1 Bữa qua, tôi đi coi đất vườn cùng cậu em, coi như 1 chuyến ra ngoại thành vui vẻ. Phía Tây Nam của Sài Gòn, là vùng đất ít được chú ý trong thời điểm hiện nay. Nếu như Tây Bắc, Đông và Nam Sài Gòn được phát triển rất tốt, thì dường như Tây Nam vẫn như nàng công chúa ngủ trong rừng.
Mà “ngủ” cũng phải, bởi vùng đất bị nhiễm nước phèn rất nặng, hầu hết chỉ tập trung nhà xưởng cho những ngành nghề sản xuất, từ… nhẹ đến không nhẹ chút nào. Hóa chất và chất thải có khi đổ ra trực tiếp, cũng chẳng ai có ý kiến gì. Vì quá xa trung tâm thành phố và thưa thớt dân cư.
Miếng đất chúng tôi đi coi, nằm cách Sài Gòn tới 30 cây số. Nhưng ăn nhằm gì, nếu như đường xá quá đẹp. Mà đúng là đường dễ chấp nhận thiệt. Xe hơi chạy vô tới tận miếng đất, xung quanh, các vườn mai, vườn thanh long đang lên xanh um, chờ tới Tết Nguyên đán là xuất vườn.
Vùng đất vắng người, nhìn xa xa mới có mái nhà dân ở, không khác lắm các vùng đồi núi dù ở ngay đồng bằng. Nói chung là còn hoang sơ và thuần khiết. Nước vẫn phèn, dù khoan sâu xuống lòng đất tới 60 mét, tuy vậy, đất sình nhìn màu mỡ và tươi tốt.
Ông chủ bán đất là người Hưng Yên vào Nam lập nghiệp. Hai vợ chồng hùn vốn cùng bà con họ hàng, mua 3 mẫu đất kế nhau của nhiều chủ rồi tách sổ, mỗi miếng chừng 1.000 m2. Ba mẫu đất ấy đã mang về cho ông hơn 1 tỷ đồng, sau khi mới bán hết một nửa.
Ông ví công việc của mình đang làm như mua con heo xẻ thịt ra bán. Tất nhiên là lời bộ đồ lòng, lời miếng tiết canh để nhậu, nhưng mất công mất sức làm thịt, chạy vạy chỗ để có thể chễm chệ bày bàn ra giữa chợ mới bán được hàng.
Hơn nữa, đôi khi cũng có thể chấp nhận ế miếng thịt, chiều đã về phải bán đổ bán tháo cho người nấu cơm bình dân ngoài đường, hoặc thậm chí mang về nhà xào nấu cho sắp nhỏ ăn. Nghe ông ví von cũng hay, và có lý. Và cảm giác vợ chồng ông cũng là người hiểu chuyện.
Hơn 10 năm nay, với chiếc xe gắn máy, giờ đã lên đời xe hơi Innova, vợ chồng ông đi “chinh chiến” như vậy khắp Sài Gòn. Biết bao nhiêu mảnh đất đã được họ mua và “xẻ thịt” như vậy. Nhất là khu Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Khi chia ra gần như chẳng có miếng giấy tờ nào lận lưng, mà hầu hết chỉ bán cho công nhân. Nhưng rồi cũng xong, vẫn đóng phạt và xây cất nhà. Khoảng 20 năm nữa, nếu Nhà nước không có cần tới để làm công trình, đường xá gì vướng ở đây, thì khả năng lớn nhất, người ở vẫn được hợp thức hóa giấy tờ bình thường. Còn nếu không, số tiền ấy cũng coi như trả tiền thuê chỗ trọ, chẳng tới nỗi bi thương lắm.
2 Nhưng những miếng đất vườn này có vẻ như may mắn hơn các “anh em” khác bởi các ông chủ, bà chủ tiếp quản hầu hết là người có tiền bạc. Họ mua chừng vài ngàn mét vuông, để làm nhà vườn, tính chuyện cuối đời hoặc về đây ở, hoặc cuối tuần cuối tháng kéo bạn bè lên chơi. Điện và nước máy có sẵn, không cần lo lắng điều gì khác nữa.
Đất vườn lâu năm thế nào cũng xin được chút ít đất thổ cư để làm căn nhà chòi. Mọi thứ cũng đơn giản thôi. Thậm chí không xin được thì cũng cất được căn nhà lá cho người làm vườn. Ai nỡ lòng nào mà không cho.
Vậy là giao dịch được hoàn thành. Số tiền vừa phải, chấp nhận được khiến cho người ta dễ dãi trong việc mua bán nhà đất, vốn là giao dịch được liệt vào dạng khó tính nhất. Chừng ít thời gian nữa nếu may mắn, lời được chút đỉnh, còn không, thì cũng là khoản tiền tiết kiệm sau này.
Ai biết được 5-7 năm nữa, khi quỹ đất chẳng còn dồi dào, con người dần dần lấn ra các khu ngoại thành 1 cách mạnh mẽ, thì các miếng đất vườn tuyệt vời ấy sẽ là mối lợi không nhỏ cho sự dấn thân và tiên phong.
Trên đường đi về, nhìn những vườn mai và vườn thanh long bạt ngàn kế bên nhưng “kiểu cách” khác hẳn, mà cũng thấy cám cảnh. Dù vô tri vô giác, mà miếng đất cũng có số phận khác nhau. Nơi đô thị sôi động, nơi quê nhà yên bình. Ở nơi yên bình ấy, cũng phân chia giai tầng khốc liệt.
Đất, cũng như cuộc đời con người vậy.