Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, của UBND Thành phố, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội có kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng ngân hàng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của NHNN, Chương trình hành động của UBND TP. Hà Nội về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội trên địa bàn đã có bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được quan tâm, trật tự an toàn được giữ vững, hoạt động ngân hàng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Là ngành kinh tế tổng hợp cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ ngân hàng cho xã hội, ngành ngân hàng đã phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Tính đến nay, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn Hà Nội có 428 TCTD tính đến cấp chi nhánh đang hoạt động. Từng TCTD đã nâng cao chất lượng hoạt động, nỗ lực trong hiện đại hoá công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của Thành phố.
Chi nhánh NHNN TP. Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò đầu mối tổ chức triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn và hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hà Nội
Để thu hút và tạo nguồn vốn, các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Năm 2015, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Hà Nội đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm trước.
Thực hiện đúng định hướng về cho vay, đầu tư vốn, có chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, các dự án trọng điểm của Thành phố, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2015, ngành ngân hàng Hà Nội vẫn duy trì mức tăng trưởng tín dụng khá tốt, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) trên địa bàn đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 19,5%, trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 894.611 tỷ đồng, tăng 20,8%.
Ngành ngân hàng Hà Nội luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ của ngành ngân hàng theo định hướng mục tiêu và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Việc cho vay hộ nông dân, cho vay các đối tượng chính sách được chú trọng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và góp phần cùng Thành phố trong việc xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Dư nợ cho vay nông nghiệp, phát triển nông thôn đạt 65.843 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng dư nợ cho vay tăng tăng 20,72% so với 31/12/2014. Dư nợ cho vay đối với DNNVV đạt 392.466 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng dư nợ cho vay tăng 21,15%, tăng trưởng khá mạnh so với các lĩnh vực khác..
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam về thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, các TCTD trên địa bàn đã tích cực chủ động tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng. Các NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết tham gia chương trình 113.780 tỷ đồng, dư nợ theo chương trình đạt 85.658 tỷ đồng cho hàng nghìn DN. Mức lãi suất trong chương trình kết nối ngân hàng - DN đã giảm 5 - 7%/năm so với mặt bằng chung thời gian trước đây, giúp DN giảm gánh nặng về chi phí sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh. Về phía ngành ngân hàng đã đưa được vốn vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Song song với thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động tích cực thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở, đến tháng 2/2016, các NHTM trên địa bàn ký kết hợp đồng tín dụng có hạn mức 13.368 tỷ đồng cho gần 19.052 khách hàng (trong đó có 9 khách hàng DN), đã giải ngân 9.313 tỷ đồng.
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 03/2010/NQ-HĐND ngày 21/4/2010 của Hội đồng nhân dân Thành phố về xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030 và Chương trình 02-Ctr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, kết quả cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội đã góp phần thực hiện thành công đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, các chủ trương chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đầu tư tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội thực sự là một đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, mở ra một thị trường mới từng bước xóa các tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo cơ hội cho các cá nhân, gia đình có thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng theo quy định hiện hành.
Dư nợ cho vay đối với chương trình xây dựng nông thôn mới của các TCTD trên địa bàn liên tục tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012 - 2015 là 26%/năm. Đến cuối năm 2015, gần 258.000 lượt khách hàng được vay vốn ngân hàng, dư nợ đạt 41.312 tỷ đồng. Các lĩnh vực cho vay chủ yếu là cho vay hộ sản xuất - kinh doanh, cho vay làm đường nông thôn, cho vay xây dựng nhà ở, cho vay hộ nghèo và cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.
Hoạt động cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp nhiều hộ gia đình, cá nhân, làng nghề… khôi phục ngành nghề truyền thống, bổ sung vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp.
Tuy sản xuất còn khó khăn, nhưng vẫn tăng trưởng; năng suất, sản lượng lương thực tiếp tục tăng; một số chỉ tiêu đặt ra đã đạt hiệu quả; một số vùng sản xuất chuyên canh được hình thành và phát huy hiệu quả, như các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, các vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa cây cảnh, hoặc các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản… Người nông dân đã có những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, quản lý, nhất là ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao hiện nay đã phát huy tác dụng và trong tương lai gần sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Cùng với sự phát triển của sản xuất, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn của Hà Nội đã thật sự được hưởng lợi từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành đã quan tâm chú trọng, tập trung đầu tư hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu của Thành phố, sự vận động của các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân là một nguồn lực lớn đã đầu tư cho các lĩnh vực nông thôn.
Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn đã thực hiện cho vay được trên 115.000 lượt hộ, trong đó: 10.000 lượt hộ nghèo; 30.000 lượt hộ cận nghèo; 36.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; 32.000 lượt hộ vay vốn nước sạch, vệ sinh môi trường; khoảng 1.200 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn...
Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tạo việc làm mới cho trên 38.000 lao động, hỗ trợ sửa chữa, cải tạo trên 64.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ trang trải chi phí học tập cho trên 7.000 lượt sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố với dư nợ đến cuối năm 2015 đạt 5.636 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm cho 75.000 lao động/năm của TP. Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, thực sự trở thành một trong các trụ cột quan trọng đảm bảo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn trên cơ sở tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tín dụng chính sách của ngành ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ngoài đóng góp cho phát triển kinh tế, ngành ngân hàng Hà Nội đã có đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, ngành ngân hàng trên địa bàn cố gắng dành một số tiền đáng kể, trong đó có một phần không nhỏ trích từ tiền lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên và người lao động, để tài trợ cho công tác an sinh xã hội.
Bước sang năm 2016, ngành ngân hàng Hà Nội tiếp tục tập trung đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng của NHNN, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho khách hàng. Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, sở ngành của Thành phố thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp.