Trong Địa lý Lạc Việt, vị trí bếp và không gian bếp là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi bếp chính là hình tượng của tiền bạc và của sức khỏe. Một không gian bếp vượng khí và chuẩn Địa lý phong thủy không cần có rất nhiều yếu tố và trong đó yếu tố "Hỏa" là yếu tố cơ bản nhất.
Đối với không gian bếp trong nhà ở, vị trí của không gian này sẽ phải đặt ở vị trí phía sau nhà (so với cửa chính vào nhà hoặc so với cửa vào bếp nếu được thiết kế ở tầng khác đối với nhà cao tầng). Nếu không gian bếp đặt ở phía trước thì vị trí kiếm tiền hay người nắm quyền tài chính lại bị đảo ngược. Trường hợp này, đa số sẽ gặp ở các thiết kế nhà chung cư, khi đặt khu vực bếp ở phía trước sát cửa ra vào. Do khu vực bếp thuộc Âm, nên đối với nhà cao tầng, không nên đặt bếp ở trên tầng cao.
Trong không gian bếp thì vị trí của bếp, lò nướng, lò vi sóng cần đặt tại vị trí Vượng khí tính theo vòng luân chuyển của Khí rồi mới đặt Sơn - Hướng - Tọa (tức là lưng bếp, hướng bếp, vị trí đặt bếp theo hướng tốt của gia chủ, nên công việc này cần có sự tư vấn của các chuyên gia phong thủy). Vị trí đặt chậu rửa, tủ lạnh, tủ đông lần lượt xếp sau bếp ở các vị trí Mộ khí. Các lưu ý khi đặt bếp:
1. Không đặt mặt bếp thụt sâu xuống so với mặt bàn bếp (đối với bếp âm thì mặt bếp luôn cao hơn bàn bếp).
2. Không đặt bếp ở đảo bếp (trong thiết kế bếp hiện đại thì thường có đảo bếp ở giữa).
3. Tránh mép bàn, cạnh bàn hướng vào bếp. Trường hợp này sẽ gây cho nữ chủ nhà các căn bệnh đau nhức xương hoặc đường tiêu hóa.
4. Không đặt các vật nhọn sắc phía trên bếp.
5. Không đặt gương hay tấm phản chiếu phía sau bếp.
6. Không đặt bế hướng thẳng đường vào bếp.
7. Phía trước bếp không đặt đồ đạc bừa bãi hoặc rác thải.
8. Không sử dụng hai bếp cùng một lúc, hoặc một nhà có hai không gian bếp.
9. Không đặt nhà vệ sinh, bể nước phía trên bếp hoặc hầm cầu phía dưới bếp.
10. Không để bếp và bàn đối diện cửa nhà vệ sinh, vòi nước, tủ lạnh.
11. Không đặt giường ngủ của không gian tần sát không gian bếp, trên bếp theo trục thẳng đứng.
Đối với Địa lý Lạc Việt, thì nếu bếp và không gian bếp phạm phải những lỗi như trên thì cần phải thay đổi và di chuyển chứ không dùng các biện pháp trấn yểm đồ vật phong thủy. Sử dụng đồ vật phong thủy không thể thay đổi được cục diện sai bởi đây là các tương tác trực tiếp từ không gian tới bếp.
Đối với nhà chung cư, đa phần bếp và không gian bếp được đặt phía trước bên cạnh cửa ra vào. Đây là một trong những yếu tố cần được các kiến trúc sư lưu tâm, bởi vì trong Địa lý Lạc Việt, đây là lỗi Âm phạm Dương không khắc phục được. Do thiết kế như vậy, nên 100% các bếp ở không gian này đều nằm ở vị trí Mộ khí, tức là thể hiện sự kém đi hay lúng túng về tài chính của gia chủ, cũng như sức khỏe của người phụ nữ trong gia đình.
Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, thì ngoài bếp ga, còn có bếp hồng ngoại, bếp từ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Việc tìm hướng bếp từ đó cũng có nhiều cách xác định hướng tốt cho bếp, gây ra sự thiếu thống nhất. Xa xưa, ông cha ta dùng bếp củi, có cửa bếp và hướng cửa bếp chính là nơi để xác định hướng bếp. Đối với Địa lý Lạc Việt, hướng bếp được xác định một cách thống nhất, để dễ hiểu, thì hướng bếp chính là hướng lưng của người đứng nấu ăn.
Bếp từ được phân loại là thuộc Âm Hỏa so với bếp ga là Dương Hỏa và trong Địa lý Lạc Việt, thì Âm Hỏa là tượng của sao Nhị Hắc, là một sao xấu. Trong trường hợp này, sẽ cần hóa giải bằng các phương pháp Âm Dương Ngũ Hành, hoặc đơn giản hơn là thắp một ngọn đèn dầu tại khu vực này.
Bếp trong Địa lý Lạc Việt không chỉ là hướng tốt xấu của gia chủ, mà còn là các yếu tố quan trọng hơn. Các yếu tố này sẽ quyết định việc tốt hay xấu, có phát huy hay không. Chẳng hạn, nếu hướng bếp xấu, nhưng ở vị trí vô khí, thì tính xấu của bếp sẽ không phát tác, nhưng nếu hướng tốt ở vị trí vô khí hoặc mộ khí, thì cũng không phát huy tác dụng của hướng tốt.
Trên đây là một vài yếu tố cơ bản cần lưu ý khi thiết kế không gian bếp theo Địa lý Lạc Việt, vì bếp tốt tức là sức khỏe và tài chính của bạn cũng sẽ tốt hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com