Sáng 29/6, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20 kết thúc sớm hơn dự kiến. Tổng thống Mỹ mô tả cuộc thảo luận "rất tốt đẹp".
"Đó là một cuộc gặp rất, rất tốt, hơn cả mong đợi. Chúng tôi đang trở lại đúng lộ trình", ông Trump phát biểu, nhưng không nêu chi tiết. Trong khi đó, Tân Hoa Xã cho hay Mỹ sẽ không áp thêm thuế mới đối với hàng hóa của Trung Quốc, và cũng không nêu chi tiết.
Như vậy, thỏa thuận 'ngừng bắn' sẽ cho phép phái đoàn thương mại hai bên có thời gian để thử lại lần nữa, sau gần một chục vòng đàm phán và bị sụp đổ vào tháng Năm.
Mỹ khi ấy cáo buộc Trung Quốc đảo ngược các cam kết đã được thỏa thuận trước đó, dẫn đến mức thuế cao hơn ở cả hai phía. Còn trong Sách trắng về đàm phán kinh tế và thương mại Mỹ - Trung do Trung Quốc công bố đầu tháng sáu thì nói rằng, Mỹ mới là phía vi phạm thỏa thuận, rút lại các cam kết trong quá trình đàm phán.
Trước cuộc gặp, cả ông Trump và ông Tập đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để xoa dịu căng thẳng thương mại, điều đã đe dọa sự tăng trưởng ở Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu dự kiến chậm lại. Hai nước đã đánh thuế lên hơn 378 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Hồi đầu năm, các quan chức Nhà Trắng đã tập hợp một tài liệu dài 150 trang về những thay đổi cần thiết mà họ muốn thấy từ chính phủ Trung Quốc nhằm cân bằng lại mối quan hệ kinh tế.
Tài liệu này đề cập đến chính sách tiền tệ của Trung Quốc, sự hỗ trợ của chính phủ đối với các công ty tư nhân. Họ nhấn mạnh rằng các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc và bị đánh cắp tài sản trí tuệ. Nhà Trắng cũng muốn Trung Quốc ngừng phá giá các sản phẩm giá rẻ, như thép và nhôm, trên thị trường thế giới. Cùng với đó, Trung Quốc cần mua thêm nhiều sản phẩm của Mỹ, đặc biệt là nông nghiệp.
Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng ý với Trump rằng Trung Quốc nên thay đổi hành vi, nhưng không có nhà lãnh đạo Mỹ nào thực hiện cách tiếp cận như Trump trước đây, vì mối quan hệ kinh tế và an ninh phức tạp giữa hai nước.
Dù cơ bản được nhiều ủng hộ trong việc phải cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, các biện pháp gần đây khiến chiến tranh thương mại leo thang làm các nghị sĩ đảng Cộng hòa lo lắng, nhất là khi chiến dịch bầu cử cho năm 2020 đã bắt đầu. Các hạt đang theo đảng Cộng hòa bị tác động nặng nè bởi thuế quan, đặc biệt là nông dân và các ngành công nghiệp nặng.
Hàng trăm đại diện của các công ty và ngành đã cảnh báo Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ trong tuần này rằng sự leo thang hơn nữa sẽ tiếp tục làm tăng chi phí và khiến công việc trong nước gặp rủi ro.
Theo Brian Keare, chuyên viên công ty phần mềm phân tích dữ liệu Incorta, sự không chắc chắn xung quanh những mối đe dọa đã đặt ra những thách thức đáng kể không chỉ cho tâm lý kinh doanh mà còn cả đầu tư và lập kế hoạch.
"Bất kể điều gì xảy ra, các doanh nghiệp ở khắp nơi sẽ bị rơi vào hỗn loạn hơn nữa và bất kể quyết định nào của họ sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu", Keare, chuyên gia tư vấn cho các công ty như Broadcom, Starbucks và Apple bình luận.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang phải 'đi trên dây' để cân bằng giữa một bên là thái độ cứng rắn không dễ nhượng bộ và một bên là đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước bối cảnh tăng trưởng giảm tốc. Cuộc chiến thương mại đang làm Trung Quốc bất lợi khi tăng trưởng năm 2018 thấp nhất trong một phần tư thế kỷ qua.
