Khi đọc báo cáo tài chính, NĐT cần lưu ý đến ý kiến của kiểm toán viên

Khi đọc báo cáo tài chính, NĐT cần lưu ý đến ý kiến của kiểm toán viên

Những góc khuất trong báo cáo tài chính của công ty chứng khoán

(ĐTCK) Sự suy giảm kéo dài của TTCK đã ảnh hưởng nặng nề đến các thành viên thị trường - CTCK. Nhiều công ty thua lỗ nặng, buộc phải dừng hoạt động hoặc sáp nhập vào một công ty khác, hoặc bị cơ quan quản lý đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính. 

Quy luật đào thải của thị trường ngày càng khắt khe, buộc các CTCK nhỏ, không đủ công nghệ, tài chính, nhân lực phải nhường lại sân chơi cho những công ty mạnh hơn. Dù một số CTCK vẫn đứng vững, nhưng “sức khỏe” của khối CTCK chưa đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

Soi kỹ cơ cấu lợi nhuận

Để nắm bắt được tình hình tài chính của CTCK, NĐT, cổ đông của các công ty nên đọc báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán hoặc soát xét, nghĩa là đã có sự kiểm tra, xác nhận bởi kiểm toán viên độc lập. Khi đọc báo cáo kiểm toán/soát xét, NĐT, cổ đông cần lưu ý đến ý kiến của kiểm toán viên. Bởi lẽ, trong BCTC có thể tồn tại những sai sót trọng yếu mà CTCK không điều chỉnh theo kiến nghị của kiểm toán viên, buộc kiểm toán viên phải có ý kiến không chấp nhận toàn phần, phổ biến là ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán, báo cáo soát xét của mình. NĐT cần xác định mức độ ảnh hưởng của ý kiến đó đến BCTC trước khi ra quyết định đầu tư

NĐT, cổ đông cần quan tâm đến các chỉ tiêu như trích lập dự phòng, các khoản phải thu trên báo cáo tài chính của CTCK. Việc cho vay quá tay và “ôm” lượng cổ phiếu quá lớn trong giai đoạn thị trường tăng nóng trước kia đã để lại hậu quả khá nặng nề cho nhiều CTCK. Thông thường, công ty kiểm toán thường gặp khó khăn trong quá trình thuyết phục CTCK về vấn đề trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, đặc biệt là dự phòng giảm giá của cổ phiếu OTC.

Ngoài ra, NĐT cần xem xét cơ cấu lợi nhuận, mảng nào đem lại lợi nhuận chủ yếu, để đánh giá tình hình hoạt động của CTCK; tính luân chuyển của luồng tiền thể hiện trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, vì luồng tiền được ví như là mạch máu trong thực thể CTCK. Nếu CTCK trình bày lãi trên báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại cho thấy luồng tiền âm thì có nghĩa là DN sẽ gặp khó khăn trong thanh toán.  

Cẩn thận với trích lập dự phòng

NĐT cũng cần chú ý đến báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính của CTCK, vì đây là chỉ tiêu rất quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của CTCK.

Cùng với sự ra đời của hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TTCK thời gian qua, hoạt động của CTCK ngày càng minh bạch hơn. Mới đây, Thông tư 146/2014 hướng dẫn chế độ tài chính đối với CTCK, công ty quản lý quỹ được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/11/2014, được áp dụng kể từ năm tài chính 2014 đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập về cơ chế tài chính đối với khối CTCK, đặc biệt là việc thiếu quy định về trích lập dự phòng giảm giá đối với cổ phiếu OTC.

Tuy nhiên, việc Thông tư 146/2014/TT-BTC quy định, trường hợp cổ phiếu OTC không có giao dịch thực tế phát sinh thì không thực hiện trích lập dự phòng sẽ tiếp tục thừa nhận một thực tế, chỉ một phần danh mục cổ phiếu OTC được trích lập dự phòng, còn một phần sẽ không được trích lập, do không phát sinh giao dịch.

Trong khi đó, thực tế trong danh mục cổ phiếu OTC của nhiều CTCK hiện tại có không ít chứng khoán đã mất thanh khoản từ nhiều năm nay, chiếu theo quy định sẽ không được trích lập dự phòng. Điều này đồng nghĩa với việc danh mục cổ phiếu OTC tiếp tục là khối tài sản tiềm ẩn rủi ro, đe dọa tác động tiêu cực đến sức khỏe an toàn tài chính tại CTCK.

Đây là bức xúc lâu nay của NĐT và cổ đông tại các CTCK. Ngoài ra, Thông tư 146/2014 cũng không quy định rõ thế nào là “giao dịch thực tế phát sinh”. Với cách quy định thiếu rõ ràng này, rất có thể sẽ tạo kẽ hở cho CTCK “lách luật” bằng cách tạo ra các giao dịch ảo, để có cơ sở trích lập dự phòng, phản ánh sai tình hình tài chính tại CTCK. 

Tin bài liên quan