Tăng tốc phát triển khu vực kinh tế tư nhân
Trong bối cảnh các thay đổi nhanh chóng trong bức tranh tài chính quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, khi đầu tư tư nhân trong nước còn thấp và tăng chậm, sự cần thiết của việc khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn phát triển tới đây được các nhà hoạch định chính sách và các văn bản chiến lược của Việt Nam ghi nhận.
Xử lý các cản trở sự phát triển khu vực tư nhân và mở rộng đầu tư tư nhân trong nước đang là một trong các ưu tiên cao nhất của Việt Nam và các hành động được xác định trong các quyết sách của Chính phủ và đang được thực hiện.
Theo đó, ưu tiên then chốt là phải đẩy mạnh sự phát triển của khu vực này và mở rộng đầu tư ở Việt Nam thông qua việc sắp xếp thứ tự ưu tiên ở 3 lĩnh vực hành động sau:
Thứ nhất, cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước, trong đó có cả việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước và sửa đổi chính sách thu hút FDI, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho các công ty tư nhân trong nước gia nhập thị trường và tăng cường mối liên kết của các công ty này với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Thứ hai, cần thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh chuyển dịch cần thiết từ kinh tế không chính thức sang kinh tế chính thức.
Thứ ba, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận đất đai và tín dụng và đặc biệt nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới và nắm bắt cơ hội mà cuộc cách mạng vông nghiệp 4.0 mang lại.
Cần xây dựng các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (đang gặp hạn chế vì quy mô nhỏ và thiếu khả năng đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực).
Nâng cao hiệu quả và hiệu lực của chi tiêu và đầu tư công
Thực tế, việc mở rộng các nguồn thu của Chính phủ chỉ có hiệu quả nếu các nguồn lực ngân sách và các khoản đầu tư công được sử dụng có hiệu quả và có hiệu lực, báo cáo nghiên cứu kêu gọi Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả của chi tiêu thường xuyên cũng như tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với nguồn đầu tư công.
Trong khi việc tiếp tục tinh giản bộ máy và giảm số người ăn lương từ nguồn ngân sách của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng, thì cũng cần thực hiện các hành động song song nhằm bảo đảm bộ máy Chính phủ có hiệu quả lớn hơn.
Những khoản tiết kiệm có thể thu được thông qua cắt giảm chi tiêu thường xuyên cho việc chi trả tiền lương có thể mở ra cơ hội cho việc tăng chi tiêu của Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) và đầu tư vào nâng cao “Kỹ năng thế kỷ 21” cần thiết để Việt Nam chớp lấy những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ đặt ra các tiêu chí rõ ràng và áp dựng các giải pháp thiết chế phù hợp để sắp xếp thứ tự ưu tiên và lựa chọn các dự án đầu tư công có thể thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, coi đây là những hành động ưu tiên hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng.
Cải thiện tính bền vững của nguồn thu ngân sách
Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng, các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả.
Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn.
Có thể thực hiện việc này bằng cách thực hiện các sắc thuế mới như thuế tài sản và thuế phát thải khí CO2/carbon, xem xét lại trần tỷ trọng thu ngân sách từ thuế và phí trên GDP, cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc phân loại và thu thập dữ liệu về các nguồn thu ngân sách từ thuế, phí và lệ phí, nhằm góp phần xác định các vấn đề và xây dựng các biện pháp chính sách chính xác hơn.
Cũng cần xem xét lại việc áp dụng các tỷ suất thuế cố định và cơ sở tính thuế thấp gắn chặt với các nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ phát triển về quy mô và tham gia khu vực kinh tế chính thức.
Cuối cùng, báo cáo khuyến nghị cần tăng cường việc quản lý tài sản Nhà nước nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tài trợ cho việc phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội, cũng như trang trải chi phí bảo dưỡng/bảo trì mà không phải cạnh tranh về nguồn tài chính từ ngân sách chính phủ, để có thể dành nhiều ngân sách hơn trong chi tiêu cho chăm sóc y tế, giáo dục và các sáng kiến xã hội khác.
Tăng cường sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA
Mặc dù việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA hiện có tầm quan trọng hàng đầu để bảo đảm rằng, các dự án ODA khắc phục được các nút thắt tăng trưởng kinh tế chủ yếu của đất nước và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, Việt Nam cần bảo đảm quá trình tiến tới "tốt nghiệp" ODA diễn ra một cách thông suốt, bằng cách xây dựng và thực hiện các kế hoạch “hậu ODA” và thăm dò cơ hội huy động các nguồn lực mới.
Ðể tránh tình trạng các khoản vay ưu đãi chấm dứt đột ngột và đồng loạt, Chính phủ và các nhà tài trợ cần hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng các chương trình, dự án ODA từ 5-10 năm tới, dựa trên mức độ các nguồn lực được dự báo trước và xây dựng kế hoạch chuyển dần ra khỏi các khoản vay ưu đãi.
