Các ngân hàng nước ngoài vẫn có vị thế áp đảo trong lĩnh vực tài trợ thương mại tại Việt Nam

Các ngân hàng nước ngoài vẫn có vị thế áp đảo trong lĩnh vực tài trợ thương mại tại Việt Nam

Những lãnh địa bất khả xâm phạm của ngân hàng ngoại

(ĐTCK) “Có một số phân khúc thị trường, ngân hàng TMCP Việt Nam không chen chân được”, tổng giám đốc một ngân hàng nhận xét.

Đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại 22 triệu USD dành cho Tổng công ty Tín Nghĩa, một trong những DN đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê của Việt Nam để phát triển hoạt động kinh doanh cà phê.

Tại sự kiện này, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Standard Chartered tin rằng, những giải pháp tiên tiến và được thiết kế chuyên biệt sẽ cho phép chúng tôi tận dụng tối đa năng lực và cơ cấu sản phẩm toàn diện của mình để hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của khách hàng”.

Sự kiện này tiếp tục cho thấy vị thế áp đảo của các ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực tài trợ thương mại tại Việt Nam, khi mà những ngân hàng trong nước bị hạn chế tổng dư nợ cho vay của một tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Vietnam Airlines đã tổ chức sự kiện chào đón hai máy bay Airbus 321 mới mua về tới Việt Nam do Ngân hàng HSBC là nhà thu xếp vốn chính cho khoản vay tín dụng xuất khẩu trị giá 112 triệu USD.

“Những thương vụ mang tính chất quốc tế cần sự hỗ trợ của ngân hàng nước ngoài cũng là lãnh địa mà ngân hàng trong nước khó thâm nhập. L/C của một công ty ở Việt Nam mở để mua hàng nước ngoài, các DN bán hàng ở nước ngoài không biết ngân hàng Việt Nam là ai thường sẽ không chấp nhận L/C, mà bắt buộc phải có xác nhận của một ngân hàng lớn trên thế giới”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói.

Không chỉ dẫn đầu trong việc tài trợ thương mại, việc chen chân, tiếp cận các khách hàng truyền thống của các ngân hàng nước ngoài dường như là không thể đối với ngân hàng trong nước. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP cho hay, các DN Mỹ là khách hàng truyền thống của ngân hàng Citi và tương tự, các DN Úc là của ANZ, hay Unilever là của HSBC...

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam chia sẻ, một khách hàng của ANZ tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động tại Campuchia và cần vay vốn cho việc mở rộng này. Vì là DN hoàn toàn mới ở Campuchia nên các ngân hàng ở Campuchia không dám mạo hiểm cho DN này vay vốn. Nhưng ANZ đã giúp DN đó vay vốn tại Campuchia, với số vốn xấp xỉ 10 triệu USD.

“Chúng tôi làm được điều này vì có mạng lưới hoạt động tốt trong khu vực và chúng tôi hiểu rất rõ khách hàng của mình”, ông Tareq Muhmood nhấn mạnh và cho biết: “ANZ có mặt tại 33 thị trường trên toàn cầu và Ngân hàng vừa gặp gỡ một trong các công ty đang hoạt động tại Lào, Campuchia và cả Đông Timo. DN đó sử dụng dịch vụ và cộng tác với ANZ ở mỗi thị trường kể trên. Thế nên, dù có đầu tư tại những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì DN vẫn có thể làm việc với lãnh đạo và nhân viên ở Hà Nội. Đội ngũ cán bộ ANZ sẽ phối hợp với đồng nghiệp tại các nước kể trên để giúp họ trong việc mở tài khoản, quản lý tài chính, quản lý tiền mặt, quản lý ngoại tệ và những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư nước ngoài. Đó là minh chứng cho thấy, sự có mặt của hệ thống ngân hàng hỗ trợ rất nhiều cho các công ty, đặc biệt khi mở rộng hoạt động ra các nước trên thế giới”.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định, không hẳn là có những lãnh địa mà ngân hàng nước ngoài bất khả xâm phạm. Ngân hàng trong nước có một số lợi thế, nhưng cần có thời gian. Ví dụ, về mạng lưới, khi một DN ra nước ngoài đầu tư, kinh doanh, thì ngân hàng nước ngoài có lợi thế, bởi hiểu biết về thị trường đó, nhưng thực tế các ngân hàng nội cũng đang tìm cách thu hẹp khoảng cách thông qua việc bán cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài như VietinBank đã bán 20% cổ phần cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ.

Bên cạnh đó, cũng có một số mảng có tính chuyên môn hóa cao như ngân hàng đầu tư, thị trường vốn, hiện chưa phải là thời điểm để các ngân hàng trong nước đẩy mạnh, đặc biệt là các thương vụ lớn liên quan đến giao dịch mua bán, sáp nhập ở nước ngoài. Nhưng nhìn vào các ngân hàng trong khu vực đã và đang nỗ lực vươn lên khi có tiềm lực về tài chính, thậm chí mua lại ngân hàng đầu tư ở các nước đã phát triển, thì đây là điều khả thi.

“Vấn đề ở đây chỉ là thời gian, chứ không có một lĩnh vực nào bất khả xâm phạm. Ai làm giỏi, người đó sẽ thắng”, vị phó tổng giám đốc trên nói.            

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan