Ngược dòng báo lãi
Năm 2023 đối với nhiều doanh nghiệp là năm kinh doanh cực kỳ khó khăn trước bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động. Một số doanh nghiệp vẫn tận dụng được lợi thế để có lợi nhuận tốt, đặc biệt ở nhóm dầu khí, mía đường, gạo…
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR - UPCoM) cho biết, 9 tháng đầu năm 2023 BSR đạt sản lượng sản xuất 5,5 triệu tấn, doanh thu đạt 107 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 12.167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch cả năm.
Trước đó, SSI Research đã đưa ra dự báo ước lợi nhuận ròng quý III/2023 của BSR đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, gấp đôi so với quý trước và gấp 6 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá dầu tăng cũng như chênh lệch giá crack trong quý gần đây.
Lãnh đạo BSR thông tin, Công ty đã mua đủ nguyên liệu cho 3 tháng cuối năm 2023, phấn đấu hoàn thành và vượt mức kế hoạch sản lượng. Dự kiến năm 2023, BSR tiêu thụ khoảng 7,5 triệu tấn dầu thô phục vụ nhu cầu sản xuất.
Còn tại PV Power, trong 9 tháng đầu năm 2023 Công ty ghi nhận tổng sản lượng điện đạt 11.149 triệu kWh, bằng 101% kế hoạch 9 tháng, đạt hơn 71% kế hoạch cả năm; tổng doanh thu đạt 22.530 tỷ đồng, hoàn thành 74,28% kế hoạch cả năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 861 tỷ đồng, hoàn thành 77,01% kế hoạch cả năm 2023.
Ở nhóm mía đường, CTCP Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) tiếp tục ghi nhận kết quả khởi sắc ngay trong quý đầu tiên của niên độ 2023-2024 với doanh thu đạt 431 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 26% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, SLS đã hoàn thành gần 90% kế hoạch về lợi nhuận cả niên độ (mục tiêu lợi nhuận 137 tỷ đồng cả năm).
Điểm sáng trên thị trường chính là kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, Chứng khoán Thiên Việt (TVS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2023 tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ, đạt 42 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 196 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 16 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Bảo Việt ghi nhận doanh thu hoạt động quý III tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 227 tỷ đồng, trong đó chiếm một nửa là doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán (105 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Chứng khoán Bảo Việt đạt doanh thu 602 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã ghi nhận lợi nhuận quý III tăng mạnh như CTCP Chứng khoán VNDirect lãi 636 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ; ACBS tăng trưởng 484%; CTS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, tăng trưởng 380%; TCBS đạt lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp khác trên thị trường cũng ghi nhận báo cáo tài chính quý III tích cực như thành viên nhà Vingroup - CTCP Vincom Retail (mã chứng khoán VRE) báo lợi nhuận quý III tăng trưởng 66% lên 1.317 tỷ đồng nhờ ghi nhận bàn giao bất động sản; doanh thu cũng tăng 66% lên 3.333 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của VRE đạt 7.449 tỷ đồng, tăng 43%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.341 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với cùng kỳ.
Cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng nhờ doanh thu cho thuê bất động sản công nghiệp, CTCP Damsan (mã chứng khoán ADS) ghi nhận doanh thu quý III/2023 đạt 453,4 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,2% so với cùng kỳ; nhưng lợi nhuận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 49,08%, đạt 30,59 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính đạt hơn 14,1 tỷ đồng, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ cho thuê bất động sản công nghiệp tại cụm công nghiệp An Ninh.
Ngoài ra, một số tên tuổi lớn hiện chưa công bố, nhưng theo dự báo của SSI Research thì CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD) và Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) có tăng trưởng khả quan.
Tại GMD, biên lợi nhuận gộp cao hơn là lý do chính giúp lợi nhuận trước thuế quý III/2023 của Công ty tăng 10% so với cùng kỳ, ước đạt 360 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại HPG, SSI Research ước tính lợi nhuận ròng trong kỳ có thể đạt 2.100 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với quý trước và phục hồi đáng kể so với mức lỗ 1.800 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 11% so với quý trước và giá than giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý IV của Công ty có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do nguyên liệu đầu vào tăng.
