VPBank đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá năm 2022 với lợi nhuận ở mức 29.662 tỷ đồng

VPBank đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá năm 2022 với lợi nhuận ở mức 29.662 tỷ đồng

Những kỳ vọng lợi nhuận tỷ đô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 5 năm tới, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sẽ cán mốc tỷ USD và năm 2022 được xem là “năm bản lề” để hiện thực hóa tham vọng này.

“Bàn đạp” 2022

Các nhà phân tích tài chính nhận định, nhu cầu tín dụng năm nay có thể tăng 14% nhờ nền kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao. Thực tế, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt hơn 13%.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng dư nợ toàn ngành đạt 4,05% trong quý đầu năm 2022, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng tháng 3/2022 tăng tới hơn 2%. Việc tín dụng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm tạo điều kiện để các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao năm nay, từ đó làm “bàn đạp” đi lên trong những năm tới.

Đơn cử, VIB dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục 10.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn của NHNN.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB chia sẻ, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận ở mức tối thiểu 30%/năm và dự kiến vượt mốc tỷ USD trong 5 năm tới. Giá trị vốn hóa tăng 5 lần, từ 3,2 tỷ USD năm 2021 lên 14 tỷ USD năm 2026. Riêng năm 2022, vốn điều lệ sẽ tăng 35,7%, lên trên 21.000 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.

VPBank đưa ra kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá năm 2022 với tổng tài sản đạt 697.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021; tiền gửi tăng 28%, tín dụng tăng 35% (trên nhu cầu và năng lực của Ngân hàng, số liệu thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa/quy định của NHNN); lợi nhuận ở mức 29.662 tỷ đồng, tăng 107%. Năm 2022, lãnh đạo VPBank kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng vay vốn, đặc biệt tại FE Credit với kịch bản công ty tài chính này có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000 - 6.000 tỷ đồng như trước đây sau khi sụt giảm trong giai đoạn 2020 - 2021.

HDBank đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2022 và thu dịch vụ tiếp tục tăng tốc, riêng doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm sẽ gấp 3 lần năm 2021. Thu nhập hoạt động kỳ vọng tăng 23 - 25%, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 9.800 tỷ đồng. Theo chiến lược 5 năm (2021-2025), HDBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân trên 25% mỗi năm và đến 2025 cán mốc tỷ USD.

Techcombank đặt mục tiêu cho năm 2022 với lợi nhuận trước thuế tăng 16,2% so với năm 2021, lên con số 27.000 tỷ đồng. Năm 2021, ngân hàng này lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với năm 2021.

Không chỉ các ngân hàng cổ phần, khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Cụ thể, Vietcombank xây dựng kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% (tương ứng vượt 30.675 tỷ đồng); tổng tài sản dự kiến tăng 8%; dư nợ tín dụng tăng 15%; huy động vốn tăng 9%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%. Năm 2021, Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận toàn ngành với khoản lãi hợp nhất trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.

VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5-10% trong năm 2022. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo phê duyệt của NHNN. Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 1,8%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 19.300 tỷ đồng.

Cầu vốn cải thiện là điểm tựa

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%. Dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và được điều chỉnh tăng khi có sự chấp thuận của NHNN, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 25% lên mức 15.018 tỷ đồng.

Cơ hội sẽ không chia đều, mà lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect

Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy chia sẻ, thời gian qua, mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, ACB vẫn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó. Theo đánh giá của lãnh đạo ACB, năm 2022 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nhưng cơ hội tăng trưởng cao vẫn rộng mở khi nền kinh tế đang hồi phục tích cực.

“Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II/2022 nên đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là vấn đề các ngân hàng sẽ phải thường xuyên đối diện trong năm 2022”, ông Huy nói.

Hiện nay, cơ cấu kinh doanh của ACB khá đặc thù, với khách hàng cá nhân chiếm 63% trong tổng bán lẻ, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 31%. Mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay - một mức tỷ trọng cao trong ngành, trong khi tỷ lệ cho vay bất động sản chỉ ở mức thấp, khoảng 4,9%.

NIM (biên lãi ròng) năm 2021 đạt 3,9% - tăng 0,4% so với năm 2020, cho thấy nỗ lực cải thiện biên lợi nhuận của ACB trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm mạnh để hỗ trợ khách hàng. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) gia tăng thể hiện ACB thu hút tốt nguồn vốn giá rẻ, góp phần cải thiện NIM. Đáng chú ý, theo lãnh đạo ACB, nếu tình hình thị trường khả quan thì việc được hoàn nhập dự phòng rủi ro sẽ mang lại một khoản thu nhập bất thường không nhỏ cho ACB trong năm nay.

Thực tế, cầu vốn cải thiện sẽ thúc đẩy tín dụng tăng, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, lợi nhuận 6 ngân hàng gồm Techcombank, VietinBank, MB, ACB, TPBank và OCB sẽ tăng trưởng hơn 20% trong năm 2022, riêng VietinBank có thể tăng tới gần 60%, đạt 22.356 tỷ đồng lợi nhuận, vượt qua cả Techcombank, nhờ NIM cải thiện khi giảm cho vay liên ngân hàng và tăng cho vay khách hàng, đồng thời không còn phải hỗ trợ khách hàng nhiều như năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh thu phí của VietinBank được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 khi thỏa thuận hợp tác bán bảo hiểm độc quyền với Manulife chính thức có hiệu lực từ ngày 29/12/2021. Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt thương vụ Manulife mua lại Aviva cho nên VietinBank đủ điều kiện ghi nhận khoản phí trả trước lớn.

Được biết, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.100 tỷ đồng trong năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm 2021; ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở mức trên 20%; tỷ lệ chia cổ tức 20 - 25%.

Với Techcombank, trong năm 2021, ngân hàng này đã thực hiện trích lập 100% nợ tái cơ cấu mà không cần phân bổ trong 3 năm tiếp theo, qua đó giúp giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cũng như tạo ra “bộ đệm” lợi nhuận cho Techcombank những năm tới.

Tại MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Tổng tài sản tăng thêm 15%, đạt 230.000 tỷ đồng; tín dụng kỳ vọng tăng 25% tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

“Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, trong năm nay, MSB sẽ đẩy mạnh hơn nữa các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu hút CASA, giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động. Ngoài ra, thương vụ bán 100% cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022, mang lại cho MSB khoản lợi nhuận 2.000 tỷ đồng”, ông Linh chia sẻ thêm.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2022, ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công cũng như các chính sách kích cầu kinh tế, cho nên nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm nay. Tuy nhiên, cơ hội sẽ không chia đều, mà lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao.

Còn SSI Research ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình năm 2022 của các ngân hàng ở mức 21%, chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ kênh bancassurance, hoặc thoái vốn tại công ty con của một số ngân hàng như VietinBank, HDBank, Techcombank, MB... và có sự phân hóa rõ nét, với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân lớn nhờ chi phí vốn tiếp tục được tiết giảm.

Tin bài liên quan