Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Ảnh: Bình Minh |
Tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án, trong đó chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai, những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản, nhưng thực tiễn một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.
Theo ông Khôi, các chính sách nói trên có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường bất động sản, tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn bao gồm quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để tạo thanh khoản và nguồn cung sản phẩm, cần được bàn luận, kiến giải từ các chuyên gia và các thành viên thị trường.
Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, để giải quyết các nút thắt của thị trường, rất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật chứng khoán... Cùng với đó là việc rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan.
Cũng nêu quan điểm về các tồn tại pháp lý hiện nay, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Việt nam, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư DVL Ventures cho rằng, hiện có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên cả nước bị ách tắc, không thể triển khai thực hiện do vướng vấn đề đất ở (phải có một phần đất ở), hay các về vấn đề giao đất và thời hạn hoạt động của dự án; thời điểm tính tiền sử dụng đất tiền thuê đất…
Theo ông Chung, để gỡ các nút thắt, khơi thông cho thị trường, cần tập trung giải quyết các dự án đang gặp vướng pháp lý, rơi vào cảnh tồn đọng và cần sửa các quy định từ Luật, Nghị định, Thông tư không còn phù hợp, đây là vấn đề quan trọng nhất.
Trong khi đó, PGS, TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, về dài hạn, chuyển đổi số là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản Việt Nam. Trước mắt, để thị trường nhanh chóng bước vào giai đoạn phục hồi, cần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của dự thảo luật đất đai.
Ngoài ra, theo bà Nhung, với các tồn tại về thuế, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, cần có hướng tiếp cận mới. Chính sách thuế cần phải tiếp cận theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp chưa hoạt động thì chưa có nguồn thu để đóng góp, chưa kể các khó khăn sau dịch Covid-19.
"Việc tính thuế cho nhà đầu tư chỉ nên bắt đầu từ khi dự án đi vào hoạt động, thay vì từ khi có quyết định giao đất, trong khi thời gian bàn giao đất thực địa có thể bị kéo dài một vài năm sau đó", bà Nhung nhấn mạnh và cho biết thêm, với câu chuyện đấu thầu, đấu giá dự án, việc các doanh nghiệp bỏ tiền giải phóng mặt bằng xong chính quyền tổ chức đấu giá lại sẽ là không hợp lý, làm nguồn lực của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong khi chưa chắc doanh nghiệp đã trúng thầu.