Những khoản vốn “nghìn tỷ” không dễ hiểu tại công ty chứng khoán

Những khoản vốn “nghìn tỷ” không dễ hiểu tại công ty chứng khoán

(ĐTCK) Xem xét báo cáo tài chính của các CTCK, nhiều NĐT băn khoăn về nhiều quản với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đặt cọc

Báo cáo tài chính bán niên 2013 của CTCK Agriseco ghi nhận hai khoản tiền mà CTCK này đặt cọc cho khách hàng theo các thoả thuận mua chứng khoán với giá trị tổng cộng lên đến gần 1.542 tỷ đồng. Đây không phải là hình thức đặt cọc thông thường, vì tiền đặt cọc được hưởng lãi suất từ 11,5 - 28%/năm, đồng thời bên nhận đặt cọc còn phải đảm bảo bằng chứng khoán cho Agriseco kèm theo điều kiện Agriseco được quyền bán số chứng khoán này để thu hồi tiền cọc và lãi.

CTCK VPBS đặt cọc cho khách hàng số tiền gần 728,7 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 (số dư đầu năm là hơn 716,2 tỷ đồng) để mua chứng khoán. Tiền cọc này không được hưởng lãi như trường hợp của Agriseco, mà có một điều khoản phạt vi phạm hợp đồng: nếu khách hàng không mua chứng khoán trong thời gian thoả thuận sẽ phải hoàn trả tiền cọc cộng với mức phạt 10 - 15%/năm, hoặc 0,1% tổng giá trị hợp đồng.

Tương tự, CTCK Đại Dương (OCS) “đặt cọc” cho đối tác xấp xỉ 882 tỷ đồng để đối tác tìm mua chứng khoán cho OCS và “khi hợp đồng hết thời hạn mà đối tác không tìm được chứng khoán như thoả thuận, đối tác sẽ phải trả lại cho Công ty số tiền đặt cọc”. Điểm lạ ở đây là CTCK phải nhờ tổ chức khác tìm mua chứng khoán. CTCK này cũng nhận một khoản “đặt cọc” với số dư 319 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 (đầu năm là 344,5 tỷ đồng) từ một đối tác khác.

Những khoản vốn “nghìn tỷ” không dễ hiểu tại công ty chứng khoán ảnh 1

Theo tìm hiểu của ĐTCK, khi CTCK nhận đặt cọc thường có nghĩa là CTCK đi vay. Đối với những CTCK có ngân hàng “chống lưng”, nhiều trường hợp đặt cọc không phải là hình thức CTCK đi vay ngân hàng, mà là ngân hàng thông qua CTCK để cho khách hàng vay hoặc gửi vào ngân hàng khác khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn lãi suất huy động.

Chẳng hạn, CTCK MHB (MHBS) được Sở giao dịch Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long “đặt cọc” một khoản tiền có số dư tại thời điểm 30/6/2013 là 410 tỷ đồng. Tương tự, CTCK Navibank (NVS) được Ngân hàng TMCP Nam Việt đặt cọc 50 tỷ đồng. Còn CTCK Maritime Bank (MSBS) có một khoản “tiền đặt cọc bán cổ phiếu, môi giới trái phiếu” trị giá 181 tỷ đồng.

Thực tế, nhiều tổ chức phi tín dụng, trong đó có các CTCK, khi có nhu cầu cho vay hoặc đi vay, nhất là cho vay “nóng”, còn sử dụng các cam kết mua và bán lại chứng khoán (Repo). Báo cáo tài chính của một số CTCK như MBS, TVSI, vẫn còn các khoản phải thu từ các hợp đồng Repo chứng khoán.

 

Uỷ thác đầu tư

Tương tự “đặt cọc”, hình thức “uỷ thác đầu tư” (có các tên gọi khác như “thoả thuận đầu tư”, “hợp tác cung ứng dịch vụ và đầu tư tài chính”…) cũng có hai dạng: một là CTCK uỷ thác cho một bên nào đó, hai là một bên nào đó uỷ thác cho CTCK.

Gọi là uỷ thác đầu tư nhưng lạ ở chỗ, bên uỷ thác được nhận cố định một tỷ lệ phần trăm lãi trên số tiền uỷ thác, mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của bên uỷ thác. Việc này chẳng khác gì bên uỷ thác là bên cho vay và bên nhận uỷ thác là bên đi vay. Lãi trên số tiền “uỷ thác đầu tư” đôi khi được các bên gọi rất “chuyên môn” là “chi phí cơ hội” hay “phí sử dụng vốn”.

CTCK Quốc Gia (NSI) có một khoản phải thu 115 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Việt Phương (VPG) tại thời điểm 30/6/2013. Khoản phải thu này phát sinh từ một hợp đồng gọi là “hợp đồng hợp tác cung ứng dịch vụ và đầu tư tài chính”. Theo đó, NSI giao vốn cho VPG để tìm các khách hàng có nhu cầu bán các loại chứng khoán và phân tích, lập danh mục đầu tư để xem xét đầu tư. Điểm lưu ý là VPG phải đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu cho NSI. NSI đảm bảo số tiền vốn tối thiểu là 115 tỷ đồng tại tài khoản của VPG nhằm đảm bảo thực hiện giao dịch. Trong thời gian ký quỹ, VPG cam kết trả cho NSI một khoản phí sử dụng vốn là 9%.

Bên cạnh đó, NSI có một khoản phải trả 50 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) phát sinh từ một hợp đồng gọi là “hợp tác đầu tư”. Theo đó, NSI nhận tiền từ VietA Bank để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Khi NSI chưa tìm được tài sản đầu tư theo đúng yêu cầu của VietA Bank thì NSI được toàn quyền sử dụng vốn đầu tư nhàn rỗi một cách hiệu quả nhất, nhưng phải đảm bảo cho VietA Bank mức lợi nhuận 17,5%/năm. Khoản phải thu và khoản phải trả nêu trên của NSI có liên quan với nhau, vì VPG là cổ đông lớn của VietA Bank.

Có trường hợp “uỷ thác đầu tư” không phải là cho vay hay đi vay, mà đơn giản là ngân hàng chuyển tiền cho CTCK có tỷ lệ sở hữu chi phối để gửi vào ngân hàng khác trong những thời điểm lãi suất huy động cao hơn lãi các ngân hàng cho nhau vay. Trường hợp này cũng không khác gì so với một trong những “biến tướng” của các hình thức đặt cọc nêu trên.

Thuyết minh khoản mục “tiền và các khoản tương đương tiền” trong báo cáo tài chính của CTCK Đại Việt (DVSC) có ghi số tiền 228,8 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2013 là tiền được “một nhà đầu tư là cổ đông lớn của Công ty uỷ thác cho Công ty sử dụng” và “Công ty đã gửi số tiền này vào tài khoản tiền kỳ hạn mở tại một ngân hàng TMCP” nhưng chưa chưa thu hồi được, mặc dù đã quá hạn từ tháng 11/2011. Lãi suất mà DVSC gửi là 14%/năm, còn lãi suất mà DVSC trả cho “cổ đông lớn” là 13,9%/năm. Báo cáo cũng cho biết, “cổ đông lớn” là một tổ chức tín dụng.