Cú huých thoái vốn nhà nước
Câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn nhà nước đã tạo động lực cho hàng loạt cổ phiếu bứt phá trong tháng 11/2017.
Cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có đợt bứt phá ấn tượng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Từ đầu tháng 11 đến phiên 21/11, giá VNM tăng hơn 25%, đạt 189.000 đồng/cổ phiếu. Sự bứt phá của cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường này đã đem lại khoản lợi nhuận bất ngờ cho nhà đầu tư, sau hơn 5 tháng có diễn biến đi ngang và giảm nhẹ.
“Cơn sốt” cổ phiếu VNM bắt đầu khi phiên đấu giá 3,33% cổ phần của cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ngày 10/11 bất ngờ nhận được lệnh mua cao hơn 24% so với giá khởi điểm. Nhà đầu tư sau đó được xác định là Jardine Cycle & Carriage (JC&C) thuộc Tập đoàn Jardine Matheson (Hồng Kông).
Lệnh mua này khởi đầu cho hoạt động rót vốn ồ ạt của JC&C vào VNM. Thông tin từ JC&C cho biết, Công ty đã chi hơn 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu tại VNM lên 10%, thông qua mua cổ phần do SCIC thoái vốn, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trực tiếp trên sàn từ ngày 10 - 16/11.
Ngay sau khi bán vốn thành công tại VNM, SCIC công bố kế hoạch thoái vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), Công ty cổ phần FPT (FPT), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế (DMC) và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), mục tiêu hoàn thành trong năm 2017.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào “game” thoái vốn được giá như VNM, nhất là khi SCIC cho biết, miễn thủ tục chào mua công khai đối với trường hợp đăng ký mua dẫn đến tỷ lệ sở hữu vượt 25% số cổ phần tại các doanh nghiệp thoái vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông lớn hiện tại tham gia đấu giá.
Tại BMP, cổ đông lớn Nawaplastic Industry (đang sở hữu 20%) được dự báo sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nhờ có nguồn tiền dồi dào sau khi thoái 23,84% vốn tại NTP trong tháng 10/2017.
Tại NTP, Sekisui Chemical thuộc Tập đoàn Sekisui (Nhật Bản) được dự báo sẽ tăng tỷ lệ sở hữu sau khi đã mua 15% cổ phần NTP trong đợt Nawaplastic Industry thoái vốn vừa qua. Trước đó, tháng 7/2017, Sekisui Chemical mua 25,3% vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam, một doanh nghiệp thành viên của NTP.
Ngày 30/11 tới, NTP sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó nội dung thông qua việc nới tỷ lệ sở hữu (room) tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Đây được xem là bước đi mở đường cho nhà đầu tư ngoại tăng tỷ lệ sở hữu tại NTP.
Tương tự, tại DMC, CFR International SPA - công ty con của Hãng Abbott, đang sở hữu cổ phần chi phối 51%, được dự báo sẽ tăng tỷ lệ sở hữu thông qua mua cổ phần thoái vốn của SCIC.
Trong khi đó, tại VCG, đối tác chiến lược quan tâm đến đợt thoái của SCIC chưa được xác định. Với FPT, dù rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhưng do đã kín room nên việc mua cổ phiếu thoái vốn sẽ giành hoàn toàn cho nhà đầu tư trong nước.
Trên sàn chứng khoán, các cổ phiếu trong kế hoạch thoái vốn của SCIC đều ghi nhận mức tăng giá đáng kể. Trong tháng 11, mức sinh lợi của cổ phiếu FPT có lúc đạt 14,9%, VCG là 19,6%, DMC là 23%, NTP là 10,5%, BMP là 27,3% so với đầu tháng.
Nhiều cổ phiếu khác liên quan đến thoái vốn nhà nước cũng đạt mức sinh lời đáng kể trong tháng 11.
Chẳng hạn, khi Bộ Quốc phòng bán thành công hơn 5,3 triệu cổ phiếu HDG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô vào ngày 16/11, giá cổ phiếu đã tăng 12% so với đầu tháng. Hay cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng có lúc tăng 14% so với đầu tháng 11 khi đón nhận thông tin cổ đông lớn đang giữ 49,65% cổ phần là Bộ Xây dựng đăng ký thoái hết vốn trong thời gian từ ngày 17/11 đến 16/12.
