Để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU, tránh sản xuất đại trà không theo tiêu chuẩn nào.
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về những lưu ý khi xuất khẩu đồ bảo hộ và khẩu trang sang thị trường EU.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này, ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia (theo địa chỉ liên kết website: https://standards.cen.eu/dyn/www/f?p=CENWEB:5:::NO:::).
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế. Nội dung này được Chủ tịch VCCI góp ý vào dự thảo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp cả nước (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2020).
Việc cho phép xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế là để giúp giải cứu ngành dệt may trong bối cảnh khó khăn.
Công suất sản xuất khẩu trang củaViệt Nam rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh, nhưng quy định cấm xuất khẩu khẩu trang đang bó tay bó chân doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2/2020, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ cho phép, nếu được, doanh nghiệp chỉ được xuất tối đa không quá 25% sản lượng.
Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.
Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế gia tăng tại nhiều thị trường lớn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đã chớp thời cơ xuất khẩu được khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ, EU, Nhật Bản.
Việc có thêm các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang cũng giúp các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và bù đắp doanh số do các đối tác Mỹ, EU tạm dừng đặt hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã xuất khẩu hàng triệu khẩu trang đi châu Âu, Dệt kim Đông Xuân xuất khẩu khẩu trang vải sang Nhật Bản, còn May 10 cũng xác nhận vừa ký với đối tác xuất khẩu 400 triệu khẩu trang y tế, thời hạn giao hàng trong tháng 7/2020. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 cũng nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc...
Theo thông tin do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc / ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.
Dù vậy, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.
Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.