Năm 2021 được coi là năm bản lề cho sự thay đổi trong môi trường hoạt động của doanh nghiệp khi 3 luật quan trọng gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực, cùng hàng loạt văn bản hướng dẫn ra đời. Trong đó, một số nội dung chưa được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng người lập báo cáo tài chính cần lưu tâm để tránh vi phạm quy định và có thể bị phạt.
Đầu tiên phải kể đến là việc thuyết minh bên liên quan trên thuyết minh báo cáo tài chính. Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2021 và các quy định hiện hành, việc thuyết minh thù lao của từng thành viên hội đồng quản trị, tiền lương của tổng giám đốc và những người quản lý khác của công ty đại chúng không trình bày số tổng như trước đây, mà phải chi tiết cho từng đối tượng cụ thể tại một mục riêng trên thuyết minh báo cáo tài chính hàng năm. Việc không thuyết minh chi tiết sẽ vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 15, Nghị định 156/2020/NĐ-CP và phải chịu phạt với mức từ 10 - 30 triệu đồng. Các công ty đại chúng cần lưu tâm đến vấn đề này khi lập báo cáo tài chính cho năm tài chính 2021.
Trước đây, quy định về việc một công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết hoặc không đủ điều kiện niêm yết thì đều phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (theo Điều 3, Thông tư 180/2015/TT-BTC). Quy định này không thay đổi tại các văn bản hiện hành (quy định tại Điều 133, Nghị định 155/2020/NĐ-CP), tuy nhiên, do cách hành văn và gom lại vấn đề dẫn đến nội dung này không được quy định rõ thành một mục như trước đây, mà chỉ gộp chung là công ty đại chúng không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng là bỏ quy định này, do đó không cần tuân thủ nữa. Tuy nhiên, nếu công ty đại chúng không đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM có thể bị phạt đến 400 triệu đồng (nếu đăng ký chậm quá thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc không đăng ký) theo quy định tại khoản 3, Điều 18, Nghị định 156/2020/NĐ-CP.
Với quy định về cổ phiếu quỹ, công ty đại chúng có cổ phiếu quỹ trước ngày 1/1/2021 có thể được phép bán ra công chúng hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng, nhưng không được phép mua lại trước khi hoàn thành xử lý cổ phiếu quỹ trước đó, trừ trường hợp mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông; mua lại cổ phiếu của người lao động; mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch, hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ (theo điều khoản chuyển tiếp tại khoản 4, Điều 310, Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
Sau ngày 1/1/2021, nhằm nhất quán với Luật Doanh nghiệp, khi công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ theo khoản 5, Điều 36, Luật Chứng khoán 2019 (trước đây chỉ ghi giảm trên sổ kế toán, không làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn với cơ quan đăng ký doanh nghiệp và mâu thuẫn với quy định tại Luật Doanh nghiệp). Do đó, công ty đại chúng cần đặc biệt lưu ý hoàn tất thủ tục điều chỉnh giảm vốn sau khi hoàn tất việc mua lại cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu quỹ mua lại sẽ bị hủy, không có tác dụng tích trữ để tái phát hành hoặc chia cổ tức, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.
Việc không làm thủ tục giảm vốn điều lệ hoặc làm thủ tục giảm không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật sau khi thực hiện mua lại cổ phiếu sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng (theo điểm b, khoản 1, Điều 16, Nghị định 156/2020/NĐ-CP).
Việc không thuyết minh chi tiết thù lao của từng thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc và những người quản lý trong báo cáo tài chính sẽ bị phạt với mức từ 10 - 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm mà các quy định về quản trị công ty đại chúng được quy định đầy đủ và có hệ thống. Do đó, vấn đề phân quyền giữa ban giám đốc và hội đồng quản trị thể hiện rất rõ ràng. Quy định phân tách vị trí giữa tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị đã được quy định trước đó tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP (khoản 2, Điều 12), nay là khoản 2, Điều 275, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và có thời gian chuyển tiếp trong vòng 3 năm, bắt buộc phải áp dụng từ ngày 1/8/2020.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị vẫn chậm trễ trong việc chuyển đổi này. Điều này dẫn đến một số cá nhân của công ty đại chúng vẫn kiêm nhiệm hai chức danh này và bị phạt mức 70 - 100 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 15, Nghị định 156/2020/NĐ-CP.
Cuối cùng, ngoài các quy định chặt chẽ liên quan đến điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty đại chúng, Luật Chứng khoán 2019 cũng đã mở ra quy định được chào bán chứng khoán theo giá thấp hơn mệnh giá nếu giá thị trường của chứng khoán của công ty đại chúng đó thấp hơn mệnh giá.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, điều kiện để chào bán chứng khoán thấp hơn mệnh giá là công ty đại chúng phải có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá. Tuy nhiên, ở đây lại phát sinh vấn đề là vốn điều lệ (được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty đại chúng phát hành cổ phiếu) cao hơn vốn thực góp trên sổ kế toán. Hiện tại, chưa có hướng dẫn hạch toán bù trừ giữa phần thặng dư vốn cổ phần dương trước đó với phần vốn thực góp để ghi tăng vốn điều lệ, đảm bảo vốn điều lệ phù hợp giữa giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sổ kế toán.
Hệ thống văn bản pháp lý ngày càng hoàn thiện, nhưng đi cùng với đó là các chế tài xử lý khi vi phạm pháp luật cũng ngày càng chặt chẽ. Do đó, trong bối cảnh trước thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2021, người quản lý và đặc biệt là người làm kế toán tại các công ty đại chúng phải đặc biệt lưu ý, nghiên cứu và cập nhật văn bản pháp luật mới ban hành, tránh các rủi ro bị phạt có thể xảy ra.