Một số ngân hàng giữ được nhịp tăng trưởng
VietBank báo lãi tăng 130% trong quý I/2020. Tổng tài sản đến cuối quý I ở mức 69.358 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 2,7%, lên hơn 41.709 tỷ đồng sau dự phòng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng giảm 16% xuống còn hơn 6.494 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6%. Tỷ lệ nợ xấu của VietBank đến hết quý I/2020 ở mức 1,36%.
Tương tự, theo báo cáo tài chính NCB, lợi nhuận trước, sau thuế quý I/2020 của Ngân hàng đều tăng 12,4% so với cùng kỳ 2019 do các nguồn thu nhập/lãi thuần tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Trong quý I/2020, tuy hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 1 tỷ đồng và hoạt động khác lỗ gần 8 tỷ đồng, NCB vẫn có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 65 tỷ đồng, gấp gần 5 lần quý I/2019.
Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ của NCB lần lượt tăng 36% và 24% so với cùng kỳ, đạt gần 236 tỷ đồng và hơn 15 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi thuần gần 26 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.
Do đó, mặc dù chi phí hoạt động ghi nhận 196 tỷ đồng, tăng 10%, cùng với 20 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, và 30 tỷ đồng các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, NCB vẫn thu về gần 15 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 12 tỷ đồng sau thuế, cùng tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến hết tháng 3/2020, tổng tài sản NCB giảm 12% so với đầu năm, về mức hơn 70,458 tỷ đồng, chủ yếu do tiền, vàng gửi tại các TCTD khác và cho vay các TCTD khác giảm mạnh 72%, còn hơn 4,276 tỷ đồng.
Trong khi đó, cho vay khách hàng vẫn ở mức gần 37,807 tỷ đồng, đi ngang so với mức của đầu năm. Chứng khoán đầu tư và các khoản lãi, phí phải thu lần lượt ở mức gần 14,700 tỷ đồng và hơn 3,396 tỷ đồng, tăng 11% và 8% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại NCB chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên mức 60,547 tỷ đồng. Ngược lại, tiền gửi và vay các TCTD khác và phát hành giấy tờ có giá lần lượt giảm 85% và 34% so với đầu năm, còn gần 1,828 tỷ đồng và hơn 1,784 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của NCB ở mức 2,2%, nhờ ngân hàng tái cơ cấu danh mục cho vay, tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng.
Tại VietABank, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 cũng ghi nhận gần 81 tỷ đồng, trong đó có phần đóng góp khá lớn từ chứng khoán đầu tư (lãi 16,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với 487 triệu đồng cùng kỳ 2019) và kinh doanh ngoại hối tăng đột biến, thu về 15,6 tỷ đồng.
Trong khi, lãi từ hoạt động khác cũng sụt giảm mạnh còn 79 triệu đồng, so với mức 8 tỷ đồng cùng kỳ 2019. Chi phí hoạt động tăng nhẹ 9,4% lên 151 tỷ đồng. Trong kỳ, VietABank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 4 tỷ đồng, cùng kỳ 2019 không có trích lập.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 tóm tắt của VietABank, trong khi hoạt động cho vay khách hàng tăng trưởng khá tốt với mức tăng 5,2% so với cùng kỳ 2019, đạt 44.868 tỷ đồng.
Hoạt động huy động vốn từ tiền gửi khách hàng của ngân hàng này cũng tăng khá 6,5%, đạt 50.538 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng 3,2% và đạt 78.896 tỷ đồng. Cho vay tăng khiến lãi thuần từ hoạt động cho vay tăng 34%, đạt 210 tỷ đồng.
Nhưng không ít nhà băng lợi nhuận giảm
Lợi nhuận trước thuế sau quý I/2020 của Bac A Bank đạt 179 tỷ đồng, giảm 27% so với quý I/2019. Đây là mức thấp nhất trong 6 quý của ngân hàng này kể từ quý IV/2018.