Khó khăn kéo lùi lợi nhuận
Bên cạnh những mảng sáng, mùa báo cáo tài chính quý III/2023 cũng ghi nhận không ít mảng tối với nhiều doanh nghiệp công bố con số kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Tại CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID) - hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm giấy, chủ yếu là giấy ngoại nhập, đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt 12,5 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ tình hình hoạt động kinh doanh thương mại của công ty con, chi phí sản xuất và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cộng thêm việc biến động về tỷ giá dẫn đến hoạt động kinh doanh thương mại của công ty con đạt hiệu quả không cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đầu tư Viễn Đông ghi nhận doanh thu đạt 942 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 23,6 tỷ đồng, giảm 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (mã chứng khoán FOC) báo kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu giảm 28%, trong khi giá vốn chỉ giảm 11%, nên lợi nhuận trước thuế của Công ty giảm đến 49%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FOC lãi trước thuế 82 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Tại nhóm điện, phần lớn các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, Điện lực Khánh Hòa và Nhơn Trạch 2 báo lỗ, Thủy điện Thác Bà giảm tới 99%, Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 92%, Nhiệt điện Bà Rịa giảm 88%. Ở chiều ngược lại có Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 381%.
Nhóm bất động sản ghi nhận bức tranh có sự phân hóa. Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) ghi nhận doanh thu quý III/023 tăng 66,8% đạt 47.948 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 14,8% đạt 4.475 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 134.207 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2, 3 cũng như sự tăng trưởng mạnh của doanh thu bán xe điện so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 12.375 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đạt 1.556 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 78% kế hoạch cả năm.
Tại CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) ghi nhận lợi nhuận quý III giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 141 tỷ đồng; doanh thu thuần đạt 355 tỷ đồng, gấp 32 lần so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ chuyển nhượng một số tài sản bất động sản.
CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG) ghi nhận doanh thu quý III/2023 đạt 357 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên, nhờ có khoản 80,7 tỷ đồng tiền thuế được hoàn lại nên lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 66,3 tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm ngoái.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Licogi 14 (mã chứng khoán L14) ghi nhận kết quả quý III/2023 sụt giảm, với doanh thu giảm 35% so với cùng kỳ về 23 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 10% về còn hơn 7 tỷ đồng.
Ở nhóm phân bón, CTCP Đạm Cà Mau báo lãi quý III/2023 giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 74 tỷ đồng; doanh thu cũng giảm 8,9% và đạt 3.151 tỷ đồng. Công ty cho biết chi phí vốn tăng cao và giá phân bón đồng loạt giảm nên lợi nhuận bốc hơi mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu DCM đạt 9.036 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 81% so với cùng kỳ, đạt 617 tỷ đồng.
Dược phẩm là nhóm vốn có tính ổn định, tuy nhiên, trong quý III vừa qua cũng chịu ảnh hưởng khó khăn từ kinh tế chung. Điển hình là CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 166 tỷ đồng; doanh thu quý III giảm 5%, đạt 1.099 tỷ đồng.
Dược Hậu Giang cho biết, trong quý III Công ty chịu tác động khó khăn từ tình hình kinh tế chung làm giảm sức mua khiến doanh thu giảm. Ngoài ra các khoản chi phí tăng lên do doanh nghiệp tăng cường các hoạt động marketing, đầu tư sản phẩm mới nhằm thực hiện chiến lược dài hạn, tạo lợi thế tương lai.
Hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quý III nhưng tình hình chung khó khăn vẫn hiện hữu. Quý IV là thời điểm nhiều doanh nghiệp tăng tốc để có thể cải thiện bức tranh kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã hoạch định chiến lược cho năm 2024 như tại BSR nhận định khó khăn, thách thức vô cùng lớn, cần đặt ra các giải pháp để vượt qua khó khăn về thuế thu nhập doanh nghiệp điều chỉnh tăng, thuế xuất nhập khẩu một số sản phẩm xăng dầu điều chỉnh về 0...
Trong tầm nhìn trung và dài hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng. Nhìn vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý III có sự phân hóa trong từng nhóm ngành, nhà đầu tư sẽ có quyết định đầu tư.