Trong đó, VPBank, ACB và VIB là những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
VIB vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu suất Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục đạt trên 30%. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của VIB đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ.
Cụ thể, tổng doanh thu tăng trưởng 21%, tiếp tục cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động 17%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) của VIB xuống còn 34%, thuộc nhóm ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí tốt nhất.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VIB đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 234 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%, riêng tiền gửi huy động từ khách hàng tăng trưởng hơn 15,3% đến từ việc gia tăng mạnh mẽ cơ sở khách hàng bán lẻ chất lượng.
Biên lãi ròng (NIM) đạt mức 4,5% nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Hiệu quả sinh lời (ROE) của VIB thuộc top đầu ngành với 3 năm liên tục đạt mức trên 30%. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%; Lợi nhuận năm 2022 tăng 32%, ROE liên tục đạt trên 30%.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tăng 22% so với đầu năm, chiếm 5,687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2.32% đầu năm lên 2.45%.
Với kết quả kinh doanh tích cực năm 2022, VIB cho biết, sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). VIB thường là ngân hàng tiến hành ĐHCĐ sớm nhất vào tháng 3.
Nếu phương án trên được đại hội thông qua và NHNN chấp thuận, dự kiến VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu cổ đông có thể nhận 3.500 đồng cổ tức.
Đại diện VIB cho biết, con số 35% có thể cao hơn nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
Sau khi chi trả cổ tức, VIB vẫn tuân thủ các hệ số an toàn theo tiêu chuẩn của NHNN và các tiêu chuẩn chọn lọc của Basel II và Basel III. Hệ số an toàn vốn (CAR) Basel II sau khi chi trả cổ tức dự kiến sẽ ở mức trên 10%, cao hơn so với mức 8% theo quy định.
Trước đó, VPBank và ACB cũng đã công bố ý định chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.
Đối với VPBank, trong cuộc họp ĐHCĐ năm 2022, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngô Chí Dũng đã thông báo, với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới mà HĐQT dự kiến từ năm sau sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt với 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này từng trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.
Còn tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 đã được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023 nếu được NHNN chấp thuận) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu.
Trước đó, vào năm 2015, ngân hàng này cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014. Như vậy sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Ngoài ra, TPBank (TPB) cũng vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông vào 17/1/2023 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023. Thời gian thực hiện lấy kiến là từ ngày 31/1 – 12/2/2023.
TPBank báo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2022, đạt gần 7.900 tỷ đồng trước thuế nhờ gia tăng thu nhập phí và sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh nên dự phòng rủi ro giảm. Nhưng nếu so với kế hoạch đại hội cổ đông thường niên 2022 giao ngân hàng này vẫn chưa đạt kế hoạch lợi nhuận năm đưa ra là 8.200 tỷ đồng.
Phía ngân hàng cho biết, mức lợi nhuận trên đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Ngoài ra, sự phục hồi của khách hàng được giãn nợ trong thời kỳ dịch bệnh góp phần gia tăng nguồn thu của ngân hàng. Trích lập dự phòng rủi ro cũng thấp hơn các năm trước.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng lần lượt 10% và 186% so với năm 2021. Trong khi đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 70%.
Nhưng cả năm 2022, chi phí dự phòng của TPBank giảm 37% xuống còn 1.884 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm đến 80% từ 560 tỷ xuống còn 115 tỷ đồng.
Trong khi đó, mới đây, NHNN ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.
Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 01 là khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Trước đó, ba năm liên tiếp, các tổ chức tín dụng đã thực hiện định hướng của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu khởi động lại hình thức phân phối lợi nhuận này trong năm 2023.