Tại nhóm cổ phiếu săm lốp, dù chưa có thông tin cụ thể về lộ trình thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất, nhưng giá các mã SRC, DRC, CSM đều đồng loạt bứt phá trong tháng 11. Trong khi đó, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp này suy giảm và quý IV được nhận định tiếp tục khó khăn.
Mới đây nhất, sau thông tin Bộ Công thương chỉ đạo bộ phận đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco (SAB) tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore và Anh trong thời gian từ ngày 24 - 27/11, nhằm tiến tới thoái vốn lần đầu trong năm 2017, thị giá SAB đã tăng 4,4% trong phiên 21/11.
“Tân binh” VRE
Nói đến nhóm cổ phiếu tăng “phi mã” gần đây không thể bỏ qua VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail. Niêm yết trên HOSE ngày 6/11, giá cổ phiếu VRE tăng kịch 40% biên độ trong phiên chào sàn, đạt 40.600 đồng. Sau 3 tuần lên sàn, thị giá VRE ngày 21/11 đạt 51.000 đồng/cổ phiếu, có giá vốn hóa gần 97.000 tỷ đồng, lớn thứ 6 trên HOSE (lớn nhất là VNM, hơn 274.000 tỷ đồng).
VRE là doanh nghiệp quản lý 40 trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom+… tại 21 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ 1,1 triệu m2.
Công ty còn vận hành cho thuê, quản lý một số khu văn phòng xung quanh các trung tâm trên và một số bất động sản khác, với tổng diện tích văn phòng và các bất động sản khác cho thuê tại ngày 30/6/2017 là 36.123 m2. Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng cao… Do đó, không khó hiểu khi cổ phiếu VRE nhận được sự săn đón của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lên sàn, VRE không chỉ sinh lời cho cổ đông hiện hữu, giúp 2 cổ đông lớn là Credit Suisse AG và WP Investments chốt lời tổng cộng 73,7% khoản đầu tư, mà còn tạo hiệu ứng để nhóm cổ phiếu liên quan tăng giá mạnh.
Chỉ trong vòng 1 tháng, thị giá VIC của Công ty cổ phần Vingroup (sở hữu 18,4% VRE) tăng 43%, đạt đỉnh giá cao nhất sau 10 năm niêm yết, soán ngôi SAB trở thành cổ phiếu có giá trị vốn hóa thứ hai trên HOSE.
Đối với cổ phiếu SDI của Công ty cổ phần Sài Đồng - công ty con của VIC, cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 32,3%, giá hiện tăng gấp đôi so với đầu năm. Sự tăng giá của VRE và VIC góp phần quan trọng đưa VN-Index dễ dàng vượt ngưỡng 900 điểm.
Trước đó, nhiều cổ phiếu mới niêm yết như VJC, PLX hay VPB cũng đã có những đợt tăng giá ấn tượng sau khi chào sàn.
Cơ hội và rủi ro
Tháng 11 hàng năm vốn được xem là giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán, bởi đây là “vùng trống” thông tin giữa kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III và quý IV, cũng như nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi các chính sách mới để định hướng đầu tư cho năm sau, khiến giao dịch không mấy tích cực.
Thống kê biến động của VN-Index trong 6 năm trở lại đây cho thấy, có 5 năm chỉ số giảm điểm trong tháng 11, năm 2013 là năm duy nhất VN-Index kết thúc tháng 11 tăng điểm (+2,08%).
Năm 2017 đang tạo sự khác biệt, với mức tăng của VN-Index từ đầu tháng 11 đến ngày 21/11 đạt 9,7%, đóng cửa tại 918,3 điểm, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong bối cảnh tỷ giá ổn định. Có những ý kiến kỳ vọng, VN-Index có thể chinh phục mục tiêu 1.000 điểm trước khi kết thúc năm 2107.
Tuy nhiên, khi mà sắc xanh chỉ tập trung vào một số dòng, nhóm cổ phiếu nhất định, nhà đầu tư rất khó có lời nếu không bắt đúng “sóng”. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, phân tích của không ít công ty chứng khoán đều chung nhận định, rủi ro điều chỉnh đang ngày một gia tăng từ áp lực chốt lời tích lũy suốt thời gian qua.