Những ngân hàng chia cổ tức cao trong mùa đại hội năm nay

Những ngân hàng chia cổ tức cao trong mùa đại hội năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đang diễn ra và cao điểm nhất là trong tháng 4/2021. Hiện các ngân hàng đã hé lộ kế hoạch kinh doanh 2021 cũng như tỷ lệ cổ tức trình cổ đông trong kỳ đại hộ này. Trong đó, không ít nhà băng dự chia cổ tức ở mức "khủng". 

BIDV (BID) là ngân hàng mở màn mùa ĐHCĐ của ngành trong năm nay. Cụ thể, ngày 12/3 vừa qua, BIDV đã tổ chức họp cổ đông và thông qua toàn bộ các tờ trình tại cuộc họp.

Trong đó, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ, chào bán ra công chúng.

Đối với cổ tức, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tương đương tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III – IV/2021.

Trước đó, đầu năm 2021, BIDV cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021 vừa qua.

Trên thị trường, sau khi tiến gần đến mức giá 50.000 đồng/CP trong nửa đầu tháng 1/2021, cổ phiếu BID đã quay đầu và đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3 tại mức 43.000 đồng/CP, giảm 10,23% so với thời điểm cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, theo tài liệu ĐHCĐ được VIB công bố, dự kiến được tổ chức vào ngày 24/3 tới đây, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.

Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%.

Tuân thủ quy định của NHNN, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu.

Vốn điều lệ VIB dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo tối ưu cho sự tăng trưởng mạnh về tổng tài sản năm 2021 và đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Trước đó, tháng 11/2020, VIB đã niêm yết gần 1 tỷ cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 32.300 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa phiên 15/3, cổ phiếu VIB đứng tại mức giá 43.700 đồng/cổ phiếu, tăng 34,88% so với thời điểm cuối năm 2020.

Năm 2020, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VIB đạt 5.801 tỷ đồng, tăng 42,1% so với năm 2019 và vượt 29% so với kế hoạch.

Tại ACB, Ngân hàng dự kiến trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng trong kỳ họp cổ đông thường niên diễn ra ngày 4/6 tới đây.

Nguồn sử dụng để tăng vốn đến từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập các quỹ của năm 2020 và lợi nhuận còn lại chưa chia tính đến thời điểm 31/12/2020.

Việc tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ của ACB. Đồng thời, thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc; cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở, đầu tư các dự án chiến lược 2019 - 2024 và nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng.

ACB dự kiến hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong quý III/2021.

Cũng trong kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, ACB sẽ trích gần 1.296 tỷ đồng cho các quỹ gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ các công ty con và quỹ khen thưởng phúc lợi.

Về kế hoạch hoạt động trong năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 8.481, tăng 10,4%.

Sau khi trừ 1.472 tỷ đồng để trích lập các quỹ, ACB dự kiến sẽ trích 6.754 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 25%.

Trên thị trường, cổ phiếu ACB tăng khá mạnh trong 1 năm qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, ACB đứng tại mức giá 33.500 đồng/CP, tăng 19,22%

OCB là ngân hàng có mức cổ tức tương đối phù hợp trong các năm qua đạt trên dưới 20%.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB cho hay, Ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%.

Hiện vốn điều lệ của OCB xấp xỉ 11.000 tỷ đồng sau khi thực hiện chia cổ tức năm 2019 và bán cổ phần cho Aozora. Ngày 28/1 vừa qua, cổ phiếu OCB sẽ được niêm yết trên sàn HOSE sau nhiều năm nhà đầu tư chờ đợi với giá tham chiếu 22.900 đồng/CP.

Tuy nhiên, phiên chào sàn của OCB kém may mắn khi chịu tác động khá mạnh bởi áp lực bán tháo của thị trường khiến cổ phiếu này giảm hết biên độ. Hiện đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu OCB đứng tại mức giá 24.800 đồng/CP, tăng 8,3% so với giá tham chiếu ngày chào sàn.

Tại SHB, Ngân hàng dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5%, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.

Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỷ đồng (tương đương tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại).

Theo SHB, việc tăng vốn điều lệ nằm trong lộ trình phát triển của ngân hàng nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn Basel II và hướng tới tuân thủ Basel III.

Thực tế cho thấy, SHB là ngân hàng chia cổ tức khá đều đặn cho cổ đông qua các năm, đặc biệt ngay cả trong giai đoạn SHB phải dồn nguồn lực xử lý tồn đọng đề án nhận sáp nhập Habubank.

Trong đó giai đoạn 2013 - 2016, SHB chi trả cổ tức 7 - 8%/năm; giai đoạn 2017 - 2020 là 10%/năm trở lên; giai đoạn hai năm 2017 và 2018 đã chi trả tỷ lệ cổ tức là 20,9% và giai đoạn năm 2019 và 2020 dự kiến chi 20,5% (sẽ chi vào năm 2021).

Mục tiêu hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận dự kiến tăng tới hơn 70%, con số hướng tới là 5.800 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu SHB trên thị trường giằng co nhẹ trong gần 3 tháng đầu năm 2021. Tính chung, giá cổ phiếu SHB tăng 4,7% so với thời điểm cuối năm 2020 khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3 tại mức giá 17.800 đồng/CP.

Tương tự, MSB cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Vì thế, theo lãnh đạo cấp cao MSB, Ngân hàng sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại ĐHCĐ thường niên 2021.

Trên thị trường, cổ phiếu MSB chào sàn HOSE vào những ngày cuối tháng 12/2020. Đóng cửa phiên 15/3, cổ phiếu MSB đứng tại mức giá 21.500 đồng/CP, tăng 14,36%; cổ phiếu

Ngoài ra, 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank cũng có thể thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được sửa đổi, cho phép các ngân hàng cổ phần nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong đó, cuối năm 2020, VietinBank (CTG) đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gần 48.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ gần 28,8%.

Tương tự BIDV, trước khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, VietinBank đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% vào hồi cuối năm 2020.

Vietcombank (VCB) cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% trong tháng 1/2021. Nhà băng này cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 - 2022, nhiều khả năng có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, cổ phiếu CTG đứng tại mức giá 38.000 đồng/CP, tăng xấp xỉ 10% so với thời điểm cuối năm 2020; trong khi đó, cổ phiếu cổ phiếu VCB đứng tại mức giá 96.300 đồng/CP, giảm nhẹ 1,63%.

Thị trường cũng đang chờ đợi thông tin về HDBank (HDB). Vì trong năm qua, HDBank chia cổ tức, cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9%, nợ xấu chỉ 0,93%.

Trên thị trường, cổ phiếu HDB cũng tăng khá tốt trong hơn 2 tháng đầu năm 2021. Đóng cửa phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu HDB đứng tại mức giá 26.650 đồng/CP, tăng 12,21%.

Theo chủ trương đưa ra của NHNN, năm nay các ngân hàng cũng sẽ chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước.

Bởi khác với các ngành nghề khác, ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên các TCTD cũng phải tuân thủ theo quy định của NHNN, kể cả chính sách cổ tức chia trả cho cổ đông.

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tin bài liên quan