Những ngân hàng cuối cùng lục tục lên sàn

Những ngân hàng cuối cùng lục tục lên sàn

(ĐTCK) Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán BVB cho Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank). Ngân hàng này chuẩn bị đưa hơn 317 triệu cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM. 

Viet Capital Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Gia Ðịnh, thành lập năm 1992, đổi tên thành Ngân hàng Bản Việt vào cuối năm 2011, do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ðến tháng 5/2013, bà Phượng thôi làm Chủ tịch, người thay thế là ông Lê Anh Tài (thành viên Hội đồng quản trị), đảm nhiệm chức danh này từ đó đến nay.

Cuối năm 2012, Ngân hàng Bản Việt có 3 cổ đông lớn gồm Công ty cổ phần Ðầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn với tỷ lệ sở hữu 13,62%, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ðầu tư Tấn Phát với tỷ lệ sở hữu 12,2% và Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Hoa Lâm với tỷ lệ sở hữu 8,15%.

Tuy nhiên, theo báo cáo gần nhất, đến ngày 31/12/2018, Ngân hàng chỉ còn một cổ đông lớn là Công ty cổ phần Ðầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn, tỷ lệ sở hữu giữ nguyên ở mức 13,62%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Bản Việt có tổng tài sản hơn 47.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 13%; dư nợ cho vay đạt gần 31.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018;

Lợi nhuận quý II/2019 đạt 26 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 48 tỷ đồng. Ðóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là hoạt động bán lẻ.

Cụ thể, thu nhập lãi cho vay tăng 26%, thu nhập từ dịch vụ gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Theo kế hoạch được thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Ngân hàng Bản Việt đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 205 tỷ đồng, tăng 76% so với thực hiện năm ngoái; tổng vốn huy động tăng 24%, lên 52.649 tỷ đồng (trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư là 41.869 tỷ đồng, tăng 25%);

Dư nợ cấp tín dụng tăng 15%, lên 35.018 tỷ đồng (trong đó, dư nợ cho vay 34.144 tỷ đồng, tăng 15%); tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Ðầu quý III/2019, Ngân hàng Bản Việt đã trình xin Ngân hàng Nhà nước áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước hạn. Theo lãnh đạo nhà băng này, Basel II không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn là thách thức lớn đối với các ngân hàng.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng, Ngân hàng đã cùng đối tác KPMG hoàn tất việc xây dựng và triển khai mô hình “Triển khai tính toán mức độ an toàn vốn theo phương pháp của Basel II”.

Theo Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019, đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Nhà băng lên sàn gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), ngày 30/7/2019 đưa hơn 419 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với mã chứng khoán VBB. Ðây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên lên UPCoM trong năm nay.

Sau một số phiên ban đầu đạt mức giá hơn 20.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu VBB điều chỉnh, dao động quanh mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu.

Vietbank được thành lập năm 2006, trên cơ sở khôi phục lại hoạt động của Ngân hàng TMCP Nông thôn Phú Tâm.

Từ mức vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, đến nay VietBank đã có 5 lần tăng vốn, hiện đạt trên 419 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng lãi trước thuế 250 tỷ đồng.

Tính đến nay, hầu hết ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa năm 2020), Ngân hàng TMCP Phương Ðông (OCB, có kế hoạch niêm yết trên HOSE cuối năm 2019).

Riêng 3 ngân hàng yếu kém (CBBank, Oceabank, GPBank) và DongA Bank đang trong diện kiểm soát đặc biệt, khó có thể đưa cổ phiếu lên sàn.

Ðược biết, các nhà băng này đang lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc sáp nhập vào một ngân hàng khác.   

Tin bài liên quan