Mặc dù Bac A Bank có thu nhập lãi thuần đạt gần 441 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019, và hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi thuần đạt gần 9 tỷ đồng, tăng 46%, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng vẫn giảm 27%, lần lượt còn gần 179 tỷ đồng và 143 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ có lãi thuần giảm mạnh 77% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 7 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm hơn 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 Ngân hàng không trích lập dự phòng. Chi phí hoạt động của Bac A Bank cũng tăng 16% so với quý I/2019, chiếm gần 242 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/03/2020, tổng tài sản của Bac A Bank tăng nhẹ 2% so với đầu năm chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 18%, lên mức gần 3.532 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 1%, đạt hơn 73.395 tỷ đồng.
Đến hết quý I/2020, Bac A Bank có tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá cùng tăng 8% so với đầu năm, lần lượt đạt hơn 82.476 tỷ đồng và 6.633 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 34% so với đầu năm, còn hơn 9.660 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1/2020, tổng nợ xấu của Bac A Bank tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 580 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 85%, chiếm gần 33 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 27%, chiếm hơn 276 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của Bac A Bank tăng từ 0,69% lên mức 0,79%.
Bên cạnh đó, kết thúc quý I/2020, nhiều chỉ tiêu kinh doanh của Saigonbank giảm, trong khi nợ xấu tăng.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, Saigonbank không tăng trưởng được tiền gửi khách hàng vào ngân hàng khiến nguồn tiền này sụt giảm 0,8%, về mức 15.543 tỷ đồng.
Trong khi đó, hoạt động cho vay khách hàng cũng giảm 2,3%, về mức 14.215 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng cũng theo đó giảm gần 11%, về mức 20.308 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, Saigonbank ghi nhận lãi thuần từ hoạt động cho vay giảm 4,4% còn 152 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ cũng giảm 24%, đạt 7,6 tỷ đồng.
Riêng khoản mục lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng tốt, gấp 5 lần lên 7,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng nhẹ 8,6% lên 7,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 18%, lên 133 tỷ đồng. Ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 6,5 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ 2019.
Lợi nhuận trước thuế đến hết tháng 3/2020 của Sacombank giảm 31,4%, xuống 48,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 34%, đạt gần 44 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,6%, tăng so với mức 1,9% hồi đầu năm nay. Nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) từ 36 tỷ đồng đầu năm nay lên 123 tỷ đồng vào thời điểm 31/3/2020.
Tại Kienlongbank, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 chỉ đạt 57 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ 2019, nợ xấu tăng tới 6,6%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của Kienlongbank, tăng trưởng huy động vốn từ tiền gửi khách hàng vẫn khá tốt với mức tăng 4% trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 34.243 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tín dụng trên thị trường giảm hơn so với trước, điều này cũng tác động làm dư nợ cho vay của Kienlongbank chỉ tăng trưởng 1% (tương ứng 351 tỷ đồng), đạt 33.830 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 3,8%, đạt 53.086 tỷ đồng.
Kết thúc quý kinh doanh đầu tiên của năm 2020, Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần từ cho vay đạt 295 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Trong kỳ, Kienlongbank không có hoạt động mua bán kinh doanh chứng khoán hay đầu tư chứng khoán, hoạt động thuần về tín dụng.
Các mảng khác có thu nhập lãi tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, lãi từ dịch vụ đạt 19 tỷ đồng, tăng 58%; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 8,7 tỷ đồng, gấp 5,8 lần; lãi từ hoạt động khác tăng vọt lên gần 61 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần.
Chi phí hoạt động tăng 21% lên 257 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước chi phí dự phòng vẫn tăng mạnh 64% so với cùng kỳ 2019, lên mức 125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong kỳ, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ 2019, lên gần 69 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2019.
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Kienlongbank, cơ cấu dư nợ cho vay của Ngân hàng chủ yếu là hộ kinh doanh và cá nhân, chiếm tới hơn 74% dư nợ tín dụng, tương đương 25.136 tỷ đồng.
Đến hết quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank đột nhiên tăng cao tới 6,62%, so với mức 1% hồi đầu năm nay. Nhóm nợ xấu tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) từ mức 238 tỷ đồng cuối năm 2019 tăng lên 2.126 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.
Theo Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn là 2.126 tỷ đồng tại ngày 31/3/2020, bao gồm 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác (Sacombank) được phân loại nợ nhóm 5.