Những kiểu đầu tư “nguy hiểm”!

(ĐTCK-online) Giá của một cổ phiếu chính là phản chiếu kỳ vọng về khả năng tạo ra lợi nhuận của một doanh nghiệp trong tương lai. Và có lẽ đây là lý do chính khiến nhiều NĐT vĩ đại chỉ tin tưởng vào đầu tư dài hạn, bởi khi đó giá trị của một doanh nghiệp mới được bộc lộ đầy đủ nhất.

Nhưng tất nhiên, không phải tất cả chúng ta đều quyết định đầu tư dài hạn ngay sau khi đọc sách về những biểu tượng thành công trên TTCK thế giới, đặc biệt là trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua thì khái niệm này có vẻ ít được nhắc tới hơn so với những từ kiểu như “lướt sóng”, “đầu cơ”… Thậm chí, một bộ phận NĐT nhỏ lẻ còn có quan niệm bất thành văn rằng, đầu tư dài hạn chỉ dành cho những tổ chức lớn, những đại gia, những người ăn kỹ no lâu và có tiền rủng rỉnh, đủ để quan tâm đến tương lai của công ty đó. Còn bản thân NĐT “có vài đồng vốn”, với lượng cổ phần chỉ đáng vài con số phần trăm (%) sau dấu phẩy, thì biện pháp tốt nhất là “lướt sóng”, mua nay bán mai để ăn chênh lệch.

Tất nhiên, bất kỳ một quyết định đầu tư nào cũng là tổng hợp của nhiều yếu tố, chuyện một số NĐT nhỏ không mấy mặn mà với đầu tư dài hạn cũng không có gì quá khó hiểu. Ngoài lý do kể trên thì có thể kể đến một yếu tố khác, đó là những kỳ vọng quá đáng về khả năng sinh lời của TTCK, kỳ vọng này đôi khi còn lớn đến mức họ không thể chờ đợi một khoảng thời gian lâu hơn nữa để thu được lợi nhuận. Đặc biệt, nếu tham gia thị trường bằng tiền vay thì gánh nặng này lại càng lớn!

Đó có lẽ là một khởi đầu thiệt thòi của các NĐT nhỏ - hoặc chính họ tự tạo cho mình bất lợi đó. Tất nhiên, cũng không thể không thấy rằng, có nhiều NĐT đã kiếm được lợi nhuận lớn nhờ những kinh nghiệm, dự cảm, hoặc chiến thuật riêng cho kiểu đầu tư này. Nhưng trong đa số trường hợp mà tôi biết thì hy vọng kiếm tiền nhanh chóng cộng với suy nghĩ về số tiền vốn “chẳng thấm tháp vào đâu” của mình đã khiến họ luôn có xu hướng bất ổn đối với những biến động ngắn hạn của thị trường. Họ hy vọng giá lên mãnh liệt hơn mức thông thường và tất nhiên, thất vọng cũng nặng nề hơn!

Nói cho cùng thì giá cổ phiếu dẫu có biến động thế nào thì cũng vẫn có xu hướng hội tụ về giá trị thực của nó trong khoảng 3 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Nhưng trong khoảng thời gian 1 hay 2 tháng trong vòng quay đó thì giá CP có thể lên bổng xuống trầm theo thị trường kiểu “thuyền lên thì nước cũng lên”, vì làm giá, ghìm giá, tâm lý… thậm chí, vì những lý do mà chúng ta không giải thích nổi. Hay nói cách khác, những NĐT lướt sóng luôn phải cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi mà từ ngày có nền văn minh chứng khoán, người ta đã bó tay từ lâu.

Nhưng vẫn còn một kiểu đầu tư khác tồn tại rất phổ biến trên TTCK Việt Nam hiện nay, thậm chí còn nguy hiểm hơn kiểu đầu tư lướt sóng. Đó là kiểu đầu tư mà bản thân các NĐT cũng không thể xác định nổi là ngắn hạn hay dài hạn.

Có thể ban đầu họ bước vào thị trường như một NĐT dài hạn, nghiên cứu rất kỹ càng về doanh nghiệp mà mình đầu tư, nhưng sau khi cổ phiếu đạt tới mức giá mà bản thân họ không thể nào ngờ tới thì họ lại nhanh chóng bán cổ phiếu đó đi như thể chớp lấy một cơ hội bán cổ phiếu trên đỉnh cao của nó. Có thể họ đúng, nhưng trong đa số trường hợp, cổ phiếu đó sẽ tiếp tục leo lên những đỉnh giá mới, đủ để khiến họ trở thành những kẻ “bán lúa non”. Hoặc ngược lại, khi cổ phiếu xuống dưới mức mà họ cho là giá trị thực thì những NĐT này lại nhanh chóng bán đi để cắt lỗ, dù doanh nghiệp đó vẫn làm ăn tốt.

Trường hợp thứ hai ta thấy khá thường xuyên trong thời điểm thị trường điều chỉnh sâu như hiện nay. Đó là một số NĐT theo “trường phái” lướt sóng, muốn bán cắt lỗ để nhảy ra thị trường càng nhanh càng tốt, nhưng không thể bán nổi vì chẳng có ai mua, nên đành tặc lưỡi chuyển sang chiến thuật đầu tư dài hạn “để vài ba tháng, hoặc cùng lắm là 1,2 năm nữa, thảo nào nó chẳng lên”! Hoặc nhẹ nhàng hơn là họ xác định lướt sóng, nhưng lại thấy cổ phiếu có vẻ quá rẻ nên cố giữ lại để “vô tình” biến mình thành NĐT dài hạn. Điều này thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng giá trị thực của cổ phiếu là ở đâu thì bản thân họ cũng khó có thể trả lời được. Nó có vẻ rẻ so với mức giá mà bạn mua nhưng chắc gì đã rẻ hơn mức giá trị thực của nó.

Những NĐT lướt sóng, NĐT ngắn hạn nhưng có suy nghĩ dài hạn, hoặc ngược lại NĐT dài hạn nhưng có suy nghĩ ngắn hạn, vẫn luôn luôn là một phần, thậm chí một phần rất lớn làm nên những sắc thái đa dạng TTCK. Tôi gọi đây là những kiểu đầu tư nguy hiểm không có nghĩa điều đó xấu; bởi nói cho cùng, chưa có ai bảo TTCK là một nơi an toàn cả! Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của nó có thể sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều hơn để quyết định xem bản lĩnh của mình có thể chịu được biên độ dao động bao nhiêu của thị trường.