Đến giữa tháng 4, dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng tăng 1,26%
Đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm
Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2013 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những điểm sáng như lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ năm trước, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, thì những khó khăn thách thức do tác động của kinh tế thế giới đã hiện hữu: trong quý I/2013, cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước, khả năng hấp thụ vốn của DN bị hạn chế, nợ xấu tăng cao…
Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và Nghị Quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 31/1/2013 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2013. Theo đó, NHNN kiên trì thực hiện điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12% và tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng có hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu vốn tiêu dùng thiết yếu và bảo đảm an sinh xã hội; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, DN sử dụng nhiều lao động, các dự án hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Kết quả, hai tháng đầu năm 2013, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng giảm, nhưng mức độ giảm thấp hơn cùng kỳ năm 2012 và từ giữa tháng 3/2013 đã bắt đầu tăng trở lại, tính đến 31/3/2013 tăng 0,67% so với cuối năm 2012. Cơ cấu tín dụng cũng có sự điều chỉnh tích cực, theo đó tín dụng bằng VND tăng 2,22%, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ giảm 6,42%.
Nguyên nhân của tình trạng tín dụng tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm một phần là do các DN vẫn gặp khó khăn, vì vậy việc hấp thụ vốn vay bị hạn chế, đồng thời các DN có xu hướng trả nợ ngân hàng sau khi vay để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán. Một số lĩnh vực đến cuối tháng 4/2013 có sự giảm sâu như: vận tải kho bãi giảm 4,24%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 3,62%; buôn bán, sửa chữa động cơ ô tô, xe máy giảm 4,27%.
Bảy giải pháp cơ bản
Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong quý I/2013, NHNN đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy mở rộng tín dụng hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn cho DN.
Thứ nhất, tiếp tục xác định các lĩnh vực ưu tiên và chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để cho vay; quy định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện nay, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 11%/năm).
Thứ hai, điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5 điểm phần trăm, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm khoảng 2-3%/năm so với cuối năm 2012. Các TCTD đã đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp (khoảng 9 - 10%/năm) để hỗ trợ cho một số lĩnh vực như thu mua lúa gạo, cho vay mua nhà ở…
Thứ ba, ngay từ những tháng đầu năm, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ trong việc đưa ra các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế có ảnh hưởng đến phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo (từ 20/2/2013 đến 31/3/2013) của ngành ngân hàng đã cho các DN vay trên 7.500 tỷ đồng để thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, góp phần ổn định giá lúa gạo trên thị trường và bảo đảm cho người nông dân trồng lúa có mức lãi hợp lý.
Thứ tư, NHNN đang phối hợp với Bộ Xây dựng soạn thảo chính sách cho vay hỗ trợ đối với người mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích và giá cả hợp lý. NHNN cam kết dành 30.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho các NHTM để cho vay các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ - công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với lãi suất và thời hạn hợp lý (dự kiến, lãi suất cho vay khoảng 6%/năm và thời hạn tới 10 năm). Chính sách này sẽ giúp giải quyết một phần tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản, đồng thời tạo cơ hội cho những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có chỗ ở phù hợp.
Thứ năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình kinh tế, chương trình tín dụng của Chính phủ đã được triển khai từ năm 2012 như: chương trình hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149, theo đó các hộ gia đình và DN gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh được xem xét giãn nợ tối đa đến 24 tháng đối với các khoản nợ cũ và cho vay mới với lãi suất tối đa là 11%/năm; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 63 và 65 của Chính phủ, theo đó các tổ chức và cá nhân vay vốn (được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần lãi suất) để phục vụ cho việc mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho việc thu hoạch, bảo quản nông, lâm thủy sản.
Thứ sáu, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với DN để tìm hiểu và tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp DN sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách hiệu quả, bền vững.
Thứ bảy, đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách và các chương trình tín dụng bảo đảm. Đến 31/12/2012, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 113.921 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2011, với hơn 7 triệu lượt hộ đang còn dư nợ. 3 tháng đầu năm 2013, dư nợ tín dụng của cơ quan này đạt 114.074 tỷ đồng, với số khách hàng còn dư nợ là 7.045.345 hộ.
Bên cạnh đó, NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 về tín dụng đối với hộ cận nghèo, giúp cho những người đã thoát nghèo không bị nguy cơ tái nghèo trở lại và công tác giảm nghèo thực sự mang tính bền vững.
Những giải pháp trên đã đem lại hiệu ứng tích cực. Đến giữa tháng 4/2013, dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng tăng 1,26%, trong đó dư nợ bằng VND tăng 3,07%. Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng khá trong những tháng đầu năm là: khai khoáng tăng 4,05%; hoạt động dịch vụ tăng 7%; bất động sản tăng 5,31%; hoạt động tài chính, bảo hiểm tăng 3,55%; nông nghiệp, nông thôn tăng 1%.
Đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực của toàn ngành trong quý khởi đầu của năm 2013. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ, để đạt các mục tiêu đã đề ra là kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.