Phát biểu trước các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G20 hôm qua, ông Tập khẳng định các doanh nghiệp nước ngoài là nạn nhân của hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ sẽ được bồi thường và Trung Quốc đã thiết lập một kênh để khiếu nại, giải quyết vấn đề này.
Trung Quốc cũng sẽ thực hiện Luật đầu tư nước ngoài mới, bao gồm các bước quan trọng nhằm "tự do hoá nền kinh tế" và nới lỏng hạn chế về quyền tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, bắt đầu từ ngày 1/1 năm sau.
Áp lực nên hòa hoãn không chỉ đến từ nội bộ hai nước. AFP dẫn lời các nhà kinh tế rằng chiến thương mại kéo dài có thể làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu, vào thời điểm mà quan hệ địa chính trị và vấn đề Brexit cũng đang căng thẳng.
Hôm thứ s áu, Liên minh châu Âu và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur đã ký một thỏa thuận thương mại sau 20 năm đàm phán. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ca ngợi đó là một "thông điệp mạnh mẽ" ủng hộ "thương mại dựa trên luật lệ".
Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế (OECD) thì nhận định nếu cuộc gặp Trump - Tập đổ vỡ, nó sẽ dẫn tới những hệ quả "mang tính hủy diệt". "Một sự sụp đổ sẽ ảnh hưởng tới hầu như mọi nền kinh tế trên toàn cầu bởi Mỹ và Trung Quốc đều có mối quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới", ông nói.
Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cảnh báo việc áp thuế và dọa đánh thuế có thể khiến GDP toàn cầu mất 0,5% năm 2020. Charles Freeman - Phó chủ tịch phụ trách châu Á tại Phòng thương mại Mỹ cho rằng thuế nhập khẩu không chỉ gây ra thiệt hại trong ngắn hạn, mà còn tạo ra bất ổn với doanh nghiệp trên cả thế giới. "Đây không chỉ là bất ổn của Mỹ và Trung Quốc. Nó là bất ổn của toàn cầu", ông nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc hai nước hôm nay tuyên bố "đình chiến" không đồng nghĩa với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc. Năm ngoái, sau lệnh "ngừng bắn" thì xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn bùng phát trở lại, thậm chí còn căng thẳng hơn.
Điều này là hoàn toàn có khả năng khi 'sức khỏe tổng quan' của kinh tế Mỹ đầu năm nay đang ủng hộ ông Trump. Số liệu công bố hôm thứ năm của Nhà Trắng cho biết, tăng trưởng GDP Mỹ quý I/2019 đạt 3,1%. Đây là mức tăng trưởng quý đầu của năm cao nhất trong 4 năm qua. Năm 2018, Mỹ tăng trưởng GDP 2,9%, mức cao nhất kể từ năm 2015.
Thậm chí, đầu tháng này, IMF đã điều chỉnh dự báo GDP 2019 của Mỹ lên tới 2,6%, thay vì 2,3% như trước, bất chấp cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.
Đó cũng là lý do trong khi các nhà kinh tế nói rằng cuộc chiến thương mại gây tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ, Trump lại không thay đổi cách tiếp cận của mình và khẳng định rằng nền kinh tế đang làm việc "tuyệt vời".
Một số chuyên gia được AFP dẫn ý kiến rằng, cuộc gặp bên lề giữa Mỹ và Trung Quốc năm nay đã thành tâm điểm của G20. Dù cuộc gặp cơ bản kết quả tích cực nhưng kinh tế toàn cầu cũng không thể tốt lại ngay trong nay mai.
"Khi tương lai kinh tế toàn cầu và diễn biến thị trường phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp Trump - Tập quan trọng này, chúng tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn", ING Economics bình luận.