Đa dạng loại hình môi giới
Trong giai đoạn 2 năm đại dịch, thị trường chứng khoán Việt bùng nổ nhờ dòng tiền rẻ và những thay đổi trong hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, lượng môi giới chứng khoán cũng gia tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường khó khăn hơn kể từ quý I/2022 khiến hoạt động môi giới suy giảm.
Thống kê trong quý I/2023, tổng doanh thu hoạt động môi giới ngành chứng khoán đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và chưa bằng 1/3 giá trị giai đoạn bùng nổ trong quý IV/2021.
Hiện nay, các công ty chứng khoán theo mô hình truyền thống sử dụng môi giới để tìm kiếm khách hàng và hỗ trợ giao dịch. Phần lớn doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán sẽ được dùng để trả thu nhập cho môi giới. Với việc doanh thu môi giới toàn thị trường chưa tới 1/3 so với đỉnh thì thu nhập của nghề môi giới tất nhiên cũng giảm sút đáng kể.
Chưa kể, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn hơn, các công ty chứng khoán buộc phải có cải tổ về nhân sự để tiết giảm chi phí. Theo đó, nghề môi giới vốn có tốc độ đào thải lớn, khi thị trường đi xuống càng trở nên khốc liệt, nhân sự không đạt định mức dễ dàng mất việc.
Đáng chú ý, tuy lượng nhân sự môi giới chính thức suy giảm, nhưng các công ty chứng khoán vẫn cần lực lượng đủ lớn để tìm kiếm khách hàng. Theo đó, một số công ty chứng khoán đang phát triển đội ngũ đối tác - được xem là cộng tác viên giới thiệu khách hàng mới, được hưởng phí giao dịch của khách hàng đã giới thiệu trọn đời...
Chứng khoán An Bình (ABS) là một trong những đơn vị đang triển khai chương trình “đối tác phát triển khách hàng”, được gọi là A - Partner. Theo đó, khi trở thành A - Partner, đối tác được phép tự do chọn phí giao dịch cho khách hàng mà mình giới thiệu, tức là có thể chủ động quyết định mức phí hoa hồng nhận được. Một khi khách hàng mở tài khoản qua giới thiệu và tiến hành giao dịch thì A - Partner sẽ được nhận ngay hoa hồng. Tiêu chí để trở thành đối tác khá dễ dàng, lại được hưởng phí trên mọi giao dịch của khách hàng do mình giới thiệu, thậm chí hưởng thêm phần hoa hồng của các đối tác dưới cấp.
Theo giới thiệu của ABS, A - Partner được hưởng thù lao từ 2 nguồn: Một là phí hoa hồng trực tiếp từ khách hàng đem lại (chiếm 97%); hai là hoa hồng từ khách hàng gián tiếp do A - Partner cấp 2 (2%) và cấp 3 (1%). Việc đăng ký trở thành A - Partner của ABS rất đơn giản, không giới hạn đối tượng, chỉ cần mở tài khoản, lựa chọn trở thành đối tác của Công ty, tự tạo mã giới thiệu của bản thân và tìm kiếm khách hàng mở tài khoản bằng mã giới thiệu này.
Không ít công ty chứng khoán khác trên thị trường cũng đang tập trung sử dụng hình thức môi giới qua mạng lưới đối tác này như Công ty Chứng khoán Kafi, TCBS, VPS… Trong đó, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) là công ty thuộc nhóm quy mô lớn trên thị trường, vốn được biết đến với việc không sử dụng môi giới, thay vào đó là các đối tác giới thiệu khách hàng - iWealth Partner.
Theo giới thiệu của TCBS, khi trở thành iWealth Partner và có khách hàng tham gia giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ của TCBS thì iWealth Partner đó sẽ nhận được hoa hồng giới thiệu tối đa 0,12% giá trị giao dịch cổ phiếu; 0,8% giá trị giao dịch trái phiếu; 0,4% với quỹ mở và 1%/năm với vay ký quỹ (margin).