Ðồng thời, cần phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế mới cho phát triển về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các quỹ tư nhân và các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Quản lý nợ công một cách khôn ngoan
Do tình trạng nợ công tích tụ nhanh chóng và những rủi ro gắn liền với nợ công, điều hết sức cấp thiết là phải xây dựng và thực hiện các luật pháp, chiến lược, kế hoạch và chính sách quản lý nợ công như những bộ phận tích hợp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Khung Tài chính tích hợp quốc gia - INFF.
Ðặc biệt, cần tăng cường mối liên kết giữa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình Ðầu tư công trung hạn và các Kế hoạch 3 năm về tài chính và ngân sách, tăng cường tính đồng bộ giữa các công cụ này với các văn bản pháp luật, chính sách và quy định khác về ngân sách nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, Quỹ Bảo hiểm xã hội và Kho bạc nhà nước (với vai trò là những đơn vị nắm giữ phần lớn trái phiếu của Chính phủ).
Hơn nữa, cần tăng cường năng lực quốc gia để phân tích các cơ hội, thách thức, chi phí và rủi ro gắn liền với tất cả các nguồn nợ và vay công, dự báo và tư vấn về nhu cầu vay và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai, cũng như xây dựng và thực hiện các cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm soát và quản lý rủi ro từ các khoản vay của Chính phủ (bao gồm cả các khoản vay của chính quyền địa phương, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước).
Theo dõi chặt chẽ và đánh giá nợ công sẽ cung cấp những thông tin và dữ liệu kịp thời, chính xác để phổ biến rộng rãi cho tất cả người sử dụng, phù hợp với các tập quán tốt quốc tế về theo dõi và đánh giá nợ công và cung cấp thông tin về nợ công.
Nâng cao tác động tổng hợp của các nguồn lực tài chính
Ðiều hết sức cần thiết là phải nâng cao sự hiểu biết và tăng cường năng lực quản lý mối quan hệ tương tác giữa các nguồn tài chính cho phát triển, để không chỉ giúp hạn chế các tác động tiêu cực (như khi các dòng vốn vào Việt Nam và đầu tư trong nước đã cùng tăng nhanh và giảm mạnh gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam vào năm 2007), mà còn góp phần tối đa hóa tác động qua lại của các nguồn tài chính cho phát triển, trong khi vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý nợ một cách bền vững và tăng trưởng kinh tế ổn định.
Các hiểu biết và năng lực đó còn giúp cho việc xác định thêm các dự án ODA và các dự án đầu tư công có khả năng thu hút các dòng FDI mới có chất lượng, cũng như các dự án đầu tư của khu vực tư nhân trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp hạn chế tác động của các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án của các doanh nghiệp nhà nước, trong việc “chèn ép” (crowding out) đầu tư tư nhân (kể cả thông qua sự cạnh tranh nguồn tín dụng trong nước của các doanh nghiệp tư nhân) và xác định thêm các dự án đầu tư công có hiệu ứng “lôi kéo” (crowding in) đầu tư tư nhân và hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.
Kết luận
Việc Việt Nam hướng tới con đường phát triển bao trùm và áp dụng mô hình tăng trưởng mới dựa vào năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn nhằm tạo ra nhiều việc làm có năng suất hơn cho tất cả mọi người, đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược mới trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển cũng trở nên cấp bách hơn.
Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mới nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế - xã hội trong việc huy động các nguồn lực để tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cứng cũng như hạ tầng mềm, nâng cao chất lượng nguồn vốn con người - đặc biệt là trang bị cho lực lượng lao động những “Kỹ năng thế kỷ 21” nói riêng và để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung.
Nghiên cứu về tài chính cho phát triển đã xác định những thách thức và cơ hội để Việt Nam huy động các nguồn tài chính cho phát triển với quy mô, sự kết hợp hợp lý và để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả và bền vững các nguồn lực tài chính cho phát triển.
Báo cáo nghiên cứu đề xuất việc xây dựng và thực hiện các chính sách đồng bộ trong một khung tài chính tích hợp quốc gia phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam.
Chiến lược mới về tài chính cho phát triển và việc thực hiện chiến lược cần trở thành một bộ phận khăng khít của các nỗ lực cải cách Việt Nam về quản lý tài chính công và đầu tư công, của các kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ.
Chiến lược đó cũng cần phù hợp với nỗ lực của đất nước nhằm giảm thiểu những bất cập, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm về kinh tế và xã hội, tính bền vững về môi trường và khả năng chống chịu với khí hậu.
Ðã đến lúc tất cả các bên cần hành động một cách có phối hợp để khắc phục những thách thức đã được xác định, nhằm thực hiện kỳ vọng của Việt Nam trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững và để nâng sự nghiệp phát triển con người của Việt Nam lên tầm cao mới.