

Ngân hàng ACB bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như ''ẵm'' mất 719 tỷ đồng.

 

Vì vậy, để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 đến 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, Như đã làm giả 8 con dấu Chi nhánh Nhà Bè của ngân hàng này và 7 công ty khác, đồng thời làm giả tài liệu của VietinBank cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng hơn 4.911 tỷ đồng.

Cụ thể, Như lần lượt làm giả 8 con dấu doanh nghiệp và 2 con dấu chức danh là: Ngân hàng Công thương, chi nhánh Nhà Bè; Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Phú Vinh; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát; Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên; Công ty Đức Minh Quang; Công ty An Lộc; Công ty Bảo hiểm toàn cầu; Công ty Chứng khoán Sài Gòn Beja; hai con dấu chức danh là Võ Tuấn Anh - Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhà Bè và Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Ngân hàng Công thương Nhà Bè.

Như và đồng bọn đã trực tiếp dùng các hợp đồng giả (với con dấu giả, chức ký giả) huy động vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán để vay vốn với những lời mời hết sức hấp dẫn như: Ngoài lãi suất 14% theo quy định còn trả thêm ngoài hợp đồng 8 - 10%/năm. "Mật ngọt" lãi suất đã kéo hàng loạt ngân hàng sập bẫy.

Dính lừa của Huỳnh Thị Huyền Như, ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), chi nhánh TP Hồ Chí Minh (TP HCM) mất 180 tỷ đồng. Theo Cáo trạng truy tố của VKSND Tối cao, đầu năm 2011, cần tiền trả số nợ lãi cao, Như gặp Huỳnh Hữu Danh, nhân viên Ngân hàng VIB chi nhánh TP HCM đề nghị được vay tiền của VIB bằng tài sản thế chấp là các hợp đồng tiền gửi của người thân, bạn bè Như vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè từ trước.

Được Danh đồng ý, Như đã làm giả 40 hợp đồng tiền gửi với số tiền ghi trên từng hợp đồng từ 16,8 tỷ đến 24,3 tỷ đồng, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn - Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để ký với 12 khách hàng là bạn bè, người thân của Như. Sau đó, Như dùng 40 hợp đồng tiền gửi giả này làm tài sản thế chấp, nhờ 12 người thân, bạn bè trên đứng tên ký 40 hợp đồng cầm cố vay của VIB chi nhánh TP Hồ Chí Minh hơn 480 tỷ đồng.

Với cù lừa ngoạn mục này, Như đã chiếm đoạt của VIB chi nhánh TP Hồ Chí Minh 180 tỷ đồng sau khi trả được cho VIB chi nhánh TP Hồ Chí Minh 300 tỷ đồng.

Tương tự như VIB chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) cũng bị ăn "quả đắng" của Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền bị lừa mất là 200 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến 2011, Như thông qua Đoàn Đăng Luật, Trưởng phòng nguồn vốn Navibank, Võ Anh Tuấn, Phó giám đốc Vietinkbank chi nhánh Nhà Bè huy động của Navibank thông qua 14 cá nhân là nhân viên ngân hàng này đứng tên để gửi hơn 1500 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất 16,5% đến 22,5%.

Đến tháng 7/2011, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1000 tỷ đồng, còn 500 tỷ chưa đến hạn quyết toán. Lúc này do Võ Anh Tuấn chuẩn bị chuyển công tác khỏi Vietinbank chi nhánh Nhà bè nên đã "gợi ý" Luật gặp Như để chuyển số tiền này vào Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh do Như mới được bổ nhiệm làm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

Đang lúc cần tiền trả nợ, Như đã đồng ý ngay với Luật nhận tiền gửi của Navibank với lãi suất 14% ghi trong hợp đồng. Để Navibank tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận 500 tỷ đồng trong 4 tháng. Tuy nhiên, Như giấu nhẹm việc phải trả cho Luật khoản lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Từ đó, Như "ẵm" mất 200 tỷ đồng của Navibank.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng thông qua 19 nhân viên để gửi tổng số tiền 719 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất 17,8 đến 18,5%/năm theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như chiếm đoạt toàn bộ.

Tương tự, ba công ty là Công ty đầu tư TNHH Phúc Vinh; Công ty CP Đầu tư Thịnh phát và Công ty CP Thương mại & Đầu tư Hưng Yên gửi hơn 2.500 tỷ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 18% đến 22%/năm theo thỏa thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như chiếm đoạt gần 1.600 tỷ đồng.

Bản Cáo trạng của VKSND Tối cao kết luận hành vi phạm tội của các đối tượng ở các ngân hàng trên là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, trong quá trình điều tra, với vụ việc tại Ngân hàng ACB, Bộ Công an đã khởi tố 6 người gồm ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB); ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ  và Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB, do có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Với các đối tượng khác tại các ngân hàng vi phạm, các cơ quan pháp luật đang xem xét để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.