Chưa kể, cùng với sự phát triển của công nghệ, các công ty chứng khoán đang mạnh tay phát triển mảng công nghệ để thay thế phần việc của con người nhờ Chatbox, AI, môi giới ảo tự động trả lời, hướng dẫn mở tài khoản tự động, eKYC... Điều này mang lại sức hấp dẫn khi giảm thiểu chi phí dành cho môi giới, khách hàng có thể được miễn phí giao dịch.
Theo đó, môi giới ảo cũng là hình thái môi giới mới đang dần trở nên phổ biến với việc được các công ty chứng khoán nhỏ hơn sử dụng, trong đó có thể kể tới những tên tuổi như Công ty Chứng khoán Vina (VNSC), Công ty Chứng khoán DSNE, Công ty Chứng khoán Pinetree…
Câu chuyện quản lý và trải nghiệm khách hàng
Sự phát triển nóng của đội ngũ môi giới trong giai đoạn đại dịch đã tạo nên những vấn đề về chất lượng. Một lực lượng môi giới trẻ mới gia nhập thị trường tuy có sự nhanh nhẹn, kỹ năng “sale” tốt, song đa phần đều thiếu và yếu cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Phương thức hoạt động chủ yếu của họ là tập hợp nhà đầu tư thành nhóm rồi tư vấn theo dòng tiền, tin đồn, cố gắng xoay vòng dòng vốn nhanh, hô hào mua - bán.
Đây là lý do Ủy ban Chứng khoán mới đây đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán chấn chỉnh lại hoạt động, bao gồm cả việc tăng cường quản lý đội ngũ môi giới. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu người hành nghề chứng khoán tại công ty chấp hành việc khi tư vấn cho khách hàng phải công bố số chứng chỉ hành nghề chứng khoán; môi giới chứng khoán không được tham gia các diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng (ngoài diễn đàn, hội nhóm được công ty chứng khoán đồng ý, chấp thuận) để tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán, lôi kéo nhà đầu tư mua, bán chứng khoán với tư cách đại diện công ty chứng khoán...
Tuy nhiên, với đội ngũ đối tác, các quy định là chưa rõ ràng. Dễ nhận thấy, các đối tác môi giới, cộng tác viên có hoạt động tương tự các môi giới chứng khoán nhưng không có yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, điều kiện gia nhập dễ dàng và không có nhiều ràng buộc nên việc quản lý cũng trở nên khó khăn hơn.
Chưa kể, một khi các công ty chứng khoán có nhu cầu, ngoài lực lượng đối tác cá nhân tự ứng tuyển, còn có các đơn vị cung cấp dịch vụ. Theo đó, một số đơn vị thành lập các nhóm đối tác môi giới và cung cấp cho các công ty chứng khoán trên thị trường. Việc sử dụng dịch vụ môi giới từ một bên thứ ba sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý.
Trong khi đó, với nhóm công ty chứng khoán sử dụng môi giới ảo, trải nghiệm khách hàng vẫn còn cần được cải thiện. Về lý thuyết, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp công ty chứng khoán phát triển nhanh và hiệu quả hơn trong việc tiếp cận khách hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho người dùng.
Tuy nhiên, đầu tư công nghệ là cuộc đua dài hơi và không hề dễ dàng, các doanh nghiệp trên thị trường mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình. Việc sử dụng môi giới ảo đôi khi mang lại tác dụng ngược, khi khách hàng cảm giác bực dọc với các tin nhắn tự động “không cảm xúc”, không giải quyết được vấn đề và cảm thấy “bị bỏ rơi” khi xảy ra các tình huống bất thường.
Hệ thống công nghệ chưa đủ mạnh có thể là lý do khiến giao dịch của nhà đầu tư gặp gián đoạn, nếu kết hợp thêm việc không thể liên hệ với nhân viên của công ty chứng khoán, các khách hàng sẽ trở nên khó chịu và lựa chọn rời đi.