Những nẻo đường môi giới

Những nẻo đường môi giới

(ĐTCK) Hiện nay, mô hình phân khúc hoạt động môi giới theo từng nhóm đang được nhân rộng tại nhiều CTCK.

Mặc dù cơ chế quản lý các môi giới (broker) có vẻ “thoáng” hơn so với trước, nhưng áp lực đối với những nhân sự nghề này thì không hề giảm.

Tăng ‘quyền’ broker

Trước đây, những CTCK lớn có cơ sở vật chất và hệ thống quản lý công nghệ thông tin hiện đại thường quản lý môi giới theo từng nhóm và các trưởng nhóm có thể tự quyết định tuyển nhân viên cho nhóm mình, miễn sao hàng tháng đảm bảo đủ định mức phí cho công ty. Ngoài HSC là công ty tiên phong trong việc áp dụng quản lý môi giới theo mô hình nhóm, hiện một số CTCK khác cũng áp dụng cách làm tương tự như CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Tân Việt (TVSI)…

Trong thời kỳ đỉnh cao của thị trường, một CTCK lớn tại Hà Nội có đến 15 phòng môi giới (cả Hà Nội và TP. HCM). Tuy nhiên, hiện số phòng môi giới của công ty này đã giảm hơn một nửa. Việc thu hẹp này ngoài nguyên nhân do chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các phòng môi giới của nhiều CTCK thì lý do lớn nhất là hiện nay hoạt động giao dịch trên thị trường khá buồn tẻ nếu so với vài ba năm trước. Nhiều broker cũng dịch chuyển từ các CTCK lớn sang các CTCK nhỏ hơn do cơ chế hoạt động của công ty cũ không còn hấp dẫn khách hàng. Nắm bắt được xu hướng này, một số CTCK đã tranh thủ đưa ra cơ chế hấp dẫn để thu hút đội ngũ broker “cứng” về đầu quân cho mình với những chính sách hấp dẫn như trao quyền được tự tuyển broker cho trưởng nhóm, tỷ lệ hoa hồng cũng hấp dẫn hơn…

Những nẻo đường môi giới ảnh 1

Theo thông tin từ thị trường, một số môi giới là nhân viên tại các CTCK lớn và quản lý một lượng tài khoản đáng kể đang được “trải thảm đỏ” về làm trưởng nhóm môi giới tại các đơn vị khác. Có thể thấy, việc tạo thêm quyền hạn và chức danh cho các môi giới là những yếu tố hấp dẫn các broker “nhảy việc”. Hưng, trưởng phòng môi giới  của một CTCK tại TP. HCM chia sẻ, hiện nay, môi giới không bị ràng buộc hay bị quản lý về thời gian có mặt tại công ty như trước đây, miễn trong tay có ID (tài khoản riêng của môi giới) và một chiếc máy tính là có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, hiện nay còn có tình trạng một broker có thể làm việc cho 2 - 3 CTCK, mặc dù “ngồi” ở CTCK này nhưng có thể giao dịch cho khách hàng ở CTCK khác. Bản thân các khách hàng khi giao dịch “hợp cạ” thì họ sẵn sàng di chuyển tài khoản theo sự dịch chuyển của các môi giới. Một điều thuận lợi nữa là hiện nay, nhà đầu tư không còn bị giới hạn về số tài khoản nên có thể mở thêm nhiều tài khoản tại các CTCK, nên broker cũng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ giao dịch cho khách hàng. Trong đó có một “dịch vụ” khá phổ biến là giúp khách hàng giao dịch mua tay này, bán tay kia, miễn sao khách hàng giao dịch càng nhiều, càng nhanh là hiệu quả.

 

Áp lực doanh số

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện nay, mức lương trung bình mà các trưởng nhóm broker nhận được hàng tháng dao động từ 10 - 13 triệu đồng, mỗi trưởng nhóm có thể tự tuyển 3 đến 5 môi giới viên, thậm chí nhiều hơn tùy nhu cầu giao dịch của khách hàng cũng như khả năng mở rộng tài khoản của nhà đầu tư của từng nhóm. Đối với các môi giới viên, mức lương dao động trong khoảng 3 - 5 triệu đồng khi hoàn thành một định mức nhất định, chưa kể tỷ lệ hoa hồng được nhận khi giao dịch vượt định mức. Để đạt được mức lương trên, trung bình mỗi môi giới phải mang lại cho công ty khoản phí 10 triệu đồng/tháng. Đối với trưởng nhóm thì tùy chế độ của từng công ty. Nhiều trưởng nhóm linh hoạt hiện có thể kiếm được từ 20 - 40 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nhiều, bởi hàng tháng, ngoài lương và hoa hồng tại CTCK nơi các nhân sự này đang làm việc thì họ có thể nhận được một tỷ lệ hoa hồng nhất định, tùy theo mức độ giao dịch thực hiện được tại CTCK mà mình làm cộng tác viên. Tất nhiên, trong bối cảnh “người khôn của khó” trên thị trường hiện nay, duy trì một mức thu nhập cố định như trên là vô cùng nan giải.

“Hiện nay, các CTCK còn phải đặt kế hoạch kinh doanh theo diễn biến của Index, thu nhập của broker cũng phập phù theo thị trường, một broker tâm sự.

Có thể thấy, TTCK từ đầu năm 2013 có phần khởi sắc, nhưng thanh khoản vài tháng trở lại đây lại tương đối thấp, bình quân mỗi phiên, lượng giao dịch trên cả hai sàn dao động từ 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh số giao dịch vẫn tập trung ở Top 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất, việc cạnh tranh thị phần là rất khó khăn đối với những CTCK nhỏ bởi tiềm lực không cho phép.

Thực tế, khi thị trường thuận lợi, phí không phải là khoản thu chính của các broker, mà các môi giới còn có cơ hội kiếm bộn tiền qua việc “lướt lát” cổ phiếu trên sàn, nhưng cũng vì “sa đà” lao vào giao dịch nên hiện nay, rất nhiều broker trong tình trạng tài khoản âm và đang nai lưng để trả nợ, trả lãi vay. Hiện nay, hàng tháng, nhiều broker phải trích đến một nửa, thậm chí 2/3 số thu nhập của mình để trả lãi vay.

Áp lực về doanh số để nhận lương, trong khi các khoản vay luôn hiển hiện trước mặt nên nhiều broker luôn giằng co giữa hai trạng thái, đó là phải “hô hào” khách hàng giao dịch để đạt định mức phí và một bên là đạo đức nghề nghiệp, bởi nếu khách hàng giao dịch quá nhiều dẫn đến thua lỗ triền miên thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của họ. Tất nhiên, có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng khi những áp lực liên quan đến quyền lợi cá nhân luôn hiển hiện trước mặt thì sẽ rất khó đòi hỏi broker đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của mình. Để có thể dung hòa lợi ích này, vừa giữ chân khách hàng vừa giữ chân các nhân viên môi giới giỏi nghề, một chính sách đãi ngộ hợp lý và sự quản lý chặt chẽ, khoa học là điều mà những CTCK muốn vươn lên phải đặt ra một cách nghiêm túc.