Trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhà nhà đều tất bật mua sắm, trang trí, dọn dẹp nhà cửa đón Tết mà bỏ quên chăm sóc sức khỏe.
Tết cổ truyền đã đi vào tâm thức của nhiều người dân Việt, là dịp để chúng ta gác lại mọi lo toan, bận rộn, tất bật của công việc để nhìn lại một năm qua, cũng như là dịp được đoàn tụ, sum vầy bên gia đình.
Đánh dấu cho hành trình của một năm mới, sự đủ đầy trong ngày Tết hàm chứa mong mỏi khởi đầu cho những điều tốt đẹp, may mắn. Theo đó, xã hội hiện đại ngày nay dù cuộc sống hàng ngày đủ đầy hơn trước, nhưng quan niệm “đói quanh năm, no ba ngày Tết” dường như đi vào tiềm thức mua sắm, chuẩn bị của nhiều người. Vì thế, mỗi khi Tết, xuân về, nhà nhà đều tất bật mua sắm với mong ước một năm mới đủ đầy, sung túc.
Hơn nữa, sự đủ đầy, tươm tất trong mâm cỗ Tết cũng thể hiện sự mến khách khi tiếp đón, chiêu đãi họ hàng, bạn bè. Bên cạnh sắm sửa Tết, phong tục trang hoàng, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp cũng trở thành nét văn hóa lâu đời trong dịp Tết cổ truyền.
Nét đẹp văn hóa đó là mong muốn của gia chủ về một năm mới đón lộc tài và những điều may mắn, thuận lợi hơn. Thông thường, một năm dài đằng đẵng, mọi lo toan, dọn dẹp nhà cửa đa số do người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm, nhưng dịp này lại sự tham gia của tất cả các thành viên, nên tạo cơ hội cho sự gắn kết tình thương, sẻ chia công việc.
Theo TS.Ngô Chí Cương, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, chuyên gia Truyền nhiễm Hệ thống Y tế Medlatec dù bận rộn đến mấy, bạn hãy “bỏ túi” những việc làm thiết thực này để chuẩn bị sức khỏe dồi dào cho năm mới hanh thông, thuận lợi.
Tất bật lo đón Tết, nhiều người bị cuốn theo công việc nên dễ bị quá bữa / bỏ bữa, nhưng việc ăn uống thất thường lại là nguyên nhân gây sự mệt mỏi, thiếu tập trung, hay các bệnh lý tiêu hóa, đường huyết, tim mạch “tìm đến”.
Vì vậy, khi có kế hoạch cho việc dọn dẹp nhà cửa, bạn cần được bảo đảm ăn đúng/ đủ bữa, sau khi “ấm bụng” và dạ dày được “nghỉ ngơi”, bạn hãy bắt tay vào công việc trong sự thoải mái, hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó cần uống nhiều nước bởi 60% trọng lượng cơ thể là nước cho thấy đây là thành phần đặc biệt quan trọng với sự sống. Khi thiếu nước, nhẹ thì cơ thể sẽ bị khát, mệt mỏi, phản ứng chậm nặng thì có thể gây hạ huyết áp, nhịp tim tăng có thể gây tử vong.
Bạn hãy bổ sung nước nhiều nhất cho cơ thể bằng nước lọc, hoặc các loại nước ép trái cây, trung bình mỗi ngày cơ thể cần từ 2-2,5 lít nước tùy trọng lượng cơ thể.
Có không ít người dân chủ quan kỳ nghỉ Tết nên thức quá muộn, hoặc ngủ nướng cả ngày để “bù đắp” cho trong năm đầu tắt, mặt tối.
Theo chuyên gia ngay cả vào dịp Tết, người dân nên bảo đảm ngủ đủ giờ để được lấy lại sức khỏe và sự thư giãn, thoải mái nhất cho não bộ, tăng cường trí nhớ, tăng sự tập trung, tăng miễn dịch phòng chống bệnh tật...
Tết được xem là thời gian xả hơi, thư giản nên người dân thường chú trọng tới mâm cao cỗ đầy, ăn uống tụ tập, vui chơi mà quên việc luyện tập ngày Tết.
“Lười“ tập thể dục sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa. Vì thế, chuyên gia khuyên bạn nên duy trì luyện tập ngay cả ngày Tết bằng việc dọn dẹp nhà cửa, lên xuống chạy cầu thang, đi bộ khi du xuân, đi lễ đầu năm, hoặc luyện tập thể thao vừa sức.
Do Tết diễn ra trong thời điểm chuyển mùa Đông - Xuân, cùng chế độ sinh hoạt/ ăn uống thất thường, mất cân bằng, sử dụng đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đạm... là những tác nhân gây ảnh hưởng sức khỏe trong dịp Tết. Do đó, theo chuyên gia, những người mắc bệnh lý mạn tính, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai cần kiểm soát chặt chẽ sức khỏe.