Thông tin sâu rộng hơn để chinh phục niềm tin
Nhiều khảo sát cho thấy, chỉ có một lượng ít doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa tuân thủ, trong khi phần lớn còn lại đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu CBTT bắt buộc theo luật định và nhà đầu tư khó có thể chê trách được.
Thế nhưng, có một thực tế là khi đã tham gia vào thị trường vốn thì các công ty đại chúng phải chấp nhận các “luật chơi” trên thị trường này (và điều này cũng đem đến nhiều lợi ích cho bản thân công ty), vốn không chỉ gói gọn trong những quy định pháp lý mang tính bắt buộc.
Hãy nghĩ đến những trường hợp khá phổ biến sau: Kết quả kinh doanh của công ty suy giảm, nhà đầu tư mất niềm tin và bán tháo cổ phiếu.
Tiêu cực hơn, công ty đang có lợi nhuận 4 quý liên tiếp, nhưng bỗng nhiên công bố thua lỗ và nhà đầu tư thậm chí còn suy diễn số liệu tài chính đang bị thao túng.
Sau đó, ngân hàng bắt đầu cứng rắn với các khoản vay của công ty khi thấy TTCK phản ứng quá tiêu cực, nhân viên chủ chốt mất động lực và nhảy qua đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp nghi ngờ năng lực thanh toán và siết chặt chính sách tín dụng…
Hay trường hợp hai công ty cùng ngành, nhưng một công ty lại có chỉ số định giá P/E và P/B cao hơn hẳn so với công ty kia…
Rõ ràng, doanh nghiệp sẽ cần tương tác nhiều thông tin khác hơn mức “tuân thủ” để giúp lấy lại niềm tin của cộng đồng đầu tư và từ đó cải thiện mức định giá.
Những lập luận như “chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, còn mọi thứ hãy để nhà đầu tư quyết định” hay “chúng tôi không có kế hoạch phát hành cổ phiếu/trái phiếu” trong tương lai gần, do đó không có nhu cầu tương tác với nhà đầu tư”… đã trở nên lạc hậu.
Khi nào nên đẩy mạnh CBTT cao hơn quy định bắt buộc?
Thứ nhất, đó là trường hợp công ty có nhiều yếu tố mang tính “dễ thay đổi” như có nhiều sáng tạo, cải tiến, nhiều tài sản vô hình, đang ở trong tăng trưởng cao, ở giai đoạn đầu của chu kỳ kinh doanh.
Tương tự như vậy là khi công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Tất cả những trường hợp này đều có thể giúp công ty tạo ra thu nhập tiềm năng trong tương lai gần, dù hiện tại phải đầu tư rất lớn vào chi phí.
Nếu rơi vào các trường hợp này, công ty nên cân nhắc công bố các thông tin bổ sung để đáp ứng nhu cầu thông tin của giới đầu tư vì các chuẩn mực kế toán không thể giúp ghi nhận được tiềm năng một cách chính xác.
Thứ hai, công ty có số lượng nhà phân tích theo dõi và thực hiện báo cáo phân tích thấp dưới mức trung bình ngành hoặc đánh giá tích cực/tiêu cực của nhà phân tích có độ phân tán cao hơn trung bình ngành. Đây là dấu hiệu bất cân xứng thông tin cao bất thường và việc công bố thông tin ngoài thông tin tài chính cần được tăng cường hơn nữa.
Thứ ba, nếu công ty tham gia vào hoạt động phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ (phần mềm, platform hoạt động dựa trên Internet, dược phẩm hoặc công nghệ sinh học…) thì chắc chắn nên xem xét vì nhà đầu tư sẽ hoàn toàn mù tịt thông tin trong suốt giai đoạn phát triển, nếu thất vọng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cổ phiếu và đánh giá của nhà phân tích.
Thứ tư, công ty thực hiện dự án kéo dài trong nhiều giai đoạn thì thông tin tiến độ thực hiện và dòng tiền đi kèm là yếu tố tối cần thiết để nhà đầu tư đánh giá triển vọng hoạt động kinh doanh. Điển hình của trường hợp này là các công ty xây dựng và phát triển bất động sản, nhưng đây cũng là một khía cạnh cần xem xét đối với các công ty có hoạt động đầu tư tài sản/dự án lớn.
Hai mảng thông tin cần cải thiện
Qua thực tiễn tiếp xúc với các doanh nghiệp niêm yết, tôi nhận thấy hầu hết đã ý thức được rằng, một chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) gồm công bố thông tin hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vốn đáng kể, thể hiện qua giá của vốn và mức độ sẵn lòng rót vốn từ nhà đầu tư, bên cạnh các lợi ích khác. Tuy nhiên, có hai mảng thông tin sau tôi cho rằng, có thể cải thiện thêm để gia tăng lợi ích của doanh nghiệp cũng như cộng đồng đầu tư và các bên có lợi ích liên quan khác.
(1) Yếu tố tạo giá trị trong mô hình kinh doanh
Về mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị, chúng ta có thể tham khảo “Khung hướng dẫn lập báo cáo tích hợp” của IIRC.
Ở đây, tôi xin giới thiệu một template của GS Baruch Lev tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York), được khái quát hóa để công bố thông tin theo “Con đường đến tăng trưởng” (Path-to-growth), tập trung vào các yếu tố tạo ra giá trị quan trọng của doanh nghiệp và cung cấp thông tin đầu vào, hay là đầu tư vào tăng trưởng (cột bên trái), tiếp theo là đầu ra trung gian, yếu tố cần thiết vì tăng trưởng sẽ cần một thời gian dài để hình thành.
Đầu ra cuối cùng (cột bên phải) liên quan đến các yếu tố cơ bản dùng trong định giá là doanh số, lợi nhuận và dòng tiền. Đây là tấm gương phản chiếu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp - cốt yếu của nhu cầu thông tin đối với giới đầu tư.
(2) Ước tính định hướng (guidance)
Ước tính định hướng là những dự báo chủ động của nhà quản lý về kết quả kinh doanh đi kèm với đó là những đo lường, đánh giá về hoạt động, có thể có cả thông tin định lượng lẫn định tính.
Thông tin ước tính định hướng phổ biến nhất hiện nay là kế hoạch kinh doanh do Ban lãnh đạo đưa ra và Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, và có thể được điều chỉnh trong năm.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đưa ra ước tính kết quả kinh doanh hàng quý, nhưng không thường xuyên và thường chỉ thực hiện khi có kết quả tích cực hơn là tiêu cực.
Mặc dù chưa phổ biến ở Việt Nam, thông tin ước tính định hướng đã được nhiều nghiên cứu khẳng định có tác động tích cực ở các thị trường phát triển.
Cụ thể, nó giúp tăng niềm tin của giới đầu tư về sự minh bạch của doanh nghiệp, giúp giảm biến động giá cổ phiếu và gắn kết doanh nghiệp với nhà đầu tư, nhà phân tích hơn.
Với một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, mô hình kinh doanh phức tạp thì bên cạnh thông tin báo cáo tài chính, những thông tin ước tính định hướng chẳng hạn doanh số cửa hàng cũ (ngành bán lẻ), hệ số tải (ngành vận tải) hay đơn hàng chưa thực hiện (backlog)… sẽ giúp giảm độ rủi ro đáng kể cho cổ phiếu.