Phiên giao dịch đầu tuần (18/1), VN-Index giảm hơn 16 điểm (-3,1%), xuống 526,37 điểm, trong phiên có thời điểm rơi xuống 518,16 điểm, giảm 4,5% so với mức đóng cửa cuối tuần qua. Một số cổ phiếu lớn như GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam cũng bị báo tháo, giá cổ phiếu này giảm sàn xuống còn 31.900 đồng/CP, mức thấp nhất trong gần 5 năm.
Trong bối cảnh tâm lý NĐT hoang mang, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK), TSKH. Nguyễn Thành Long ngay lập tức đăng đàn trấn an tâm lý NĐT và UBCK cũng đã ra công văn đề nghị các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán phối hợp tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ, báo cáo hàng ngày về các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch bất thường, kịp thời báo cáo UBCK, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ trục lợi, tung tin đồn.
TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, thời điểm này, NĐT nên cẩn trọng và bình tĩnh hơn khi đưa ra quyết định đầu tư vì mặc dù chỉ số sụt giảm, nhưng thanh khoản thị trường tăng rất mạnh. Cho tới cuối ngày, giá trị giao dịch tăng hơn 30% so với phiên cuối tuần trước. Điều này thể hiện, đang có lực cầu rất lớn sẵn sàng đợi để bắt đáy thị trường.
Theo Phó chủ tịch UBCK, có 6 yếu tố nền tảng để hỗ trợ cho sự ổn định của TTCK Việt Năm năm 2016.
Một là, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, các chỉ số kinh tế vĩ mô tương đối lạc quan. Các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Thế giới, HSBC… đều đánh giá cao triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 sẽ vượt mức kỳ vọng, nâng mức dự báo tăng trưởng GDP lên 6,6%. Theo Bloomberg, GDP Việt Nam sẽ tăng cao thứ 2 thế giới năm 2016, ở mức 6,6%, chỉ sau Ấn Độ.
Hai là, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia vào năm 2015 như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong năm 2016, tạo động lực cải thiện thanh khoản và quy mô thị trường.
Ba là, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đạt được những kết quả nhất định sẽ góp phần giúp TTCK thu hút dòng vốn nước ngoài trong thời gian tới. Chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế Thế giới khảo sát năm nay; tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất. Ngân hàng Thế giới cũng công bố báo cáo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016, trong đó năm 2015 Việt Nam tăng 3 bậc, ở vị trí thứ 93 và năm 2016 được xếp ở vị trí 90, tăng 3 bậc.
Hệ số P/E của TTCK Việt Nam hiện khá thấp, khoảng 10 lần, cho thấy sự hấp dẫn và tương đối an toàn
Năm là, diễn biến xấu của kinh tế và TTCK Trung Quốc được đánh giá chỉ có ảnh hưởng gián tiếp tới kinh tế và TTCK Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là nước ít bị tác động nhất trong khu vực từ tình hình Trung Quốc. Trên TTCK, tỷ lệ tham gia của các NĐT đến từ Trung Quốc không đáng kể và cũng không có niêm yết chéo trên TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô lường trước được tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, giá dầu giảm, chẳng hạn Bộ Tài chính đã có giải pháp chủ động nâng tỷ lệ thu nội địa và giảm tỷ trọng thu từ dầu chỉ còn khoảng 6% nhằm hạn chế ảnh hưởng tới ngân sách.
Do đó, TSKH. Nguyễn Thành Long cho rằng, không có lý do gì để NĐT ra quyết định bán vội vàng.
Phản ứng kịp thời của UBCK đã khiến NĐT bình tĩnh trong phiên giao dịch 19/1, VN-Index tăng 9,4 điểm, các cổ phiếu trụ cột như BVH, HPG, BID, SSI... đều tăng giá trở lại. Thực tế, với những NĐT giữ được bình tĩnh trong phiên trước đó có thể quan sát thấy động thái bắt đáy rõ rệt tại vùng dưới 520 điểm.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một quỹ đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, vùng giá 520 điểm khá hấp dẫn và bất cứ khi nào VN-Index xuống dưới vùng giá này thì quỹ sẽ mua vào cổ phiếu để tăng dần tỷ trọng.